Vận dụng kế toán quản trị môi trường trong quản lý chất thải rắn tại các công ty xây dựng

Trần Thị Thanh Huyền, Hoàng Bắc An

Bài viết đánh giá các vấn đề liên quan kế toán quản trị môi trường, thực trạng về quản lý chất thải rắn trong xây dựng. Từ đó, giúp các công ty xây dựng xác định các phương pháp quản lý hiệu quả các chi phí liên quan trong quá trình hoạt động.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Trên thế giới, do những tác động tiêu cực của chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng đối với môi trường tự nhiên nên thường được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ. Để hỗ trợ cho công tác này, kế toán quản trị môi trường được coi là một trong những công cụ không những giúp các doanh nghiệp kế toán các khoản chi phí và doanh thu môi trường mà còn hỗ trợ cho Chính phủ đưa ra những chính sách, hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế mà không gây tổn hại đến môi trường tự nhiên. Bài viết này đánh giá các vấn đề liên quan kế toán quản trị môi trường, thực trạng về quản lý chất thải rắn trong xây dựng. Từ đó, giúp các công ty xây dựng xác định các phương pháp quản lý hiệu quả các chi phí liên quan trong quá trình hoạt động.

Đặt vấn đề

Trong những năm qua, xu thế phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa một mặt góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân, tạo đà tiếp tục đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế, mặt khác cũng tạo những áp lực không nhỏ tác động lên môi trường và xã hội.

Đặc biệt, đối với các hoạt động như vận chuyển nguyên vật liệu, đổ chất thải xây dựng, mặc dù đã có quy định về bảo vệ môi trường, nhưng việc thực hiện vẫn còn bất cập. Vật liệu xây dựng bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm bụi rất trầm trọng, ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí xung quanh và sinh thái cảnh quan.

Nghiên cứu này đánh giá các vấn đề liên quan kế toán quản trị môi trường (KTQTMT), thực trạng về quản lý chất thải rắn trong xây dựng. Từ đó, giúp các công ty xây dựng xác định các phương pháp quản lý hiệu quả các chi phí liên quan trong quá trình hoạt động.

Tổng quan nghiên cứu về kế toán quản trị môi trường

Định nghĩa về kế toán quản trị môi trường

Liên đoàn Kế toán quốc tế (IAFC, 2005) cho rằng: “KTQTMT là quản lý hoạt động kinh tế và môi trường thông qua việc triển khai và thực hiện hệ thống kế toán và hoạt động thực tiễn phù hợp có liên quan đến vấn đề môi trường. Trong khi điều này có thể bao gồm các báo cáo và kiểm toán tại một số công ty thì KTQTMT thường liên quan đến chi phí vòng đời, kế toán chi phí đầy đủ, đánh giá lợi ích và lập kế hoạch chiến lược quản lý môi trường”.

Theo Ủy ban Liên hiệp quốc về phát triển bền vững (UNDSD, 2001), KTQTMT là việc nhận dạng, thu thập, phân tích và sử dụng hai loại thông tin cho việc ra quyết định nội bộ: Thông tin vật chất về việc sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và nguyên vật liệu (bao gồm chất thải) và thông tin tiền tệ về các chi phí, lợi nhuận và tiết kiệm liên quan đến môi trường.

KTQTMT được coi như một công cụ kế toán kết hợp dữ liệu của kế toán tài chính, hạch toán chi phí và dòng chảy nguyên vật liệu để tăng hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu, giảm tác động môi trường và chi phí bảo vệ môi trường (Jasch, 2003; Herzig et al., 2012) vì phương thức kế toán này giúp DN ước lượng được ảnh hưởng của hoạt động sản xuất - kinh doanh tới môi trường và chi phí, doanh thu liên quan đến các hoạt động môi trường.

Nghiên cứu của Branco and Delgado (2009) đề cập tới kế toán môi trường tại các quốc gia Tây Âu, trong đó, tập trung nghiên cứu ở Pháp. Ở châu Á, cũng có một số nghiên cứu và ứng dụng KTQTMT trong ngành sản xuất giấy ở Thái Lan của Setthasakko (2010). Năm 2014, Christophor S. K. Tsui có bài viết về tổng quan nghiên cứu và ứng dụng KTQTMT ở Trung Quốc, tổng hợp những nguyên nhân quyết định đến việc ứng dụng và những rào cản trong ứng dụng KTQTMT.

Tại Việt Nam, những năm gần đây cũng đã có những nghiên cứu về KTQTMT như các nghiên cứu về kế toán quản trị chi phí môi trường trong các DN sản xuất thép tại Việt Nam (Nguyễn Thị Nga, 2017); Vận dụng kế toán quản trị chi phí môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất vải sợi ở việt Nam của Nguyễn Thị Hồng Sương (2022) phân tích những lợi ích có được từ việc đưa KTQTMT vào quản lý chi phí cho các công ty sản xuất.

Thực trạng quản lý rác thải rắn trong xây dựng

Quy định về rác thải rắn trong xây dựng

Khoản 1 điều 2 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 xác định: “Chất thải rắn xây dựng là chất thải rắn phát sinh trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng công trình (bao gồm công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi, phá dỡ.”

Điều 50, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ mô tả về việc phân loại chất thải và các phương pháp xử lý được áp dụng đối với phế thải xây dựng như sau: Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào cọc móng được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp; Đất đá, chất thải rắn từ vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vữa, bê tông, vật liệu kết dính quá hạn sử dụng) được tái chế là vật liệu xây dựng hoặc tái sử dụng làm vật liệu san lấp các công trình xây dựng hoặc chôn lấp trong bãi chôn lấp chất thải rắn xây dựng; Chất thải rắn có khả năng tái chế như thủy tinh, sắt thép, gỗ, chất dẻo được tái chế, tái sử dụng.

Bên cạnh đó, cũng theo Luật Xây dựng (2014), các nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm về quản lý phế thải xây dựng đồng thời yêu cầu thu thập và xử lý đầy đủ phế thải xây dựng. Nhà thầu xây dựng phải vận chuyển và thải bỏ phế thải xây dựng được chỉ định (Nghị định số 12/2009).

Thực trạng quản lý rác thải rắn trong xây dựng

Trong những năm qua, nền kinh tế của cả nước đã có những bước phát triển hết sức quan trọng, nhưng đi kèm theo đó là các sức ép lên tài nguyên thiên và môi trường cũng ngày một gia tăng, đăc biệt là vấn đề quản lý chất thải rắn. Tại các thành phố, thị xã, vấn đề quản lý chất thải rắn trong xây dựng rất được quan tâm, đặc biệt tại các thành phố lớn nơi có tốc độ xây dựng và đô thị hóa rất lớn.

Chẳng hạn, theo báo cáo Hiện trạng môi trường TP. Hà Nội giai đoạn 2015-2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường, Thành phố phát sinh và thu gom được trên 2.000 tấn/ngày đêm chất thải rắn xây dựng. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong số này, chất thải rắn trong xây dựng được thu gom vận chuyển đến các khu xử lý, các điểm tiếp nhận xử lý thải rắn trong xây dựng chỉ có khả năng thu gom, xử lý được khoảng 1.350 tấn/ngày, khối lượng còn lại (khoảng 750 tấn/ngày) được thu hồi tại các công trường xây dựng hoặc các chủ đầu tư sử dụng để san lấp, hoàn nguyên với sự thỏa thuận của chính quyền địa phương theo từng Dự án trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo báo cáo Đánh giá tác động môi trường. Như vậy còn khoảng 2.186 tấn/ngày đêm thải rắn trong xây dựng không được thu gom và xử lý mà được đổ thẳng ra môi trường. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2022, cả TP. Hà Nội chỉ có bãi đổ được đưa vào vận hành.

Hiện nay, công tác quản lý chất thải rắn đang được phân chia giữa các cấp trong chính quyền giữa thành phố, thị xã, các huyện và các xã, ngoài ra còn có sự tham gia khối tư nhân (các công ty môi trường đô thị, hợp tác xác hoặc tổ thu gom chất thải rắn. Tuy nhiên, giữa các cấp vẫn còn xảy ra xung đột và chồng chéo về tổ chức, trách nhiệm và lợi ích. Nguồn nhân lực vẫn còn thiếu và yếu, thiếu kinh phí và cơ sở hạ tầng, chưa đưa ra được cơ chế phối hợp hiệu quả nên công tác quản lý chưa đạt được mục tiêu đề ra (Đặng Kim Chi, 2023).

Phương pháp nghiên cứu

Dựa trên tính chất đặc thù của ngành Xây dựng và định nghĩa về rác thải rắn xây dựng được quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng có thể phân loại rác thải rắn xây dựng theo các giai đoạn của dự án xây dựng như Hình 1.

Từ việc nhận diện các nhóm chất thải xây dựng, nhà quản trị dự án sẽ tiến hành xây dựng quy trình xử lý chất thải rắn trong xây dựng. KTQTMT sẽ dựa trên các quy định và quy trình xử lý để kiểm soát các khoản chi phí, thu nhập từ rác thải xây dựng sau khi đã được phân loại theo quy trình nhằm cung cấp các thông tin dưới dạng đo lường bằng tiền hay những báo cáo dưới dạng vật chất (phi tiền tệ) để phục vụ cho việc cung cấp thông tin KTQTMT về rác thải rắn trong xây dựng như quy trình như Hình 2.

Với việc tuân thủ các quy định trong xử lý rác thải, cũng như việc rõ ràng trong xây dựng các chính sách sẽ giúp cho kiểm toán nội bộ, kiểm toán dịch vụ đảm bảo, kiểm toán môi trường… có cơ sở để đánh giá tính tuân thủ và đưa ra các ý kiến kiểm toán về tính trung thực, hợp lý của Báo cáo tài chính, Báo cáo phát triển bền vững của các công ty xây dựng liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường.

Kết luận

Với việc quản lý rác thải rắn trong xây dựng thông qua hệ thống KTQTMT sẽ giúp cho DN thực thi được các chính sách quản lý chi phí rác thải xây dựng bao gồm các yêu cầu để kiểm soát và giảm thiểu rác thải trong các dự án xây dựng. Các DN xây dựng sẽ dựa trên quy định, chính sách, quy trình và phân loại đối tượng chi phí về xử lý rác thải ngay tại nguồn để kiểm soát và giảm thiểu những chi phí liên quan đến xử lý rác thải đến mức có thể, đồng thời cân đối hài hòa giữa các nguồn thu từ việc sử dụng các phương pháp tái chế và phân bổ rác thải, và thực hiện các biện pháp về bảo vệ môi trường với những chi phí bỏ ra cho việc xử lý rác thải.

Các nhà thầu phải tuân thủ các quy trình quản lý rác thải để đảm bảo an toàn và hiệu quả của các dự án, qua đó không những giảm thiểu được các khoản chi phí phát sinh không kiểm soát được do ô nhiễm môi trường từ rác thải xây dựng mà còn có thể đẩy mạnh danh tiếng và sản phẩm thân thiện với môi trường tới người tiêu dùng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2014), Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;
  2. Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường;
  3. Ngô Kim Tuân và các tác giả (2018), 12 (7): 107–116 Nghiên cứu hiện trạng quản lý phế thải xây dựng và phá dỡ ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng NUCE 2018;
  4. Bộ Xây dựng (2018), Thông tư số 02/2018/TT-BXD ngày 06/02/2018 quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng;
  5. Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thu Huyền (2022), Nghiên cứu quản lý chất thải rắn xây dựng tại Hà Nội theo định hướng kinh tế tuần hoàn, Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt I/2022;
  6. IFAC (2005), International guidance document: Environmental management accounting, International Federation of Accountants, New York.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 3/2023