Khả năng tận dụng chính sách ưu đãi của doanh nghiệp còn chưa cao


Đánh giá về tình hình tận dụng các chính sách ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do, theo giới chuyên gia: Trong thời gian qua, khả năng tận dụng chính sách ưu đãi của các doanh nghiệp mặc dù đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa cao, đặc biệt là với các thị trường láng giềng như ASEAN đạt 20,7% và Trung Quốc khoảng 27%.

Việc tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp có vốn FDI được đánh giá là tốt hơn so với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là đối với sản xuất công nghiệp.

Phân tích nguyên nhân, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) lấy ví dụ với lĩnh vực nông sản: Việt Nam đã làm tốt công tác đàm phán để nước nhập khẩu cắt giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các FTA. Tuy nhiên, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường (như sữa, thịt lợn, một số loại rau quả).

Đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Việt Nam tại các thị trường châu Âu, Mỹ với ưu thế hơn hẳn về giá cả là Trung Quốc về hàng tiêu dùng, dệt may, da giày; Thái Lan về mặt hàng thủy sản, gạo, trái cây; Ấn Độ về gạo. Hiện nay, Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần lớn trong ngành hàng tiêu dùng tại Mỹ, với sự cạnh tranh khốc liệt về giá bán. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng chủ động thực hiện được việc tìm hiểu và nắm bắt đầy đủ các quy định của các nước nhập khẩu, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chẳng hạn đối với Canada, hệ thống luật thương mại tương đối phức tạp. Hàng nhập khẩu vào Canada phải chịu sự điều tiết của luật liên bang và luật nội bang. Đối với EU, doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc phải nắm bắt quy định chung của EU, nhiều khi phải tìm hiểu thêm quy định của quốc gia.

Bà Trần Thị Hà, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai các biện pháp đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và thực hiện các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, vướng mắc trong quá trình đàm phán, thực thi các FTA.

Kết quả từ một cuộc điều tra doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê công bố cuối năm 2018 cũng cho thấy, khi đề cập đến những mong muốn của doanh nghiệp từ Chính phủ và các cơ quan nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khi Việt Nam thực hiện các FTA, có tới 84,6% doanh nghiệp mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, 69,4% doanh nghiệp muốn được hỗ trợ cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về hiệp định, 55,3% doanh nghiệp muốn có được thông tin về thị trường nước ngoài từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, 48,9% doanh nghiệp muốn có thông tin về thị trường trong nước.