Khi phương Tây dè chừng

Theo Thành An/daibieunhandan.vn

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang rà soát hoạt động đầu tư của Trung Quốc sau khi nhận thấy các thương vụ thâu tóm - sáp nhập không đơn thuần mang màu sắc kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Siết chặt các thương vụ

Trong động thái mới nhất, hôm 14/9, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngăn cản thương vụ bán một công ty công nghệ của Mỹ cho Canyon Bridge Capital Partners, quỹ đầu tư được Trung Quốc hậu thuẫn.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, quỹ đầu tư này đã tìm kiếm sự phê chuẩn cho thỏa thuận mua hàng chip Lattice Semiconductor (Mỹ) với số tiền 1,3 tỷ USD. Giải thích về quyết định của mình, Tổng thống Donald Trump bày tỏ lo ngại về việc “chuyển giao tiềm năng” tài sản trí tuệ từ Công ty Lattice Semiconductor, nhà sản xuất các loại chip tiên tiến.

Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã phản đối ít nhất 7 thương vụ mua lại công ty Mỹ của các công ty Trung Quốc, đồng thời có hiện tượng doanh nghiệp Mỹ xin rút hồ sơ giao dịch để trình CFUIS và hủy giao dịch với công ty Trung Quốc.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không cho phép các công ty nhà nước của Trung Quốc thâu tóm nhiều doanh nghiệp, coi đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.  

Trong khi đó, các nước châu Âu cũng vừa nhất trí tăng cường phối hợp khi đánh giá các khoản đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực công nghiệp nhạy cảm như năng lượng hay công nghệ cao, trên cơ sở khía cạnh an ninh quốc gia. Các nước thành viên EU có thể tham khảo ý kiến từ Ủy ban châu Âu (EC) nếu họ cảm thấy hoạt động đầu tư nước ngoài này liên quan đến không chỉ nước mình mà cả các nước khác trong liên minh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker được coi là tác giả của kế hoạch có tên gọi “Nhà nước Liên minh” này. Ông tự cho mình là người “ủng hộ những hiệp định thương mại quốc tế, nhưng không phải nhà kinh doanh ngây thơ”. Ông đang thuyết phục EU có cách tiếp cận mạnh mẽ để thu hút sự ủng hộ của công dân EU đối với những thỏa thuận thương mại.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người đi đầu kêu gọi xem xét cứng rắn hơn đối với hoạt động mua lại công ty EU của Trung Quốc trong bối cảnh đang có làn sóng mạnh mẽ đầu tư trực tiếp của nước này vào châu Âu. Một trong những hoạt động đầu tư của Trung Quốc gây tranh cãi là nhà máy sản xuất robot Kuka tại Đức.

Không chỉ Pháp, Đức và Italy cũng lên tiếng kêu gọi sáng kiến của EU đối với vấn đề đầu tư nước ngoài tại EU sau khi chỉ ra Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều đã có hệ thống giám sát đầu tư nước ngoài tại nước họ. Bên cạnh đó, Chính phủ Đức mới đây mở rộng quyền phủ quyết đối với hoạt động mua lại doanh nghiệp Đức của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngăn đòn bẩy chính trị

Đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ và các nhà đầu tư khác, nhưng cục diện này đang thay đổi nhanh chóng. Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc sang châu Âu đạt mức cao nhất vào năm 2015 với trị giá lên tới 20 tỷ euro. Các thương vụ sáp nhập ảnh hướng tới quyền sở hữu cũng đang tăng mạnh.

EU đang đứng số một về giá trị của các giao dịch M&A với Trung Quốc trong lĩnh vực chuyển giao vốn. Điều này cũng thu hút sự quan tâm rất lớn khi có nhiều lo ngại Trung Quốc có thể mua doanh nghiệp quan trọng về chiến lược đối với châu Âu.

Thực tế, Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh kinh tế để thâu tóm doanh nghiệp và tài sản về mặt chiến lược, gây ảnh hưởng tới quá trình đưa ra quyết định của EU bằng việc tác động tới các nước thành viên nhỏ dựa vào những khoản đầu tư.

Cái khó của EU là làm sao giữ quan hệ tốt đẹp về mặt kinh tế với Trung Quốc mà không ảnh hưởng tới an ninh chiến lược hay để Trung Quốc ảnh hưởng tới nội bộ chung của khối.

Alicia Garcia-Herrero, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Cơ quan Nghiên cứu độc lập Bruegel cho rằng, Trung Quốc, đặc biệt là tham vọng quốc tế của các công ty lớn của nhà nước Trung Quốc đang trở thành trọng tâm mà EU và Mỹ phải suy tính.

Thêm vào đó, Bắc Kinh không hề mở cửa cho hai đối tác thương mại lớn này. Đây là yếu tố mà Mỹ và EU không thể không tính đến.