Kêu gọi đầu tư vào vùng Tây Nguyên

PV.

Ngày 6/2/2017 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức họp báo về Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4-2017. Theo đó, Hội nghị sẽ được tổ chức vào ngày 11/3/2017 tại TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu tại bổi họp báo ngày 6/2.
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu tại bổi họp báo ngày 6/2.

Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vùng Tây Nguyên có quy mô khoảng 500 đại biểu, với mục tiêu thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh, bền vững khu vực Tây Nguyên.

Đồng thời, nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại; tạo điều kiện cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiềm năng của địa phương và trao đổi về khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho hay: Hội nghị sẽ tập trung đánh giá kết quả thu hút đầu tư trong thời gian qua và định hướng ưu tiên thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó là giới thiệu tiềm năng, định hướng phát triển kinh tế -xã hội và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, danh mục các dự án mời gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020 của các tỉnh Tây Nguyên.

Thống kê cho thấy trong 5 năm qua (2011-2015), Tây Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt khá và tăng cao qua các năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản (từ 47,66% xuống còn 44,61%), tăng tỷ trọng của các khu vực công nghiệp – xây dựng (từ 16,73% lên 18,31%) và khu vực dịch vụ (từ 31,10% lên 33,35%).

Giai đoạn 2011-2015 cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên, đạt khoảng 265,7 nghìn tỷ đồng, gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010. Vốn đầu tư tăng mạnh nhất ở tỉnh Đắk Nông. Vốn đầu tư vào khu vực nông lâm thủy sản chiếm 19,24% tổng vốn đầu tư, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 34,09%, khu vực dịch vụ chiếm 45,31%...

Năm 2016, tổng vốn đầu tư tăng 15,85% so với cùng kỳ (đạt 76.373 tỷ đồng). Riêng nguồn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng 25,32%. Cơ cấu GDP tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,66; công nghiệp - xây dựng tăng 0,18%; dịch vụ tăng 1,62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,13%...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, phát triển kinh tế Tây Nguyên vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Điển hình như là chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông, lâm nghiệp. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mặc dù đã chứng minh được hiệu quả và vai trò song quy mô và số lượng còn hạn chế, chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng.

Công nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên còn hết sức bé nhỏ và việc thu hút vốn đầu tư phát triển cũng rất khó khăn; chưa tận dụng thế mạnh nông nghiệp để phát triển các cơ sở công nghiệp cung ứng các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông nghiệp để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Ngay cả xuất khẩu cũng còn thiếu tính bền vững; doanh nghiệp – động lực chính để phát triển kinh tế thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế còn nhỏ bé, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ…

Do vậy, vùng Tây Nguyên cần tiếp tục giới thiệu những tiềm năng, triển vọng, định hướng và cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 tới các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, để các nhà đầu tư thấy được một Tây Nguyên tiềm năng, luôn đồng hành cùng họ trên suốt chặng đường đầu tư...