Khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng
Sáng 24/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đồng loạt tổ chức Lễ khánh thành 4 công trình giao thông quan trọng gồm: Cảng hàng không Điện Biên; cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tại 4 điểm cầu Điện Biên, Tuyên Quang, Vĩnh Long và Tiền Giang.
Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Lễ khánh thành Dự án Cảng hàng không Điện Biên.
Tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự Lễ khánh thành Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.
Tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Lễ khánh thành Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang, tham dự Lễ khánh thành Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành lân cận.
Về phía tỉnh Tiền Giang có các đồng chí: Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương.
Theo Bộ GTVT, Dự án Cảng hàng không Điện Biên được đầu tư với quy mô khu bay gồm: Đường cất, hạ cánh được xây mới có chiều dài 2,4 km, rộng 45 m, sân quay hai đầu kết cấu bê tông xi măng. Lề vật liệu rộng mỗi bên 7,5 m; dải hãm phanh hai đầu đường cất hạ cánh 60×100 m kết cấu bê tông nhựa; xây dựng đường lăn nối và hệ thống đèn tiếp cận CAT I. Dự án được khởi công vào tháng 1-2022. Tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.
Với hạ tầng hoàn chỉnh, nếu trước đây, Cảng hàng không Điện Biên chỉ khai thác được tàu bay ATR72 vớii sức chứa chưa đến 100 hành khách thì sau nâng cấp, cảng hàng không này chính thức khai thác tiêu chuẩn các dòng máy bay A320, A321 với sức chở từ 180 - 200 hành khách. Dự án góp phần tăng cường kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh, các khu vực phía Nam với vùng Tây Bắc, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài hơn 40 km đi qua địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang (gần 12 km), Phú Thọ (hơn 28 km). Điểm đầu của dự án tại TP. Tuyên Quang. Điểm cuối kết nối với nút giao IC9 của cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tỉnh Phú Thọ). Dự án được khởi công từ cuối tháng 2/2021 với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, mặt đường rộng 14 m, vận tốc thiết kế 90 km/giờ.
Dự án được khánh thành, đưa vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Tuyên Quang đến TP. Hà Nội chỉ còn gần 2 giờ so với gần 3 giờ trước đó. Tuyến cao tốc được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành trục kết nối nhanh từ Thủ đô Hà Nội qua Tuyên Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang) sang Trung Quốc.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Bộ GTVT phê duyệt. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt. Tổng mức đầu tư của dự án là 5.003,064 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước.
Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đi TP. Cần Thơ, kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Đây là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực. Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 6,61 km, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m về phía thượng lưu.
Cầu chính có chiều dài khoảng 1,9 km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Cầu có nhịp chính dài 350 m, 2 trụ tháp cao hơn 125 m. Nhịp chính với kết cấu dây văng khẩu độ 350 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m, bề rộng mặt cầu 28 m. Lần đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công.
Dự án được khởi công ngày 16/3/2020. Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trung ương và địa phương cũng như sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan tham mưu Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công, đến nay, dự án đã hoàn thành.
Sau khi được đưa vào sử dụng, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ nối thông tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ, giúp rút ngắn thời gian hành trình TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ từ khoảng 3,5 giờ xuống còn khoảng 2 giờ.
Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistics trong khu vực. Đồng thời, giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và Quốc lộ 1, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội khu vực Tây Nam bộ.
Riêng Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là một đoạn tuyến nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có chiều dài gần 23 km. Dự án có điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 khớp nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Điểm cuối tạm thời kết nối với Quốc lộ 1 hiện hữu. Trong tương lai, tuyến cao tốc này sẽ tiếp nối cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khởi công vào tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Sau khi được đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được kỳ vọng sẽ kết nối hiệu quả 2 vùng kinh tế trọng điểm Đông và Tây Nam bộ.
Trục đường này cũng là điểm nút kết nối với các tuyến cao tốc trọng điểm đang thi công như: Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, mở ra cơ hội bứt phá cho các tỉnh, thành trong khu vực.
Phát biểu tại Lễ khánh thành Dự án Cầu Mỹ Thuận 2, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, việc khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Mỹ Thuận 2 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm giảm áp lực kẹt xe, ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1, cầu Mỹ Thuận 1; kết nối đồng bộ với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa, rút ngắn thời gian đi lại; tạo liên kết đồng bộ để phát huy hiệu quả các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng trong vùng, là cơ sở để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển trong thời gian tới.
Tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long được giao nhiệm vụ là chủ đầu tư giải phóng mặt bằng Dự án Cầu Mỹ Thuận 2. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án 7, các đơn vị quản lý hạ tầng khẩn trương tiến hành giải phóng mặt bằng; tiến tới ổn định nơi ở, sản xuất cho người dân, di dời các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.
Cầu Mỹ Thuận 2 được thi công trong điều kiện hết sức khó khăn như: Cao điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19; khó khăn cả về nguyên vật liệu, thời tiết, sông sâu, nước chảy…
Song với sự quyết tâm cao, vượt qua khó khăn, thách thức của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thi công, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần kiểm tra thực tế tại hiện trường để chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đôn đốc, chia sẻ, động viên và tặng quà anh em trên công trường, đã tạo thêm động lực nên dự án vượt tiến độ đề ra và được khánh thành ngày hôm nay (24/12).
Đây là niềm vui, phấn khởi và kỳ vọng vào tương lai tốt đẹp hơn của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền 2 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh xin chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương, các nhà thầu, đơn vị tư vấn; đặc biệt cảm ơn sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân trong vùng dự án.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sự kiện khánh thành các dự án Cảng hàng không Điện Biên, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hôm nay là dấu mốc lịch sử.
Đây là lần đầu tiên nước ta tổ chức khánh thành đồng loạt 4 dự án giao thông bằng hình thức trực tuyến. Kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đã có 730 km đường cao tốc.
Các dự án khánh thành ngày hôm này đều có chung những đặc điểm gồm: Có nhiều vướng mắc về pháp lý cần tháo gỡ; nguồn vốn thực hiện có hạn, phải huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện; khó khăn về nguyên vật liệu, phải xử lý nền đất yếu; thi công trong điều kiện dịch bệnh, biến đổi khí hậu; giải phóng mặt bằng khó khăn, lại phải đảm bảo công tác bảo vệ môi trường…
Song với trách nhiệm cao của các bộ, ngành và địa phương, sự nỗ lực của chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, kỹ sư, công nhân và sự giúp đỡ của nhân dân nơi có dự án đi qua với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, làm việc xuyên tết, xuyên ngày nghỉ, chiến thắng đại dịch.
Đây là tinh thần trách nhiệm rất cao của tất cả các chủ thể liên quan. Với tinh thần này, tin chắc các dự án tiếp theo sẽ có cơ sở, nền tảng, điều kiện vững chắc để hoàn thành kế hoạch đề ra....