Nhật Bản giữa hai lựa chọn

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước trong khu vực tiếp tục bế tắc do những bất đồng, đặc biệt là sự chần chừ của Nhật Bản. Giới phân tích nhận định Tokyo sẽ phải cân nhắc nhiều hơn giữa các lợi ích chính trị và thiệt hại kinh tế.

Tokyo sẽ phải cân nhắc nhiều hơn giữa các lợi ích chính trị và thiệt hại kinh tế trong TPP. Nguồn: internet
Tokyo sẽ phải cân nhắc nhiều hơn giữa các lợi ích chính trị và thiệt hại kinh tế trong TPP. Nguồn: internet

Vòng đàm phán mới nhất về TPP diễn ra cuối tháng trước mà không đạt được tiến triển đáng kể. Hai vấn đề chính được thảo luận là quyền sở hữu trí tuệ và cải cách các thực thể thuộc sở hữu của Nhà nước. Vòng đàm phán trước đó ở Hawaii vào tháng 3 vừa qua cũng đã không tạo được đột phá. Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh một nhóm nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đưa ra dự luật “Quyền thúc đẩy thương mại” (TPA) trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm thúc đẩy đàm phán TPP.

Mỹ và Nhật Bản chia sẻ lợi ích chính trị chung trong TPP khi Hiệp định được coi là công cụ để đối trọng với sự lớn mạnh của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Washington đã đề xuất sáng kiến này để củng cố chính sách đối ngoại toàn cầu. Trong một kế hoạch tổng thể, Mỹ sẽ thành lập hai vòng đai mạnh mẽ, một mặt quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, mặt khác quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, để Mỹ có thể duy trì quyền lực và ảnh hưởng của họ. Ngay từ khi ý tưởng về TPP ra đời, các nước đều ý thức rõ ràng mục đích chính là Mỹ ngăn chặn Trung Quốc giành lấy ưu thế kinh tế trong khu vực. Không phải ngẫu nhiên chỉ có Mỹ và Nhật Bản đứng ngoài dự án của Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Điều đó cho thấy họ đã thông qua quyết định này vì lý do chính trị. Xuất phát từ góc độ chính trị, chính giới Nhật Bản muốn ký kết thỏa thuận TPP càng sớm càng tốt, nhưng trở ngại ở đây là nền kinh tế.

Với cái nhìn thực dụng, giới kinh doanh Nhật Bản không khó khăn khi chỉ ra những thiệt hại kinh tế mà họ phải hứng chịu từ Hiệp định này. Lớn nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế tạo ô tô, các mức thuế - đấu trường trực diện giữa các doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản. Cuộc đọ sức vẫn tiếp diễn trong các tầng lớp chính trị vì giới doanh nghiệp Nhật Bản có các kênh riêng để ảnh hưởng đến chính phủ. Theo giới chuyên gia, tiến trình đàm phán bế tắc vì Nhật Bản cần có thêm thời gian để tính toán. Trong nhiều trường hợp, tiền bạc quan trọng hơn tình bạn và Tokyo đang ở trong tình thế này.

Trong khi đó, tại Mỹ cũng có nhiều người không hài lòng với việc Nhật Bản không chịu nhượng bộ. Mỹ cũng có lợi ích kinh tế và kênh vận động hành lang của các hiệp hội kinh tế. Dù trên thực tế Quốc hội Mỹ cho phép Tổng thống Obama ký kết thỏa thuận TPP thậm chí không cần thông báo trước, nhưng một số nghị sĩ nêu lên câu hỏi: tại sao chúng ta nhượng bộ nhiều đến vậy cho Nhật Bản? Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành ô tô. Chính trị là điều quan trọng, nhưng cũng như với tình bạn, trong nhiều trường hợp lợi ích kinh tế quan trọng hơn.

Tình trạng mâu thuẫn lợi ích này đã làm bế tắc trong đàm phán TPP giữa Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đánh giá cao khả năng hai nước đạt được thỏa thuận bởi vì Hiệp định này trước hết là một dự án chính trị, còn vấn đề kinh tế có tầm quan trọng thứ hai. Đánh giá tổng thể, đạt được mục tiêu chính trị luôn là bệ phóng vững chắc cho các mục tiêu kinh tế. Vì vậy, giới chức hai nước đang tính toán các bước nhượng bộ. Với ngành ô tô, sự nhượng bộ có thể là các khoản ưu đãi tạm thời trong 5-10 hoặc thậm chí 15 năm để không phải mở cửa toàn bộ thị trường. Trong khi đó, ngành nông nghiệp - vốn chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế Nhật Bản và chỉ tạo ra việc làm cho khoảng 2 triệu người - phải chấp nhận thiệt thòi.

Không chỉ giúp cho việc luân chuyển hàng hóa giữa các nước được dễ dàng hơn nhờ hàng rào thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu và các biện pháp ưu đãi hàng nội địa được dỡ bỏ, TPP còn bao gồm các nguyên tắc thống nhất giữa các đối tác về một số vấn đề mới như quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, chi tiêu của chính phủ, tính minh bạch, doanh nghiệp nhà nước và liên kết chuỗi cung ứng.

Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Nhật Bản được đánh giá là “sống còn” đối với TPP vì hai nền kinh tế này gộp lại chiếm khoảng 80% sản lượng của toàn khối TPP.