Kết nối, huy động nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sau gần 5 năm thành lập, Mạng lưới khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MSN) để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động hỗ trợ, kết nối hoạt động khởi nghiệp tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Trong bối cảnh mới, MSN xác định tiếp tục thực hiện vai trò kết nối, khơi thông nguồn lực để vừa phát huy thế mạnh của từng địa phương, vừa tạo được sức mạnh tổng thể trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả vùng.
Bước qua khó khăn
Dưới tác động của dịch COVID-19, hoạt động của MSN trong năm 2021 cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, MSN vẫn triển khai được phần lớn các hoạt động đề ra do chủ động thay đổi hình thức tổ chức như từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến, đồng thời linh hoạt sáng tạo các hoạt động thay thế. Phần lớn thành viên vẫn tích cực và chủ động tham gia các cuộc họp thành viên (tổ chức online) để đánh giá hoạt động, thảo luận về cách thức phối hợp triển khai hoạt động.
Ngoài ra, MSN cũng tổ chức thành công nhiều hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp tại ĐBSCL: hội thảo khởi nghiệp trực tuyến chủ đề “Khởi nghiệp số - Nên bắt đầu từ đâu trong bối cảnh hiện tại”; diễn đàn trực tuyến Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL lần 2; các khóa đào tạo về khởi nghiệp tại tỉnh Hậu Giang, An Giang, Cà Mau và TP. Cần Thơ…
Một trong những điểm nhấn trong hoạt động của MSN những năm qua là phối hợp tổ chức thành công cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL thường niên. Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2021 nhận được tổng cộng 455 ý tưởng, dự án của 950 thí sinh đến từ các tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Thương Linh - Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: “Mặc dù số lượng ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi năm nay thấp hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng thì các ý tưởng, dự án khởi nghiệp 2021 đã có sự chuyển biến rất lớn và phạm vi ảnh hưởng của cuộc thi cũng mở rộng hơn, với sự tham gia của các thí sinh đến từ các thành phố lớn khác trong cả nước. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ tham gia của các dự án thuộc giải pháp kinh doanh - thương mại - dịch vụ (mua bán nhỏ, kinh doanh đơn giản…) chỉ chiếm 12%. Trong khi đó, các dự án thuộc về lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên bản địa vốn là lợi thế của vùng nay đã có sự đào sâu, hàm lượng khoa học công nghệ cao hơn”.
Trong năm 2021, VCCI Cần Thơ, MSN còn phối hợp với các tổ chức quốc tế, mở rộng mạng lưới đối tác chiến lược và ký kết hợp tác với 3 quỹ khởi nghiệp quốc tế: Beacon Fund, Patamar Capital và GRAFT. Sự hợp tác này sẽ hỗ trợ đắc lực các startup ĐBSCL trong việc nâng cao năng lực thông qua các chương trình đào tạo, kèm cặp 1-1, tư vấn phát triển chiến lược…
Từ tháng 8/2021, Quỹ đầu tư Beacon Fund bắt đầu khởi động chuỗi chương trình “Tìm kiếm Doanh nghiệp vừa và nhỏ (Request for SMEs)” nhằm tạo điều kiện cho quá trình kêu gọi huy động vốn từ nhà đầu tư. VCCI Cần Thơ và MSN đã phối hợp với Beacon Fund triển khai chương trình này đến Hội Doanh nhân Nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ 13 tỉnh/thành ĐBSCL thông qua 2 chuỗi chương trình: “Tìm kiếm Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thủy sản” và “Tìm kiếm Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông sản”.
Phát huy vai trò kết nối
Tại buổi họp mặt thành viên MSN và định hướng mới cho hoạt động khởi nghiệp năm 2022 vừa được VCCI Cần Thơ tổ chức, bà Trần Hoài Phương - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ, cho biết: Năm 2022, hoạt động khởi nghiệp của Cần Thơ bám sát Kế hoạch số 135/KH-UBND của UBND thành phố về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục kết nối với các tỉnh trong vùng tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy khởi nghiệp của vùng. TP. Cần Thơ mong muốn VCCI Cần Thơ, MSN kết nối các quỹ, nhà đầu tư nước ngoài để hỗ trợ startup của thành phố. Ngược lại, với cơ sở hạ tầng, nguồn lực khởi nghiệp hiện có thành phố sẵn sàng hỗ trợ cho các thành viên mạng lưới, startup, doanh nghiệp cùng đồng hành phát triển. Nhiều ý kiến đề xuất MSN nên thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ, kết nối giữa các doanh nghiệp. Bởi đây là điều kiện thuận lợi để các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và nảy sinh nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo.
Theo VCCI Cần Thơ, năm 2020, mật độ doanh nghiệp của ĐBSCL đạt 3,43 doanh nghiệp/1.000 dân trong độ tuổi lao động, trong khi bình quân cả nước là 8,32 doanh nghiệp. Năm 2021, mật độ doanh nghiệp ĐBSCL có phần tăng nhẹ so với năm 2020, đạt 3,53 doanh nghiệp/1.000 dân, tuy nhiên vẫn còn thấp so với bình quân cả nước và chỉ cao hơn vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Vì vậy, trong năm 2022, mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp để tạo tiền đề phát triển đội ngũ doanh nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng được VCCI Cần Thơ, MSN đặt lên hàng đầu. Năm 2022, hoạt động của MSN tập trung vào các nội dung: duy trì họp mặt định kỳ; phát huy các hoạt động kết nối tổ chức quốc tế hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp tại ĐBSCL; tham quan, học tập kinh nghiệm; đào tạo, tập huấn, hội thảo, talkshow về khởi nghiệp…
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ, Chủ tịch MSN, khẳng định: “Vượt qua các khó khăn trong năm 2021, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn: các dự án đầu tư hạ tầng từ Trung ương; chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; hội nhập quốc tế… Đây là những lực đẩy mở ra hướng phát triển, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mới mẻ cho doanh nghiệp, các bạn trẻ. Khi hoạt động khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ sẽ góp phần nâng số lượng, cải thiện chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, qua đó đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng”.