Kho bạc Nhà nước ngày càng xứng đáng hơn với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân
Lược ghi phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nhân dịp thăm và làm việc với Kho bạc Nhà nước ngày 03/3/2017. Đầu đề bài viết do Ban biên tập đặt.
Hôm nay, tôi rất vui mừng và phấn khởi khi có dịp trở về Kho bạc Nhà nước. Trước tiên, tôi nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và những thành tích mà hệ thống Kho bạc Nhà nước nói riêng và toàn ngành Tài chính nói chung đã đạt được trong giai đoạn vừa qua; từ đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Những năm qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước trải qua nhiều thăng trầm, ngành Tài chính đã chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất các giải pháp để Quốc hội, Chính phủ đưa ra những chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; đồng thời, huy động các nguồn lực tài chính nhằm bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đất nước.
Cùng với ngành Tài chính, hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã có những đóng góp rất lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ tập trung nguồn thu cho ngân sách nhà nước; tổ chức quản lý, kiểm soát chi tiêu ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí; giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý tài chính, ngân sách. Kho bạc Nhà nước đã làm tốt nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua phát hành tín phiếu, trái phiếu Chính phủ. Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, phục vụ các mục tiêu trọng yếu của Đảng và Nhà nước. Điều đó càng khẳng định việc tái lập Kho bạc Nhà nước năm 1990 là một đổi mới mạnh mẽ về cơ chế quản lý tài chính tiền tệ của Nhà nước; nếu không có bước đột phá đó, thì công tác quản lý tài chính – ngân sách sẽ còn nhiều khó khăn.
Những thành quả đã đạt được cho thấy đội ngũ cán bộ, công chức của ngành Tài chính nói chung và hệ thống Kho bạc Nhà nước nói riêng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, Kho bạc Nhà nước đã xây dựng, gìn giữ và luôn phát huy được truyền thống đoàn kết gắn bó chặt chẽ trong toàn hệ thống - đây là tài sản hết sức quý báu, là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn.
Tôi đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của hệ thống Kho bạc Nhà nước trong gần 27 năm qua; đã đưa Kho bạc Nhà nước có bước phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.
Kinh tế đất nước ta mặc dù đạt được thành tựu đáng khích lệ, vượt qua được giai đoạn đỉnh điểm khó khăn, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, thách thức. Bội chi ngân sách và nợ công còn cao, nhu cầu chi tiêu xây dựng phát triển đất nước vượt xa nguồn lực ngân sách nhà nước có được. Vì vậy, vấn đề cân đối thu chi, giảm bội chi, an toàn nợ công là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Tài chính nói chung và Kho bạc Nhà nước nói riêng.
Để thực hiện tốt hơn vai trò của hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng như của ngành Tài chính trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tôi đề nghị mỗi cán bộ, công chức Kho bạc Nhà nước phải nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể:
Một là, tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội trong việc quản lý, điều hành tài chính ngân sách; huy động tối đa các nguồn lực tài chính để thúc đẩy phát triển đất nước; đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh, ổn định và vững chắc.
Hai là, quản lý an toàn và sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích tiền, tài sản mà Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao cho Kho bạc Nhà nước quản lý. Mỗi đồng tiền đó là sự đóng góp từ mồ hôi, công sức của nhân dân; nếu được chi đúng, kịp thời, hiệu quả sẽ góp phần làm cho kinh tế - xã hội thêm phát triển; quốc phòng, an ninh thêm vững chắc. Do vậy, cán bộ, công chức Kho bạc Nhà nước dù ở bất kỳ vị trí nào đều có những vai trò, đóng góp nhất định vào nhiệm vụ xây dựng nền tài chính quốc gia ổn định, tự chủ, vững mạnh để phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ba là, ngành Tài chính nói chung và hệ thống Kho bạc Nhà nước nói riêng cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách và hiện đại hóa, tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực để xây dựng và triển khai thành công các đề án cơ chế chính sách lớn; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra. Việc hiện đại hóa công tác quản lý và các hoạt động của ngành Tài chính nói chung và hệ thống Kho bạc Nhà nước nói riêng phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính để phục vụ các hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội.
Bốn là, từ các bài học thực tiễn cho thấy công tác cán bộ là nhân tố quyết định đến sự thành bại của mọi nhiệm vụ; do vậy, tôi mong muốn các cán bộ, công chức Kho bạc Nhà nước phải luôn trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết nội bộ mà các thế hệ cán bộ Kho bạc Nhà nước đã xây dựng và vun đắp trong gần 27 năm qua. Đoàn kết phải được xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên làm tốt công tác phê bình và tự phê bình, công khai và minh bạch.
Năm là, ngành Tài chính, hệ thống Kho bạc Nhà nước cần phải tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước gắn với thực tiễn hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời, lựa chọn và nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến để khích lệ cán bộ, công chức thi đua học tập, lao động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Sáu là, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan; trong đó, có việc phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội để xây dựng báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo chất lượng và thời gian theo quy định.
Quốc hội luôn ủng hộ sự đổi mới trong công tác quản lý và điều hành ngân sách, nhất là thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước với mục tiêu hình thành Kho bạc điện tử vào năm 2020, cũng như việc thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ và tổng kế toán nhà nước của Kho bạc Nhà nước. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước cần phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn sau năm 2020; bao gồm hoàn thiện thể chế, chính sách; ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong hoạt động quản lý; đào tạo cán bộ, công chức và phát triển nguồn nhân lực để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Nếu như sự tái lập lại hệ thống Kho bạc Nhà nước là dấu ấn, là bước đột phá trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực cải cách thể chế, cơ chế tài chính, tiền tệ, ngân sách nhà nước, thì sự trưởng thành của hệ thống Kho bạc Nhà nước trong 27 năm qua đã tô đậm thêm những nét son truyền thống tốt đẹp của Kho bạc Nhà nước nói riêng và của toàn ngành Tài chính nói chung. Tôi mong muốn hệ thống Kho bạc Nhà nước sẽ luôn phát huy những truyền thống tốt đẹp, những kết quả và thành tích đã đạt được, lập thêm nhiều thành tích trong thời gian tới để ngày càng xứng đáng hơn với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, tô đậm hơn dấu son truyền thống và viết nên những trang sử vẻ vang của ngành Tài chính.
Tôi thân ái gửi tới các đồng chí lãnh đạo và toàn thể công chức trong hệ thống Kho bạc Nhà nước lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi mong rằng chúng ta mãi mãi xứng đáng là người quản lý tay hòm chìa khóa của nền tài chính nước nhà.
Bài viết đăng lại từ Kỷ yếu 30 năm Kho bạc Nhà nước Việt Nam (1990-2020): Tiếp nối truyền thống - Phát triển bền vững - Hướng tới tương lai