Kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Theo T.Lan/bcd389.gov.vn

Kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017 đã góp phần ổn định tình hình kinh tế-xã hội. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để tiếp tục huy động và phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2018.

Kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017 đã góp phần ổn định ổn định tình hình kinh tế-xã hội. Nguồn: Internet
Kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017 đã góp phần ổn định ổn định tình hình kinh tế-xã hội. Nguồn: Internet

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017 diễn ra trên các tuyến, địa bàn, trọng điểm.

Theo đó, trên tuyến đường bộ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xảy ra chủ yếu tại khu vực biên giới ở các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.

Đáng chú ý, tuyến biên giới địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa có dấu hiệu giảm, nhiều mặt hàng trước đây thường vận chuyển trái phép qua biên giới, nay cơ bản đã được mở tờ khai nhập khẩu tại các cửa khẩu như: quần áo, hàng tiêu dùng…

Tuyến biên giới Tây Nam Bộ, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn còn phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là việc khó khăn trong xử lý hình sự nên hoạt động buôn lậu thuốc lá có sự gia tăng cả về quy mô, số lượng, phương thức hoạt động.

Trước đây, các đối tượng còn dè chừng vận chuyển với số lượng ít, chủ yếu bằng phương tiện xe gắn máy, hiện nay tình trạng vận chuyển bằng xe ô tô khách, xe tải, ghe tầu với số lượng lớn từ 10.000 - 40.000 bao thường xuyên xảy ra. Đối với mặt hàng đường, các đối tượng vẫn sử dụng phương thức dùng bao bì của các doanh nghiệp đường trong nước, đưa  sang biên giới Campuchia đóng gói, chờ đêm tối vận chuyển qua biên giới vào nội địa nước ta.

Tuyến biển, của khẩu cảng biển, cảng sông quốc tế: Đây là tuyến đường có lưu lượng hàng hóa rất lớn, nên cũng là tuyến đường dễ bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa về Việt Nam. Địa bàn trọng điểm vẫn là khu vực cảng biển TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai; vùng biển Đông Bắc và Miền Trung.

Các mặt hàng chủ yếu là xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã; rác thải, phế liệu, thiết bị điện tử, điện lạnh, gia dụng đã qua sử dụng; hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, gia súc, gia cầm, đường cát, thuốc lá, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng,...

Đối tượng là thuyền trưởng, thuyền viên tàu viễn dương, kể cả tàu nội địa thường xuyên ra vào cảng và tàu thuyền hoạt động kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hoá trên tuyến biển; Khách du lịch xuất nhập cảnh theo đường biển, cư dân giáp biên thường qua lại bằng xuồng gắn động cơ, ghe máy...

Tuyến cảng hàng không, bưu điện quốc tế, mặt hàng vi phạm tập trung chủ yếu là các hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như: vũ khí; ma túy; vàng; Các sản phẩm động vật hoang dã nằm trong danh mục CITES như: Sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê; điện thoại; thuốc lá; rượu; mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc lá ngoại, xì gà...

Địa bàn trọng điểm: Sân bay quốc tế Nội Bài; Sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; Bưu điện Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; điểm chuyển phát nhanh DHL, Fedex....

Đối tượng trọng điểm: Phi công, tiếp viên hàng không, doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu tuyến hàng không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, bưu điện, hành khách xuất nhập cảnh nhiều lần không rõ mục đích chuyến đi. Cá nhân hoặc tổ chức có gửi hàng bưu phẩm, bưu kiện qua đường bưu điện không rõ mục đích sử dụng, không có giấy tờ hàng hóa chứng minh tính hợp pháp của hàng ký gửi khi làm thủ tục Hải quan hoặc thường xuyên nhận quà biếu với số lượng lớn.

Trong nội địa tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao, như: rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, sản phẩm công nghệ, quần, áo, giầy, dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...

Năm 2017, bám sát các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ Trung ương đến cơ sở đã được các bộ, ngành quan tâm, thực hiện, từng bước vào nề nếp, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh-chính trị, kinh tế- xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, được nhân dân, các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao.

Theo số liệu sơ bộ năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 225.837 vụ việc vi phạm ( tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp NSNN từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 23.101 tỷ 638 triệu đồng (tăng 7,17% so với cùng kỳ năm 2016), khởi tố 1.637 vụ (tăng 4,87% so với cùng kỳ), 2.118 đối tượng (tăng 13,69 % so với cùng kỳ).

Tuy kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã góp phần ổn định tình hình kinh tế-xã hội phần nào, nhưng thực tế vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là ở các thành phố và đô thị lớn.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2017, để tiếp tục huy động và phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2018. Đó là: Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong đó tập trung vào: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ và Quyết định 05/QĐ-BCĐ của Ban chỉ đạo 389 quốc gia ngày 23/9/2015 về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các kế hoạch chuyên đề trọng điểm: Kế hoạch số 410/KH-BCĐ389 ngày 14/6/2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Kế hoạch 1239/KH-BCĐ389 về tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Kế hoạch 1237/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Triển khai thực hiện Quyết định số 1219/QĐ-BCĐ389 ngày 05/12/2017 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia thực hiện Tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Triển khai hiệu quả hệ thống báo cáo trực tuyến của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia định theo Quyết định số 01/QĐ-BCĐ ngày 04/1/2018 về chế độ thông tin, báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các Bộ, ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản quy phạm pháp luật  không còn phù hợp liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới.

Chỉ đạo các bộ, ngành chức năng xây dựng kế hoạch công tác năm 2018 với các giải pháp khả thi nhằm tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.