Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014:
Kết quả tích cực từ nỗ lực tái cấu trúc thị trường
(Tài chính) Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2014 tiếp tục có được sự tăng trưởng ấn tượng nhờ những nỗ lực tái cấu trúc thị trường quyết liệt của cơ quan quản lý.
Năm 2014, TTCK Việt Nam đã có những diễn biến khả quan nhờ vào những tín hiệu ổn định kinh tế vĩ mô và các giải pháp tích cực trong lĩnh vực chứng khoán. Tính đến ngày 10/12, chỉ số VN-Index tăng 10,42%; HN-Index tăng 25,62% so với cuối năm 2013. Mức vốn hóa vào ngày 10/12/2014 vào khoảng 1.146 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cuối năm 2013; tương đương 34,07% GDP.
Quy mô giao dịch bình quân đến 10/12 mỗi phiên đạt 5.493 tỷ đồng, tăng 104% so với bình quân năm 2013. Trong đó cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đạt 2.975 tỷ đồng, tăng 116% so với bình quân năm 2013. Trong khi đó, báo cáo thống kê đến ngày 23/12 của Bespoke Investment Group vừa công bố, với chỉ số VN-Index đạt mức tăng 6,59% trong năm 2014, TTCK Việt Nam trở thành một trong 40 thị trường có chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. (xếp thứ 32 trong số 74 chỉ số chứng khoán trên toàn thế giới được tổ chức này theo dõi).
Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, có được kết quả ấn tượng này, không thể không nhắc đến hoạt động tái cấu trúc TTCK trong năm 2014. Theo đó, thực hiện Quyết định số 1826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan trực tiếp đến tái cấu trúc, đồng thời trong năm 2014 Bộ Tài chính đã triển khai một bước lộ trình tái cấu trúc TTCK, cụ thể như sau:
Về tái cấu trúc cơ sở hàng hóa
Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản pháp lý quy định rõ tiêu chuẩn phát hành, niêm yết theo trong đó các nội dung quy định về công bố thông tin, quản trị công ty theo hướng nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường và từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn về việc niêm yết của công ty cổ phần hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tái cấu trúc các công ty niêm yết.
Về tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư
Trong năm 2014, số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt hơn 1,36 triệu (tăng 5,4%), trong đó số lượng nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng 9%. Khung pháp lý về quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản, ETF, công ty đầu tư chứng khoán đã được ban hành. Hiện nay đã có 15 quỹ mở được thành lập, 02 quỹ ETF; dự kiến sẽ có thêm 02 quỹ mở trong thời gian tới.
Việc cấp mã số giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được cải tiến theo hướng giảm thủ tục hành chính, chuyển sang đăng ký mã số giao dịch trực tuyến, đồng thời tăng cường chế độ báo cáo và tính minh bạch của dòng vốn này.
Kết quả số lượng nhà đầu tư nước ngoài tăng 3,86%, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 15 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2013. Trong năm qua, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển quỹ hưu trí tự nguyện; tạo điều kiện bổ sung hệ thống an sinh xã hội, đồng thời tạo ra nhà đầu tư có tổ chức cho TTCK.
Về tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán
Theo Bộ Tài chính, các mục tiêu cơ bản của tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán đã đạt được, từng bước thu hẹp số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động qua việc tăng cường năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro; củng cố hoạt động; cơ cấu lại tổ chức, nhân sự.
Theo đó, về hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý và đẩy nhanh việc tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán: Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 210 về tổ chức và hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng kiểm soát chặt chẽ vấn đề rủi ro, đầu tư bất động sản, vấn đề liên thông vốn với ngân hàng, vấn đề tách bạch tài khoản; kiểm soát việc ủy thác vốn, bổ sung thêm quy định về chuẩn bị các thủ tục rút giấy phép hoạt động nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý công ty yếu kém. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã sửa đổi Thông tư về an toàn tài chính nhằm đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn quá trình tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Trong đó rút ngắn thời gian kiểm soát đặc biệt, bổ sung thêm hình thức cưỡng chế mới là sau thời gian kiểm soát đặc biệt có thể đình chỉ hoạt động 2 tháng hoặc tạm dừng hoạt động vĩnh viễn (áp dụng Luật doanh nghiệp). Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 146/2014/TT-BTC ngày 6/10/2014 về cơ chế tài chính áp dụng đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán; Đang tiếp tục xây dựng chế độ kế toán mới và chuẩn mực kế toán áp dụng cho công ty chứng khoán (CTCK).
Về tình hình xử lý các CTCK không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính, tính đến nay UBCKNN đã xử lý 20 CTCK, số lượng CTCK còn lại hoạt động bình thường là 85 công ty, giảm được khoảng 20% tổng số CTCK. Cụ thể: Tạm ngừng hoạt động 01 CTCK; Chấm dứt hoạt động kinh doanh 03 CTCK để thực hiện thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động; Đình chỉ hoạt động 02 CTCK; Chấp thuận giải thể 03 CTCK; Thu hồi giấy phép của 04 CTCK do hợp nhất, cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho 02 CTCK hình thành sau hợp nhất (CTCK MB, CTCK Quốc tế VN); Đặt 14 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt; đặt 02 CTCK vào diện kiểm soát
Về tình hình tự tái cấu trúc các CTCK, có 04 CTCK đã thực hiện hợp nhất; có 8 CTCK rút nghiệp vụ môi giới, 02 CTCK đã rút nghiệp vụ Tự doanh, 04 CTCK đã rút nghiệp vụ Bảo lãnh phát hành, 01 CTCK đã rút nghiệp vụ Tư vấn đầu tư chứng khoán. Nhiều công ty đã cắt giảm về nhân sự, thu hẹp mạng lưới: Tính đến nay, có 113 chi nhánh, 37 phòng giao dịch và 4 văn phòng đại diện. Nhiều công ty đã tự tăng vốn góp của chủ sở hữu để tăng cường năng lực tài chính. Kết quả so với năm 2011, tổng số vốn góp của chủ sở hữu đã tăng lên 1.199 tỷ đồng. Các CTCK đã kết nối giao dịch trực tuyến, góp phần tăng tiện ích, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư.
Về tái cấu trúc các công ty quản lý quỹ
Cụ thể, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã xử lý 6/49 công ty quản lý quỹ, giảm được khoảng 13% tổng số công ty quản lý quỹ (giải thể và thu hồi giấy phép của 01 công ty, chấm dứt hoạt động của 1 công ty, tạm ngừng hoạt động của 04 công ty). Như vậy, các công ty quản lý quỹ hoạt động kém hiệu quả, cổ đông là các cá nhân đang dần được thay thế bởi các công ty quản lý quỹ trực thuộc các tập đoàn tài chính lớn, có tình hình tài chính lành mạnh và năng lực cao trong công tác quản trị công ty.
Bên cạnh đó, công tác tái cấu trúc quỹ đầu tư chứng khoán đã thực hiện đúng hai xu hướng đề ra: thay thế dần thế hệ các quỹ đóng, quỹ thành viên bằng hệ thống các quỹ mở hoạt động linh hoạt hơn và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn, hoạt động minh bạch hơn. Tính tới tháng 11/2014, thị trường có 26 quỹ đầu tư chứng khoán: trong đó có 02 quỹ ETF, 15 quỹ mở, 1 quỹ đóng, 8 quỹ thành viên đang hoạt động.
Về tái cấu trúc thị trường giao dịch chứng khoán
Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hoàn thiện Đề án hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán theo ý kiến các bộ ngành và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2015. Bên cạnh đó, ban hành lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020; Thực hiện dự án nâng cấp hệ thống giao dịch trực tuyến trái phiếu Chính phủ (e-BTS); Xây dựng công cụ tính toán Bond Index; Triển khai đề án kết nối hệ thống giao dịch trái phiếu Chính phủ với hệ thống của Bloomberg. Ngoài ra, xây dựng Đề án Trung tâm thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác trung tâm; Hoàn thiện hệ thống và quy trình vay và cho vay chứng khoán phục vụ cho việc thanh toán, bù trừ các sản phẩm phái sinh; Hoàn chỉnh các công việc liên quan đến mô hình cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán (SBL), sản phẩm phái sinh, ETF.
Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án TTCK phái sinh (Quyết định 336/QĐ-TTg ngày 11/3/2014) và dự kiến đưa thị trường này vào hoạt động vào đầu năm 2016.