Khi buôn lậu đường biến tướng tinh vi hơn
Đã hơn 1 năm kể từ ngày đường dây buôn lậu đường của "Tỷ đường" ở An Giang và 3 đường dây, ổ nhóm khác bị bóc gỡ, tình hình buôn lậu đường chỉ lắng xuống trong thời gian ngắn sau đó lại “trỗi dậy” và diễn biến phức tạp hơn. Giờ đây, buôn lậu đường không chỉ ở An Giang mà rải đều các tuyến trên biên giới Tây Nam cùng với thủ đoạn tinh vi hơn và nhiều biến tướng mới.
Rạng sáng 8/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương – Cục Hải quan An Giang nhận được nguồn tin từ quần chúng đã phối hợp cùng Công an xã Vĩnh Xương, Công an xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu tiến hành kiểm tra ôtô tải mang biển kiểm soát 67M – 0257 đang nhận các bao đường cát tại khu vực ấp 2, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu. Phát hiện lực lượng kiểm soát, người điều khiển xe đã cho phương tiện tăng tốc hòng trốn thoát nhưng bị lực lượng truy đuổi đến khu vực xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu thì bị giữ lại. Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương đã tiến hành kiểm tra sơ bộ, tài xế không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số đường trên nên đã áp giải toàn bộ số bao đường trên xe ô tô tải nói trên về trụ sở Chi cục để làm rõ.
Qua kiểm tra chi tiết, số đường trên gồm 121 bao (50kg/bao). Tuy nhiên, điều đáng nói là số đường trên đựng trong những bao đường mang nhãn hiệu của nhiều công ty gồm: Công ty cổ phần mía đường Hiệp Hòa, Long An; Công ty mía đường Cần Thơ; Công ty mía đuờng Sóc Trăng; Công ty cổ phần đường Bình Định nhà máy đường Phụng Hiệp; Công ty cổ phần mía đường Đắk Nông; Công ty cổ phần mía đường Bến Tre; Xí nghiệp đường Vị Thanh; Công ty mía đường Trà Vinh. Theo nhận định ban đầu, có thể đây là thủ đoạn biến tướng của buôn lậu đường khi một lô đường lậu sẽ được đựng trong rất nhiều bao đường của các công ty đường trong nước gây khó khăn cho việc xác minh, đấu tranh làm rõ của cơ quan chức năng. Một lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương cho biết: “Việc xác minh hàng loạt bao bì của rất nhiều công ty đường trong lô hàng nghi vấn nhập lậu này là một điều không phải dễ. Cùng với đó là xác minh hoá đơn, chứng từ có liên quan, đấu tranh với đối tượng vận chuyển và các đối tượng có liên quan. Xử lý lô hàng này dự báo sẽ là đòn "cân não" trong đấu tranh với đường lậu.”
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ chống buôn lậu năm 2016 của Ban 389 tỉnh An Giang tổ chức tuần trước, nhiều lực lượng chức năng đã phản ánh vì đường lậu ngày càng biến tướng với nhiều thủ đoạn tinh vi, nên công tác đấu tranh ngày càng khó khăn vất vả. Việc sử dụng nhiều loại bao đường sản xuất trong nước như vụ việc trên do Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương phát hiện là một ví dụ cụ thể.
Trong tháng 1-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 đối tượng vận chuyển đường lậu qua biên giới gồm Huỳnh Văn Ni, Nguyễn Rô Be và Trần Văn Hoà, cùng ngụ tại huyện biên giới An Phú về hành vi "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới". Ba đối tượng này bị Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh An Giang phục kích, bắt quả tang đang vận chuyển trên 200 bao đường cát Thái Lan từ bờ sông biên giới xã Per Chay, huyện Cỏ Thum (Campuchia) về kho đường Di Ngươn Hưng, tổ 1, ấp An Khánh, xã Khánh An, huyện An Phú. Mở rộng điều tra, lực lượng Công an tiếp tục kiểm tra các kho đường có liên quan, phát hiện thêm 760 bao, 1.400 túi nhỏ và 15.790 kg đường phèn thành phẩm và chưa thành phẩm không rõ nguồn gốc. Theo xác minh ban đầu của cơ quan chức năng, tổng số đường lậu bị thu giữ nói trên giá trị gần 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý là hiện nay, ngoài đường cát trắng, các lực lượng chức năng còn thu giữ đường phèn các loại. Đây là một trong những biến tướng của đường lậu gần đây. Do bị kiểm tra gắt gao, các đối tượng đã chuyển sang “hoá lỏng” đường cát, sau đó chế biến thành đường phèn. Việc kiểm tra, xử phạt “nước đường” là điều gần như không thể. Hiện nay, tại TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu và huyện An Phú, Phú Tân có 11 cơ sở đăng ký sản xuất - kinh doanh đường phèn. Trong khi trước đó rất ít cơ sở nào đăng ký sản xuất kinh doanh đường phèn. Chỉ mới kiểm tra sơ bộ, từ đầu năm đến nay lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện 5 cơ sở chế biến đường phèn vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính về nhãn hàng hoá gần 10 tấn đường phèn; tịch thu 410kg đường phèn được chế biến từ đường lậu.
Liên quan đến biến tướng của đường lậu, Ban 389 tỉnh Tây Ninh cho biết đang tiến hành xác minh vụ nghi buôn lậu, tiêu thụ mặt hàng đường từ Campuchia về Việt Nam với số lượng lớn. Tang vật thu giữ trên 6,5 tấn đường cát, 2,3 tấn đường phèn và trên 800 kg đường tán cùng hàng ngàn bao bì dùng để đựng đường cát do đối tượng Nguyễn Bá Nhẫn cầm đầu. Vào tháng 1-2016, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, kiểm tra cơ sở sản xuất đường phèn Khánh Vy do Nguyễn Bá Nhẫn làm chủ đồng thời kiểm tra 3 địa điểm nghi cất giấu đường cát nhập lậu của đối tượng này và thu giữ một lượng lớn đường nói trên.
Tất cả tang vật đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và nhiều loại giấy tờ, sổ sách ghi số liệu mua bán đường cát Campuchia nhập lậu về Việt Nam. Cùng thời điểm này, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4 tiến hành kiểm tra các địa điểm khác tạm giữ thêm trên 3 tấn đường phèn không có hóa đơn chứng từ do Nhẫn bán lại.
Trong đợt cao điểm chống buôn lậu trước tết Nguyên đán Bính Thân, lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ trên 67 tấn đường các loại. Cụ thể, tại An Giang bắt giữ trên 200 tấn, tại Đồng Tháp trên 10 tấn, tại Kiên Giang trên 14 tấn, tại Long An trên 122 tấn. Đặc biệt, tại cuộc họp tổng kết công tác chống buôn lậu năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 vừa tổ chức cuối tháng 2 vừa qua, Ban 389 tỉnh Long An cho biết năm 2015, tỉnh này bắt giữ kiểm tra bắt giữ hơn 717 tấn đường cát nhập lậu.
Đây là số lượng bị bắt giữ lớn nhất từ trước đến nay. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An - Võ Thiện Ngộ cho biết, những năm trước mặt hàng đường cát nhập lậu qua biên giới của tỉnh với số lượng rất ít nhưng từ tháng 4-2015 đến nay, mặt hàng này tăng đột biến do các lực lượng chức năng của tỉnh An Giang và Bộ Công an đã triệt phá một số đường dây buôn lậu đường có quy mô lớn tại An Giang nên một số đối tượng buôn lậu đường chuyển hướng hoạt động sang các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh.
Rõ ràng, đường lậu đã có những kế sách mới để đối phó với các lực lượng chức năng nhằm tiếp tục “bành trướng”. Khi mỗi bao đường lậu qua biên giới trót lọt lãi gần 50 ngàn đồng, khi đường trong nước vẫn còn “èo uột” về chất lượng mà giá cả cao hơn thì ai đảm bảo rằng đường lậu không tiếp tục có những thủ đoạn tinh vi hơn để hoạt động.