Khi kết nối là sức mạnh

Theo baodautu.vn

Trong xuất khẩu các hàng hóa ra các thị trường toàn cầu, đặc biệt vào các nước thuộc EU, một trong những vấn đề khó khăn và vướng mắc nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chính là thiếu kết nối.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cô lập, đơn độc vì thiếu kết nối

Chia sẻ về tình trạng mà doanh nghiệp của mình phải trải qua cách đây chưa lâu, ông Trần Đình Văn, CEO của Công ty TNHH Challenge Vision 360 (trụ sở tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) nhắc tới cảm giác cô lập. “Mọi khó khăn, đều một mình mình tự giải quyết. Những lo lắng về khả năng cạnh tranh, thị trường, năng lực quản lý… không thể chia sẻ cùng ai vì thiếu thông tin, kết nối. Dù đã tham gia vào nhiều Hiệp hội, CLB doanh nghiệp song cũng không mang lại hiệu quả gì”, ông Văn nói.

Ở Hà Nội, tình trạng tương tự cũng diễn ra khá phổ biến. “Tôi đã nêu ra ý tưởng phải kết nối với rất nhiều doanh nghiệp. Thời gian đầu thì mọi việc hiệu quả và tôi được ca ngợi là người đi tiên phong trong công tác kết nối doanh nghiệp. Tuy nhiên càng về sau thì phong trào càng ít sôi nổi và chỉ duy trì còn lại vài thành viên”, ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ và đầu tư Tiến Đạt (chuyên về sản xuất kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, có trụ sở tại Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bùi ngùi nhớ lại.

Sự kết nối, hỗ trợ và hợp tác yếu giữa các doanh nghiệp trong cùng nhóm ngành và cùng chuỗi giá trị xuất khẩu cũng là vấn đề mà Công ty cổ phần CAC Việt Nam – đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ, trang trí nội, ngoại thất (trụ sở tại Quận Thanh Xuân, Hà Nội), thường xuyên gặp phải. Ông Đinh Văn Thọ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cho biết, các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng luôn có thái độ "ngại" khi đối mặt với vấn đề liên kết và hợp tác với nhau.

Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với năng lực cạnh tranh rất hạn chế.

Như vậy, sự thiếu kết nối dường như chính là ngọn nguồn khiến các vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu đều gặp phải như thông tin về cách tiếp cận thị trường, yêu cầu của thị trường, tài chính… không thể giải quyết được. Nhưng khi câu chuyện trở về thực tại, nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu như ông Văn, ông Tuyên, ông Thọ đều trở nên hồ hởi hơn khi vấn đề kết nối, vấn đề thông tin, đặc biệt là thông tin về thị trường EU đã được giải quyết phần nào.

Thay đổi tư duy về năng lực cạnh tranh

Đó là nhờ các khóa đào tạo “Chuyên gia hạt nhân” của Dự án Năng lực thương mại Việt Nam (Trade Capacity Vietnam - TCV) do EU tài trợ mà các vị này được tham gia gần đây. Mô hình hạt nhân thương mại giúp đảm bảo sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp tỉnh, qua đó giúp tăng cường đối thoại về nhu cầu và thông tin giữa các cấp độ khác nhau.

Trong đó, hạt nhân thương mại là một nhóm từ 15-30 doanh nhân trong cùng một lĩnh vực và được hỗ trợ dẫn dắt bởi một cố vấn thương mại dày dạn kinh nghiệm. Các hạt nhân thương mại này được đào tạo về khả năng kết nối, kỹ năng thương mại quốc tế; các yêu cầu tiếp cận thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu.

Sau mỗi khóa học, dù những kiến thức và thông tin mang lại cho mỗi lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia là giống nhau nhưng họ lại thấy được những ích lợi cụ thể gắn với doanh nghiệp mình. Một cảm nhận chung là các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa sau khi tham gia các khóa đào tạo này đều xóa bỏ được mặc cảm phải “cô đơn bơi giữa biển lớn”. Bởi một mặt, bản thân họ đã thay đổi được về tư duy trong xây dựng năng lực cạnh tranh.

Mặt khác, bên cạnh họ còn có sự tương trợ, kết nối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề mà tư duy chung tồn tại bấy lâu nay là phải cạnh tranh trực tiếp, một mất một còn chứ không phải cạnh tranh theo hướng để cùng phát triển vững mạnh. Câu tục ngữ “buôn có bạn, bán có phường” có từ ngàn xưa nay dường như đã thực sự “nhiệm” vào họ.

“Lợi ích lớn nhất mà các khóa học này mang lại cho chúng tôi là tính chủ động liên kết, tìm cách tháo gỡ khó khăn đối với vấn đề mà các thành viên trong nhóm gặp phải. Liên kết mô hình Nhà quản lý - doanh nghiệp - Hộ sản xuất - Người mua hàng… là cần thiết và tất yếu để từ đó thông tin được phản ánh kịp thời, nâng cao hiệu quả trong cung ứng nguyên liệu, sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Tuyên cho biết.

Với vị CEO của CAC Việt Nam, một trong những lợi ích lớn nhất mà khóa học mang lại cho ông và các chủ doanh nghiệp cùng ngành khác là có được nhận thức mới về việc sẵn sàng giao lưu, học hỏi và kết nối để có được sự hợp tác sâu và rộng.

“Chúng tôi đã cởi bỏ được tư duy về năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết phải thắt chặt hợp tác để tạo nên sức mạnh. Giờ đây chúng tôi đã cởi mở hơn và sẵn sàng liên kết với tất cả.Bước đầu chúng tôi đã hợp tác sản xuất và xuất khẩu một số đơn hàng với các đơn vị cùng ngành hàng”, ông Thọ vui vẻ cho biết.

Còn với CEO Challenge Vision 360 Trần Đình Văn, các khóa học của TCV đã giúp “giải mã” được rất nhiều vấn đề mà ông quan tâm, trăn trở bấy lâu. “doanh nghiệp tôi và một nhóm anh em đã tiến hành thành lập Câu lạc bộ Bond (kết nối). Từ Câu lạc bộ Bond, chúng tôi đã xây dựng một nhóm các doanh nghiệp cùng ngành nghề, qua đó nhận diện những khó khăn chung và cùng nhau hỗ trợ tìm cách giải quyết. Giờ đây chúng tôi không còn thấy đơn độc nữa. Tất nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục cần sự hỗ trợ, như về vốn để mở rộng quy mô doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại tự do và hội nhập lớn sắp có hiệu lực như: FTA Việt Nam-EU; TPP hay AEC…”.

Theo bà Nguyễn Phương Thảo, Điều phối viênDự án TCV, những kết quả ban đầu rất tích cực. Ngoài Bắc đã tổ chức được các nhóm hạt nhân thương mại đầu tiên trong các lĩnh vực lao động, thương mại, bất động sản, thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội, Hòa Bình, Phú thọ và hiện đang xúc tiến triển khai ra các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Hải Phòng, Hải Dương với các ngành sản xuất mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như da giày, dệt may, nông sản….

Trong khi đó, trong Nam cũng đã và đang tổ chức được những nhóm hạt nhân ban đầu trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ, y tế, cơ điện tự động hóa, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, thủy sản, dệt may, đào tạo, đồ gỗ và thương mại tổng hợp, tuy nhiên mới tập trung chủ yếu ở địa bàn TP. HCM.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc dự án TCV chia sẻ: “Thời gian qua, trong hoạt động hạt nhân thương mại, các doanh nghiệp ngành nghề tương đồng khi ngồi lại với nhau đã phát hiện những khó khăn vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp, họ cùng chia sẻ và thống nhất các ý kiến từ đó tự tin hơn khi phản ảnh tới ủy ban vận động chính sách (TAC).

Các chuyên gia trong TAC, bằng kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức pháp luật đã cụ thể hóa ngững đóng góp của các nhóm hạt nhân thành những kiến nghị cũng như giải pháp thông qua VAFIE, VCCI gửi đến cơ quan soạn thảo và điều hành chính sách.

Cụ thể, đã đóng góp thông tư 20 liên quan đến nhập khẩu thiết bị máy móc, dây truyền công nghệ đã qua sử dụng, một số quy trình thủ tục hải quan liên quan đến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, đánh giá thủ tục hành chính về thuế, góp ý về thuế xuất thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, nghị định về đăng ký doanh nghiệp…

Hoạt động kết nối thông qua các nhóm hạt nhân thương mại đã cung cấp những thông tin rất sát thực, bổ ích góp phần giúp Ủy ban TAC hoàn thành tốt chức năng vận động chính sách theo nội dung và mục tiêu của dự án.

“Những kết quả bước đầu như vậy rất đáng khích lệ. Với sự chung tay và sức lực tổng thể của toàn xã hội, Ban chỉ đạo Dự án TCV cùng các đơn vị chủ trì và thực hiện dự án, đặc biệt các doanh nghiệp trực tiếp được hưởng lợi từ dự án đều tin tưởng vào việc thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẵn sàng cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới”, bà Thảo cho biết.

Với mục tiêu thúc đẩy hội nhập của Việt Nam vào hệ thống thương mại quốc tế, nâng cao quan hệ thương mại Việt Nam - EU, Dự án TCV được thiết kế xoay quanh 3 mảng trụ cột gồm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao khả năng tham vấn chính sách; và Triển khai mạng lưới hạt nhân thương mại nhằm giúp thực hiện các mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam.

Dự án được triển khai trong khuôn khổ EU-MUTRAP từ tháng 8/2014 đến hết tháng 7/2017 với ngân sách 525.000 EUR. Trong đó, phần tài trợ của EU là 90% tương đương với 472.500 EUR.