Khi người Nhật không muốn “cởi trói” quân đội
(Taichinh) - Gói dự luật an ninh mới của Chính phủ Nhật Bản cho phép mở rộng quy mô hoạt động ở nước ngoài của Lực lượng Phòng vệ (SDF), đã vấp phải trở ngại khi hầu hết ý kiến học giả cho rằng văn bản này vi Hiến. Đây được coi là phản ứng khá bất lợi đối với nỗ lực của ông Abe nhằm “cởi trói” cho quân đội và đưa nước Nhật trở thành một cường quốc đầy đủ.
Tại phiên điều trần mới đây của Ủy ban Hiến pháp Hạ viện về gói dự luật an ninh mới, ba học giả nổi tiếng là GS. Setsu Kobayashi (thuộc Đại học Keio), GS. Yasuo Hasebe và GS. Eiji Sasada (Đại học Waseda) đều cho rằng những điều chỉnh trong gói dự luật là vi Hiến.
Gói dự luật này bao gồm Dự luật Hỗ trợ hòa bình thế giới và Dự luật Kiện toàn pháp chế an ninh và hòa bình, được Chính phủ của Thủ tướng Abe trình Quốc hội hôm 15/5.
Hai dự luật cho phép Lực lượng phòng vệ nước này mở rộng hoạt động ra ngoài lãnh thổ trong trường hợp an ninh Nhật bị đe dọa, hoặc khi các nước thân thiện với Nhật bị tấn công hay đe dọa, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế và sửa đổi 10 đạo luật liên quan đến an ninh hiện hành.
Trong khi đó, Điều 9 của Hiến pháp Hòa bình (1947) quy định: Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ phát động chiến tranh bằng quyền lực nhà nước, không duy trì lục quân, hải quân, không quân và các lực lượng chiến tranh khác, không thừa nhận quyền giao chiến của Nhà nước.
GS. Yasuo Hasebe nhấn mạnh: “việc cho phép thực hiện quyền phòng vệ tập thể ở nước ngoài, dựa trên Điều 9 trong Hiến pháp, vốn chỉ chấp thuận các hoạt động phòng vệ trong nước Nhật, là không hợp lý”.
GS. Setsu Kobayashi, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ sửa đổi Hiến pháp hòa bình, cũng chỉ ra rằng “đoạn 2, Điều 9 Hiến pháp không cho phép Nhật Bản có các hoạt động quân sự ở nước ngoài”, đồng thời nhấn mạnh việc tham chiến ở nước ngoài, thậm chí là để giúp đỡ đồng minh, cũng vi Hiến.
Về phần mình, GS. Eiji Sasada nhấn mạnh tới thực tế rằng, cách diễn giải Hiến pháp được nhiều Chính phủ tiền nhiệm đưa ra, so với cách diễn giải mới của nội các đương nhiệm, tuy chưa hoàn hảo song vẫn “ở trong giới hạn chấp nhận được”. Tuy nhiên, gói dự luật an ninh mới vi Hiến bởi rõ ràng nó đã vượt quá giới hạn của sự diễn giải từ trước tới nay.
Trong khi đó, người dân Nhật Bản cũng tỏ ra hoài nghi với gói dự luật mới được đệ trình. Theo cuộc thăm dò ý kiến được tờ Yomiuri tiến hành đầu tháng 6, gần 60% người dân được hỏi phản đối thông qua các dự luật này trong phiên họp Quốc hội năm nay, cao hơn 11% so với kết quả của cuộc thăm dò cùng nội dung tiến hành tháng trước.
Đa phần dư luận không hài lòng với những lời giải thích mập mờ của Chính phủ về chi tiết cũng như các hậu quả của bước chuyển hướng gần như là 180 độ về an ninh thời hậu chiến này. Những câu hỏi đặt ra cho Thủ tướng Abe liên quan tới các kịch bản sẽ diễn ra nếu quân đội Nhật Bản được phép thực hiện quyền phòng vệ ở nước ngoài, chỉ nhận được giải đáp mơ hồ.
Lúc đầu, ông Abe tuyên bố, sinh mạng của các thành viên SDF cần được bảo đảm ngay cả khi dự luật được thông qua. Điều đó có nghĩa là, dù đồng minh Mỹ có yêu cầu, SDF sẽ không được triển khai trong các cuộc xung đột nguy hiểm tại Trung Đông, bán đảo Triều Tiên, hay vùng biển Đông Nam Á.
Tuy nhiên, sau đó, ông lại nói thêm rằng, SDF có trách nhiệm và nghĩa vụ hy sinh để bảo vệ người dân và lãnh thổ Nhật Bản. Dư luận nước Nhật, vốn vẫn chưa quên quá khứ quân phiệt, đều cho rằng việc sửa đổi này sẽ mở ra những nguy cơ mà họ không chấp nhận được. Họ không muốn con em mình phải dấn thân vào những cuộc chiến phi nghĩa lý.
Giới chuyên gia nhận định, nếu không thể thúc đẩy Quốc hội thông qua các dự luật trên trước ngày 24/6 - thời điểm kết thúc phiên họp Quốc hội, Thủ tướng Abe sẽ phải tìm cách kéo dài phiên họp tới tận đầu tháng 8.
Trong khi đó, bản thân Thủ tướng Abe và đảng cầm quyền đang phải đối mặt với phản đối từ những nghị sĩ của đảng. Trong phiên họp của Đại Hội đồng - cơ quan ra quyết sách của đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) ngày 9/6 - các nhà lập pháp thuộc đảng này đã yêu cầu được phép tự do bỏ phiếu đối với các dự luật mà không chịu sự chi phối của lãnh đạo đảng. Đây được xem là diễn biến đầy bất lợi đối với chính quyền của Thủ tướng Abe.