Kế toán trách nhiệm trong các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá
Triển khai cơ chế tự chủ trong đó có tự chủ về tài chính, các bệnh viện công lập nói chung và bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá nói riêng đang đứng trước các thách thức khi mà theo lộ trình, nguồn thu từ ngân sách nhà nước đang ngày càng giảm dần. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cần thay đổi quản lý để kiểm soát chi phí, tăng nguồn thu góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bệnh viện. Kế toán trách nhiệm được coi là công cụ hữu hiệu cho thay đổi phương pháp quản lý tại bệnh viện công lập thông qua việc gắn trách nhiệm cho các trung tâm và đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm trách nhiệm. Trên cơ sở đánh giá thực trạng kế toán trách nhiệm tại các các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, bài viết đề xuất một số khuyến nghị về vận dụng kế toán trách nhiệm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của các bệnh viện công lập trên địa bàn trong thời gian tới.
Cơ sở lý thuyết và thực tiễn
Kế toán quản trị ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý của các tổ chức nói chung và các đơn vị công lập nói riêng, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập có thu trong bối cảnh thực hiện tự chủ hiện nay.
Kế toán trách nhiệm được coi là một bộ phận quan trọng của kế toán quản trị và là công cụ đắc lực của hệ thống quản lý với mục đích là thu thập, xử lý và cung cấp thông tin về nguồn lực đầu vào và kết quả đầu ra của các trung tâm trách nhiệm trong các tổ chức. Thông qua các thông tin kế toán trách nhiệm cung cấp, các đối tượng liên quan có thể thực hiện việc phân tích để tìm ra nguyên nhân sai lệch giữa thực hiện với kế hoạch đặt ra, từ đó có thể thực hiện việc kiểm soát chi phí phát sainh tại bộ phận của mình.
Hiện nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về kế toán trách nhiệm thể hiện vai trò kế toán trách nhiệm gắn liền với đánh giá hiệu quả quản lý của các trung tâm trách nhiệm, từ đó giúp cho hiệu quả quản lý trong các tổ chức được cải thiện rõ nét. Kế toán trách nhiệm được học giả Higgins, J. đề cập lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1952. Theo Higgins, J., kế toán trách nhiệm là quá trình kiểm soát chi phí, đánh giá kết quả hoạt động của từng bộ phận trong tổ chức, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của người người chịu trách nhiệm kiểm soát bộ phận.
Trên cơ sở kế thừa và phát triển quan điểm của Higgins,J., năm 1962, Martin N.Kellogg đã phát hiện ra rằng, kế toán trách nhiệm chỉ tồn tại trong đơn vị có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. N.J Gordon (1963) khẳng định, kế toán trách nhiệm chỉ thực sự phát triển trong tổ chức có sự phân quyền. Việc phân quyền trong tổ chức tạo nên sự phân cấp và đòi hỏi cấp trên phải theo dõi và đánh giá kết quả của các cấp dưới.
Atkinson và cộng sự (2001) cho rằng: “Kế toán trách nhiệm là một hệ thống cung cấp thông tin nhằm đánh giá trách nhiệm và thành quả của mỗi nhà quản lý”. Trong khi đó, nghiên cứu của Sarkar và Yeshmin (2005) định nghĩa: Kế toán trách nhiệm là một bộ phận của hệ thống kế toán, thực hiện thu thập, phân tích và cung cấp thông tin liên quan đến chi phí, thu nhập và kết quả hoạt động của từng bộ phận chịu trách nhiệm trong một doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, Đoàn Ngọc Quế và cộng sự (2011) cho rằng, “Kế toán trách nhiệm là hệ thống thu thập, xử lý và truyền đạt thông tin có thể kiểm soát theo phạm vi trách nhiệm của từng nhà quản trị nhằm đạt được mục tiêu chung của tổ chức”. Nghiên cứu của Lê Thị Yến Oanh (2022) khẳng định, kế toán trách nhiệm là một nội dung của kế toán quản trị, được hình thành dựa trên cơ sở phân quyền hạn và trách nhiệm cho những người quản lý của các bộ phận/hoạt động trong doanh nghiệp.
Trong hệ thống kế toán trách nhiệm, các thông tin về tình hình tài chính và phi tài chính mà nhà quản lý bộ phận/hoạt động có thể kiểm soát được được thu thập và cung cấp theo phạm vi của từng bộ phận/hoạt động, nhằm đánh giá hiệu quả công việc của các nhà quản lý bộ phận/hoạt động trong việc thực hiện mục tiêu chung của tổ chức.
Từ các quan điểm như trên có thể nhận thấy kế toán trách nhiệm có vai trò quan trọng trong công tác quản lý tại các đơn vị, là công cụ đắc lực trong hệ thống kiểm soát quản lý tại các tổ chức. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, khi đang từng bước thực hiện lộ trình tự chủ để có thể đứng vững và phát triển có thể cạnh tranh với các bệnh viện tư nhân thì các bệnh viện công lập nói chung và các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá nói riêng ngày càng phải thay đổi cơ chế quản lý.
Theo đó, chuyển đổi từ quản lý tập trung sang giao trách nhiệm cho các bộ phận phòng, ban các đơn vị trực thuộc trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ bệnh nhân, kiểm soát chi phí phát sinh tại các bộ phận mình phụ trách, tổ chức đánh giá trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan và chịu trách nhiệm, từ đó mỗi bộ phận trong bệnh viện đều hoàn thành tốt mục tiêu của mình thúc đẩy hoạt động chung của bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá ngày càng phát triển.
Thực trạng kế toán trách nhiệm tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có tổng số 54 bệnh viện, 31 trung tâm y tế và 559 trạm y tế xã, trong đó bệnh viện công lập có 38 bệnh viện bao gồm 12 bệnh viện tuyến Tỉnh và 26 bệnh viện tuyến huyện trong đó số lượng các bệnh viện công lập và quy mô giường bệnh được thống kê theo bảng 1.
Bảng 1: Thống kê số lượng và quy mô bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá |
||||
STT |
Bệnh viện |
Số lượng bệnh viện |
Số lượng đội ngũ nhân viên bình quân/bệnh viện (người/bệnh viện) |
Quy mô giường bệnh bình quân/bệnh viện (giường/bệnh viện) |
1 |
Bệnh viện đa khoa tuyến Tỉnh |
2 |
876 |
1.010 |
2 |
Bệnh viện chuyên khoa tuyến Tỉnh |
10 |
265 |
210 |
3 |
Bệnh viện tuyến huyện |
26 |
230 |
326 |
Nguồn: Sở Y tế Thanh Hoá
Hầu hết các bệnh viện công lập trên địa bàn Thanh Hóa hiện nay đã thực hiện tự chủ hoàn toàn chi phí chi thường xuyên, tỷ trọng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp cho các bệnh viện công lập đang ngày càng giảm dần. Trong bối cảnh đó, các bệnh viện cần tìm kiếm và khai thác nguồn thu từ các hoạt động khám chữa bệnh và các dịch vụ khác phục vụ cho bệnh nhân. Do vây, việc phân cấp quản lý từ đó thực hiện việc giao nhiệm vụ và đánh giá trách nhiệm các trung tâm chi phí là các bộ phận, phòng, ban các đơn vị trực thuộc ngày càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Theo số liệu thống kê, cơ cấu nguồn thu các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa qua các năm gần đâyđược thể hiện ở Bảng 2.
Bảng 2: Cơ cấu nguồn thu bệnh viện công lập trên địa bản tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2019 - 2022 (ĐVT: trđ) |
||||||||
Nội dung |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
||||
Số tiền |
Tỷ trọng |
Số tiền |
Tỷ trọng |
Số tiền |
Tỷ trọng |
Số tiền |
Tỷ trọng |
|
NSNN cấp theo định mức |
197.604 |
8,4 |
166.294 |
7,8 |
133.943 |
6,5 |
108.868 |
4,3 |
Thu BHYT |
2.077.815 |
89 |
1.889.031 |
88,2 |
1.819.866 |
88,6 |
2.293.823 |
90,6 |
Thu sự nghiệp khác |
60.492 |
2,6 |
86.484 |
4 |
100.314 |
4,9 |
129.122 |
5,1 |
Tổng |
2.335.911 |
100 |
2.141.809 |
100 |
2.054.123 |
100 |
2.531.813 |
100 |
Nguồn: Tác giả xử lý dữ liệu từ Sở Y tế Thanh Hoá
Kế toán trách nhiệm được hình thành trên cơ sở các trung tâm trách nhiệm, vì vậy các nội dung cơ bản của kế toán trách nhiệm xoay quanh các nội dung liên quan đến hình thành trung tâm trách nhiệm, hoạt động các trung tâm trách nhiệm và đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm trách nhiệm trên cơ sở “đầu vào” và “đầu ra”. Hiện nay, tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá kế toán trách nhiệm vẫn chưa được hình thành rõ nét mà mới chỉ thực hiện được ở vài khâu cơ bản, cụ thể như sau:
- Về cơ cấu tổ chức các trung tâm trách nhiệm: Hiện nay, các Khoa/phòng ban tại các bệnh viện công lập có thể được coi là các trung tâm chi phí. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện nay vẫn chưa mang tính giao trách nhiệm cho lãnh đạo các bộ phận về vấn đề kinh phí phát sinh tại bộ phận mình phụ trách mà mới dừng ở vấn đề chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy, chưa có kết quả đánh giá trách nhiệm có liên quan đến kết quả hoạt động của các trung tâm chi phí.
- Về lập dự toán trung tâm trách nhiệm: Về dự toán trong bệnh viện hiện nay, mặc dù quy trình lập dự toán được tiến hành từ cấp cơ sở là các khoa, phòng ban trung tâm tuy nhiên các dự toán này lập dựa trên cơ sở kinh nghiệm và dự toán của các kỳ trước, đồng thời chưa dựa trên cơ sở khảo sát tình hình thực tế và mang tính giao trách nhiệm cho các bộ phận có liên quan trong trách nhiệm lập dự toán.
- Đánh giá hiệu quả các trung tâm trách nhiệm: Trên cơ sở kết quả phân cấp trách nhiệm hoạt động như trên có thể nhận thấy, việc đánh giá kết quả hoạt động của các khoa, phòng, ban trên cơ sở nguồn lực đầu vào và kết quả đầu ra cũng như đánh giá giữa kế hoạch và thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn và không có trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động tại các bộ phận của bệnh viện thông qua các chỉ tiêu và mục tiêu phấn đấu sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Kế toán trách nhiệm được học giả Higgins, J. đề cập lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1952. Theo Higgins, J., kế toán trách nhiệm là quá trình kiểm soát chi phí, đánh giá kết quả hoạt động của từng bộ phận trong tổ chức, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của người người chịu trách nhiệm kiểm soát bộ phận.
Trên cơ sở kế thừa và phát triển quan điểm của Higgins,J., năm 1962, Martin N.Kellogg đã phát hiện ra rằng, kế toán trách nhiệm chỉ tồn tại trong đơn vị có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. N.J Gordon (1963) khẳng định, kế toán trách nhiệm chỉ thực sự phát triển trong tổ chức có sự phân quyền. Việc phân quyền trong tổ chức tạo nên sự phân cấp và đòi hỏi cấp trên phải theo dõi và đánh giá kết quả của các cấp dưới.
Vận dụng kế toán trách nhiệm tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá
Bảng 3: So sánh cơ cấu nguồn thu bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa |
|||||
Năm 2020/2019 |
Năm 2021/2020 |
Năm 2022/2021 |
|||
Số tiền (+/-) |
% |
Số tiền (+/-) |
% |
Số tiền (+/-) |
% |
(31.310) |
(15,8) |
(32.351) |
(19,5) |
(25.075) |
(18,7) |
(188.784) |
(9,1) |
(69.165) |
(3,7) |
473.957 |
26 |
25.992 |
43 |
13.830 |
16 |
28.808 |
28,7 |
(194.102) |
(8,3) |
(87.686) |
(4,1) |
477.690 |
23,3 |
Để thực hiện kế toán trách nhiệm trong bệnh viện công lập, yêu cầu cần thiết đặt ra đối với các tổ chức là cần phải thực hiện việc phân quyền quản lý, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các bộ phận, tiến hành đánh giá hiệu qủa hoạt động các bộ phận. Vì vậy, trong thời gian tới, để thực hiện kế toán trách nhiệm tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, xây dựng các trung tâm trách nhiệm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trên cơ sở đặc thù các bệnh viện công lập trên địa bàn hiện nay có thể thực hiện việc phân cấp quản lý các bộ phận như sau:
Cấp thứ nhất là ban lãnh đạo bệnh viện. Đây là cấp cao nhất trong toàn bệnh viện, chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động của bệnh viện. Đây có thể được gọi là trung tâm đầu tư.
Cấp thứ hai là các phòng ban chức năng trong bệnh viện trong bệnh viện. Các bộ phận này chủ yếu chịu trách nhiệm trong xử lý các thông tin chung, các thông tin hành chính bệnh viện nên được coi là các trung tâm chi phí linh hoạt của bệnh viện, chịu trách nhiệm chính của trung tâm này là do các trưởng phòng. Ngoài ra, trong các bệnh viện công lập còn có bộ phận thực hiện cho thuê các dịch vụ của bệnh viện như nhà xe, xe cấp cứu và các dịch vụ khác bên ngoài nên bộ phận này là trung tâm doanh thu bệnh viện.
Cấp thứ ba là các khoa điều trị trong bệnh viện. Đây là bộ phận chịu trách nhiệm chính trong hoạt động khám chữa bệnh tại các bệnh viện cũng như thực hiện các dịch vụ của bệnh viện. Các khoa này đóng vai trò vừa là trung tâm chi phí, vừa là trung tâm doanh thu của bệnh viện. Người đứng đầu tại các trung tâm này chính các trưởng khoa chịu trách nhiệm cả về chuyên môn nghiệp vụ cũng như các vấn đề liên quan đến chi phí phát sinh tại các khoa mình phụ trách.
Thứ hai, xây dựng dự toán trung tâm trách nhiệm. Việc xây dựng dự toán cho các trung tâm trách nhiệm cụ thể là các khoa, phòng, ban phải thực hiện như sau:
- Đối với các khoa điều trị: Căn cứ trên cơ sở số lượt bệnh nhân đến thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện cũng như khảo sát nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại địa phương và khu vực lân cận để xây dựng dự toán bao gồm cả dự toán chi phí cụ thể từng khoản mục chi phí và dự toán nguồn thu từ các dịch vụ khám chữa bệnh do khoa mình cung cấp. Việc xây dựng dự toán ở các khoa nên xây dựng dưới dạng các dự toán linh hoạt để có thể sử dụng thông tin đánh giá so sánh kết quả thực hiện với kế hoạch khi có sự thay đổi về số lượng bệnh nhân.
- Đối với các phòng ban, trung tâm: Trên cơ sở dự toán số lượt bệnh nhân ở các khoa điều trị, số lượng cán bộ công nhân viên tại bệnh viện mình quản lý để xây dựng dự toán chi phí quản lý phát sinh tại các phòng, ban của mình trên cơ sở xác định tỉ lệ phần trăm so với các chi phí trực tiếp ở các khoa điều trị.
Thứ ba, đánh giá hiệu quả của các trung tâm chi phí. Đây là vấn đề cần thiết và quan trọng nhằm xác định trách nhiệm của các cá nhân và bộ phận có liên quan, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các bệnh viện. Việc đánh giá nên thực hiện ở hai bộ phận trung tâm doanh thu với các tiêu thức đánh giá khác nhau, cụ thể:
- Tại trung tâm doanh thu là các khoa khám chữa bệnh thì đánh giá dựa trên chỉ tiêu: Tỷ lệ thực hiện kế hoạch thu về khám chữa bệnh: Chỉ tiêu này cho biết trong kỳ trung tâm chi phí tạo ra được bao nhiêu nguồn thu từ khám chữa bệnh so với dự toán đề ra, tỷ lệ này càng cao càng tốt.
- Tại trung tâm doanh thu là trung tâm dịch vụ bệnh viện chuyên thực hiện cung cấp các dịch vụ y tế của bệnh viện cho bên ngoài thì thực hiện đánh giá ở chỉ tiêu tỷ lệ lợi nhuận: chỉ tiêu này cho biết trong kỳ 100 đồng doanh thu tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận được đo lường bằng cách lợi nhuận thu được từ dịch vụ so với doanh thu cung cấp dịch vụ. Tỷ lệ này càng cao thì càng chứng tỏ khả năng sinh lời của trung tâm chi phí càng cao.
- Tại các trung tâm chi phí, cần so sánh giữa thực hiện với dự toán về chi phí phát sinh để phân tích và đánh giá trách nhiệm của lãnh đạo các bộ phận cũng như các cá nhân có liên quan.
- Tại trung tâm đầu tư, cần đánh giá hiệu quả các hoạt động đầu tư, đổi mới trang thiết bị của bệnh viện, cụ thể có thể đánh giá hiệu quả đầu tư từng loại máy móc thiết bị trên cơ sở số lượt và hiệu suất sử dụng thiết bị tại các bệnh viện, từ đó đánh giá hiệu quả hoạt động mua sắm đầu tư trang thiết bị bệnh viện lựa chọn phương án phù hợp mua mới hoặc đi thuê nhằm không lãng phí nguồn lực các bệnh viện trong bối cảnh tự chủ hiện nay.
Kết luận
Như vậy, trong bối cảnh thực hiện tự chủ hiện nay để các bệnh viện công lập hoạt động hiệu quả cần thực hiện phân công trách nhiệm cụ thể và giao chỉ tiêu cho từng bộ phận trong bệnh viện. Đồng thời, cần đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu được giao, từ đó thay đổi căn bản trong cách thức quản lý tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Để thực hiện thành công các yêu cầu đó, việc vận dụng kế toán trách nhiệm tại các bệnh viện là cần thiết và tất yếu, trong đó trọng tâm đi vào việc phân công trách nhiệm, xây dựng các trung tâm trách nhiệm và đánh giá hiệu quả các trung tâm trách nhiệm.
* Bài viết là kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo mã số đề tài: B2021-HDT03-TT.
Tài liệu tham khảo:
- Lê Thị Lan Anh (2018), Kế toán trách nhiệm trong các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Đề tài khoa học công nghệ, Trường Đại học Thái Nguyên;
- Lê Thị Yến Oanh (2022), Kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam;
- Đoàn Ngọc Quế và cộng sự (2011), Kế toán quản trị, NXB Lao động;
- Atkinson, A. A., Kaplan, R. S., Matsumura, E. M., & Young, S. M. (2012), Management Accounting: Information for Decision-Making and Strategy Execution (6th ed.). United States of America: Pearson Education Limited;
- Sarkar James, Yeshmin Farjana (2005), Application of Responsibility Accounting: Bangladesh Perspective, the Cost and. Management, Vol 33, No6 November.