Khi nào người dân dùng một thẻ thanh toán đi được metro, taxi, xe bus…?
Việc triển khai hệ thống thẻ vé tự động cho giao thông công cộng, đặc biệt là Tuyến metro số 01 Bến Thành - Suối Tiên tại TP. Hồ Chí Minh mang đến cho người dân trải nghiệm lần đầu tiên có thể sử dụng các phương tiện thẻ vé khác nhau như thẻ vé tháng, thẻ ngân hàng, tài khoản ví điện tử để sử dụng dịch vụ metro tự động mà không cần thu soát vé thủ công.
Tuy nhiên, người dân mong muốn việc sử dụng thẻ thanh toán liên thông được áp dụng trên toàn hệ thống giao thông cộng, thậm chí liên thông thanh toán gửi xe, mua sắm…

Hà Nội sẵn sàng từ 2/9
Tại Tọa đàm "Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 20/5, ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Metro Hà Nội cho biết, hiện nay, các tuyến metro Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang sử dụng hệ thống thu soát vé tự động.
Tại Hà Nội, từng tuyến có hệ thống thu soát vé riêng nên thuận tiện cho người sử dụng vé tháng. Nhưng nếu mua vé lượt, người mua phải đến nhà ga đưa tiền cho nhân viên bán vé hoặc mua bằng máy bán vé.
Tuy nhiên, việc hoạt động đơn tuyến đối với hai hệ thống thu soát vé tự động của cả hai tuyến đều rất tin cậy, việc xử lý thông tin chính xác, tốc độ đóng/ mở cửa nhanh do chỉ phải xử lý thông tin đơn giản. Đây được coi là ưu điểm lớn nhất của hệ thống này, đặc biệt trong giờ cao điểm.
Ngược lại, thẻ vé của hai tuyến chưa liên thông với nhau cũng trở thành nhược điểm.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Metro Hà Nội cũng cho biết, hiện Cục Cảnh sát C06, Bộ Công an là đơn vị chủ lực phối hợp với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính thực hiện phương án sử dụng VNeID để mua vé. Theo tiến độ hiện nay, dự kiến khoảng 15/9 sẽ phải đưa hệ thống này vào hoạt động.
“Trên hai tuyến của Hà Nội, một tuyến hiện đã hết bảo hành, nên chúng tôi sẵn sàng mời Bộ Công an vào cùng phối hợp để làm càng nhanh càng tốt. Còn một tuyến cuối năm nay mới hết bảo hành, chúng tôi đề nghị đến khi hết bảo hành mời Bộ Công an vào cùng làm”, ông Hùng thông tin.
Trong khi đó, về phía cơ quan chức năng, ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho biết, hiện nay về cơ bản Hà Nội đã xây dựng và ban hành các chính sách để phát triển hệ thống thẻ vé thông minh. Bên cạnh đó, ban hành quyết định phê duyệt Đề án Giao thông thông minh. Đây là những cơ sở, nền tảng quan trọng để chúng tôi xây dựng và triển khai hệ thống thẻ vé liên thông. Hệ thống này không chỉ liên thông với vận tải hành khách công cộng mà còn liên thông với thu phí tự động, các bến bãi đỗ xe và sử dụng dịch vụ không chỉ trên địa bàn Thủ đô.
“Dự kiến đến ngày 2/9, chúng tôi sẽ chính thức khai trương hệ thống thẻ vé liên thông này bằng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin”, ông Đỗ Việt Hải thông tin.
Ngành ngân hàng sẵn sàng nhập cuộc
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS): Với vai trò là công ty cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ cho toàn bộ ngành ngân hàng cũng như người dân Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, cũng như của Chính phủ, từ trước tới nay NAPAS luôn coi hỗ trợ cho thanh toán trong mọi loại hình kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu. Đặc biệt là thanh toán trong giao thông.

Từ năm 2021, NAPAS đã thí điểm thanh toán thẻ ngân hàng thông qua hệ thống giao thông công cộng của Vinbus ở Hà Nội, sau đó đã thanh toán bằng thẻ ngân hàng cho những vé ra vào, vé đỗ xe ở các cảng hàng không kết hợp cùng Công ty ePay.
“Đặc biệt, vào ngày 14/2 vừa qua, chúng tôi triển khai, phối hợp với tuyến Metro TP. Hồ Chí Minh, cùng với NAPAS và các ngân hàng còn có các tổ chức quốc tế như Visa, Master Card… để người dân có thể kết nối với hệ thống vé tự động của hệ thống Metro số 1 TP. Hồ Chí Minh để dùng thẻ ngân hàng, thẻ nội địa NAPAS cũng như các thẻ quốc tế.
Như vậy, người dân Việt Nam và du khách quốc tế cũng có thể dùng thẻ ngân hàng để đi metro.
“Toàn bộ việc triển khai về phía ngành ngân hàng nói chung, NAPAS nói riêng chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ hạ tầng cơ sở kỹ thuật, về nghiệp vụ, về sản phẩm để khi ngành giao thông có nhu cầu và chủ trương kết nối liên thông, sẽ tạo thành hệ thống liên thông mở giữa thẻ vé soát vé tự động của các phương tiện giao thông công cộng với hệ thống thẻ thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng. Chúng tôi hoàn toàn có thể triển khai trong thời gian rất ngắn”, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cam kết.
Đối chiếu với kinh nghiệm triển khai tại Nhật Bản, ông Fukuda Chihiro, Phó Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam đã xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị và có kế hoạch tăng số tuyến trong thời gian tới.
“Chúng tôi cho rằng việc áp dụng hệ thống thu phí tự động (AFC) là hết sức cần thiết trong giao thông công cộng phát huy được hiệu quả, có tính bền vững hơn”, Phó Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam nói.
Theo vị đại diện này, việc áp dụng hệ thống AFC để các hệ thống giao thông công cộng phát huy được hiệu quả trong 3 điểm: Hiệu quả và minh bạch trong vận hành; thuận tiện cho người sử dụng; cải thiện chính sách về giao thông và kế hoạch vận hành.
Ông Fukuda Chihiro cho biết, sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng rất quan trọng; để triển khai hệ thống AFC, có 3 vai trò của Chính phủ cần lưu tâm:
Thứ nhất, cần triển khai hệ thống có khả năng tích hợp không chỉ đường sắt mà chung cho bãi đỗ xe hay các cửa hàng. Như vậy, ngay từ đầu Chính phủ cần có phương hướng xây dựng hệ thống có khả năng vận hành liên thông và xây dựng bộ quy chuẩn thống nhất;
Thứ hai là an ninh thông tin. Hệ thống AFC xử lý dữ liệu cá nhân của hành khách nên điều bắt buộc là phải có biện pháp an ninh đủ mạnh để phòng chống hành vi lừa đảo và bảo vệ thông tin cá nhân. Chính phủ cần ban hành các văn bản pháp luật và quy định để thực hiện điều này;
Thứ ba là sự hỗ trợ về tài chính và chính sách. Để triển khai hệ thống AFC sẽ cần một khoản chi phí ban đầu.
“Vì vậy không nên giao phó hoàn toàn cho các doanh nghiệp quản lý, vận hành mà Nhà nước cần hỗ trợ về mặt tài chính và chính sách để đảm bảo hiệu quả, thúc đẩy phổ biến hệ thống AFC này”, Phó Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam nói.