TP. Cần Thơ:
Kết nối đầu tư - thương mại với thị trường Ấn Ðộ
Việt Nam nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng luôn xác định Ấn Ðộ là đối tác hợp tác đầu tư - thương mại quan trọng. Mặc dù có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển sự hợp tác, nhưng sự gắn kết giữa TP. Cần Thơ và Ấn Ðộ vẫn chưa được khai thác và phát huy tương xứng. TP. Cần Thơ chưa có doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư từ Ấn Ðộ.
Ðối tác lớn
Việt Nam - Ấn Ðộ đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và Ấn Ðộ trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam cũng là trụ cột quan trọng trong Chính sách Hành động hướng Ðông của Ấn Ðộ. Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn từ đại dịch COVID-19, Ấn Ðộ duy trì các cam kết cấp cao với Việt Nam.
Trong 10 năm qua, thương mại song phương giữa Ấn Ðộ và Việt Nam đạt được tăng trưởng ổn định và đạt khoảng 10,06 tỉ USD trong năm 2020. Ðối với Ấn Ðộ, Việt Nam đang là điểm đến xuất khẩu lớn 15 trên thế giới và thứ 3 sau khu vực Ðông Nam Á với mặt hàng: thịt trâu, thủy sản, dược phẩm, bông, thép, máy móc… Ấn Ðộ nhập khẩu từ Việt Nam các thiết bị di động, cao su thiên nhiên, máy móc, máy tính và phần cứng điện tử, cà phê, hóa chất.
Thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Ấn Ðộ tăng trưởng ấn tượng dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại 2 quốc gia. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ấn Ðộ 9 tháng năm 2021 đạt trên 4,54 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm ngành hàng điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Ðộ, đạt 160,8 triệu USD, chiếm 21,6%; nhóm ngành hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 625,1 triệu USD, chiếm 13,7% tổng trị giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Ðộ.
Tính đến hết tháng 9/2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu TP. Cần Thơ - Ấn Ðộ đạt khoảng 8,28 triệu USD. Trong đó, TP. Cần Thơ xuất khẩu sang Ấn Ðộ khoảng 0,8 triệu USD với các mặt hàng: thủy hải sản, may mặc, thép, nông sản và nông sản chế biến…
Nhận định từ Liên đoàn các Tổ chức Xúc tiến Ấn Ðộ, cho rằng, Việt Nam hiện nổi lên là thị trường mới thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khoảng hơn 1 thập kỷ qua, mối quan hệ song phương Ấn Ðộ và Việt Nam tăng lên quy mô đáng kể nhất là trong lĩnh vực: dược phẩm, dầu khí, công nghệ thông tin. Hiện nay, nhiều công ty, tập đoàn lớn của Ấn Ðộ đã chuyển văn phòng, cơ quan đại diện từ các nước lân cận sang Việt Nam.
Việt Nam đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư mới, là lựa chọn hàng đầu cho các công ty Ấn Ðộ thiết lập trung tâm sản xuất lớn và đa dạng chuỗi cung ứng. Ðặc biệt, Ấn Ðộ có chuyên môn cao trong lĩnh vực thông tin, dược phẩm và dầu khí. Lĩnh vực này được đánh giá là phù hợp với nhu cầu với Việt Nam hiện nay.
Ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Ðộ tại TP Hồ Chí Minh, cho biết ông nhận thấy thị trường Việt Nam ngày càng chuyển biến tích cực; Ấn Ðộ cũng là một trong những thị trường được đánh giá cao. Sự hợp tác này mang lại những lợi ích chung cho doanh nghiệp giữa 2 nước. TP. Cần Thơ cũng có rất nhiều cơ hội để hợp tác và phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang đối mặt với vấn đề chậm lại trong hợp tác thương mại do ảnh hưởng dịch COVID-19. Việt Nam trong bước đường phục hồi nền kinh tế, chúng tôi cũng đang kết nối lại với Việt Nam qua những chương trình hợp tác trực tuyến và sắp tới là những chương trình hợp tác cụ thể hơn.
Ðể khai thác dư địa
Từ lợi thế đã ký kết hơn 100 biên bản ghi nhớ với các tổ chức quốc tế, phòng thương mại, hiệp hội thương mại với vai trò tham gia thúc đẩy kết nối thương mại với các thị trường quốc tế; kết nối với mạng lưới doanh nghiệp châu Âu, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến tới hợp tác với thị trường quốc tế, Tổ chức Xúc tiến Ấn Ðộ cho rằng sẽ không chỉ giới thiệu cho các nhà đầu tư Ấn Ðộ mà còn liên kết với các doanh nghiệp từ nhiều quốc gia trên thế giới biết đến TP. Cần Thơ với các thế mạnh tiềm năng phát triển.
Ông Trần Thủ Nguyễn - Giám đốc Công ty TNHH Trái cây Mekong, cho biết, công ty hiện đang xuất khẩu trái cây sấy khô qua thị trường Ấn Ðộ. Mặc dù hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng hàng xuất khẩu của công ty, nhưng doanh nghiệp tự tin vào năm 2023, thị trường Ấn Ðộ sẽ là thị trường chính của công ty với khoảng 30-40% tổng sản lượng xuất khẩu.
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương không thể tổ chức các hội nghị, hội thảo giao thương trực tiếp, nhưng thông qua hoạt động kết nối giao thương bằng hình thức online (trực tuyến) đã hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tiếp nhận sự hỗ trợ từ ban, ngành và đa dạng đầu ra.
Hiện nay, vận chuyển hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh đi Ấn Ðộ phải qua chuyển tải khiến hàng hóa giao khách hàng bị chậm (từ 5-10 ngày). Ðể thúc đẩy kết nối giao thương giữa Việt Nam nói chung, TP. Cần Thơ nói riêng với Ấn Ðộ, ông Trần Thủ Nguyễn mong muốn, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giữa Ấn Ðộ và Việt Nam nên tổ chức các hội chợ triển lãm quốc tế, có sự tham gia các nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, nhà phân phối uy tín của cả 2 bên.
Ðồng thời, cần sự có mặt của các tổ chức như kiểm dịch, kiểm định, ngân hàng, hải quan… nhằm tạo niềm tin để 2 bên kết nối chặt chẽ hơn. Việc tổ chức các chương trình marketing về văn hóa tiêu dùng và sản phẩm cũng cần phải thực hiện để việc giao thương hai bên thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho rằng, mặc dù có nhiều dư địa phát triển, nhưng sự hợp tác giữa TP. Cần Thơ và Ấn Ðộ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. TP. Cần Thơ mong muốn, Lãnh sự quán Ấn Ðộ tại TP Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối giới thiệu cho các tập đoàn toàn cầu của Ấn Ðộ đến tìm hiểu môi trường hợp tác đầu tư tại TP. Cần Thơ trong các lĩnh vực như: chế biến thực phẩm, dịch vụ logistics và công nghệ thông tin. Cần Thơ là đô thị trung tâm vùng ÐBSCL trực thuộc Trung ương với nhiều ưu đãi về cơ chế đặc thù để phát triển.
Ðặc biệt, với Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là cơ hội để TP. Cần Thơ phát triển nhanh, thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài. TP. Cần Thơ cam kết, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Ấn Ðộ, khi xúc tiến đầu tư vào thành phố.
Tại hội thảo trực tuyến Xúc tiến Đầu tư - Thương mại dành cho doanh nghiệp Ấn Độ do UBND TP. Cần Thơ tổ chức ngày 16/11/2021, đã diễn ra Phiên kết nối doanh nghiệp B2B với sự tham gia của 6 doanh nghiệp TP. Cần Thơ và 10 doanh nghiệp Ấn Độ. Kết thúc 40 phút của phiên kết nối, doanh nghiệp hai bên đã có 14 cuộc trao đổi xoay quanh các lĩnh vực: nông sản tươi, đông lạnh, nông sản chế biến, thủy sản, phân bón, hóa chất, thực phẩm chế biến, thuốc thú y.