Chung sức, đồng lòng xây dựng Kho bạc Nhà nước ngày càng phát triển hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
30 năm qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã ngày càng trưởng thành, cùng với ngành Tài chính huy động các nguồn lực, phân bổ chi tiêu, tạo thành dòng huyết mạch không ngừng lưu thông, đưa từng đồng tiền vốn đi khắp mọi miền đất nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, giúp an ninh quốc phòng thêm vững chắc, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Có được kết quả đó là nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cũng như sự nỗ lực bền bỉ của các thế hệ công chức Kho bạc Nhà nước đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đoàn kết, chung sức, đồng lòng phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã được Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính tin tưởng giao phó, vì mục tiêu xây dựng hệ thống Kho bạc Nhà nước ngày càng phát triển hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giữ vững và phát huy vai trò “người quản lý tay hòm chìa khóa của nền tài chính nước nhà”.
Những năm đầu tái thành lập, khắc phục khó khăn, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; qua đó, chứng minh và khẳng định việc tái thành lập Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính là một đổi mới mạnh mẽ về cơ chế quản lý tài chính tiền tệ của Nhà nước. Giai đoạn đó, đất nước vừa mới chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mặc dù đất nước đã dần dần thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái, song quỹ ngân sách nhà nước còn hết sức eo hẹp. Cơ sở hạ tầng, trụ sở làm việc, trang thiết bị và công nghệ phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ của công chức Kho bạc Nhà nước còn thiếu thốn, lạc hậu. Đội ngũ công chức, viên chức, người lao động đa phần chưa được đào tạo bài bản. Công tác thu, chi ngân sách được thực hiện thủ công, hoàn toàn dựa vào sức người và phần lớn là thanh toán bằng tiền mặt. Từng tờ trái phiếu, tín phiếu, công trái được Kho bạc Nhà nước phát hành tới người dân để huy động từng đồng tiền nhàn rỗi, tạo nguồn vốn cân đối ngân sách và phục vụ cho các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình cho vay giải quyết việc làm, Chương trình tạo mới và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đường dây 500 KV,… Gạt những khó khăn sang một bên, toàn thể công chức Kho bạc Nhà nước đã chung sức, đồng lòng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phấn đấu vì một mục tiêu chung: xây dựng và phát triển đất nước.
Những nỗ lực của các thế hệ công chức Kho bạc Nhà nước theo thời gian đã được đền đáp xứng đáng khi Kho bạc Nhà nước ngày càng phát triển nhận được sự tin tưởng của nhân dân, Đảng và Chính phủ. Từ những chức năng, nhiệm vụ ban đầu chỉ là tập trung nguồn thu, thực hiện xuất quỹ theo yêu cầu của cơ quan Tài chính, huy động và quản lý các nguồn vốn vay, trả nợ dân, hạch toán kế toán các hoạt động thu, chi ngân sách, các chức năng, nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước không ngừng được hoàn thiện và bổ sung với sự ra đời của Luật Ngân sách nhà nước năm 1996 (bổ sung nhiệm vụ kiểm soát chi thường xuyên) và việc tổ chức lại Tổng cục Đầu tư phát triển năm 2000 (bổ sung nhiệm vụ kiểm soát chi đầu tư). Đặc biệt, nhằm cải cách, hiện đại hóa Kho bạc Nhà nước theo thông lệ quốc tế, Kho bạc Nhà nước đã xây dựng và trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 tại Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007. Với việc thực hiện Chiến lược, Kho bạc Nhà nước đã triển khai thêm 02 chức năng mới là quản lý ngân quỹ và tổng kế toán nhà nước. Như vậy, đến nay, Kho bạc Nhà nước đã được Chính phủ tin tưởng giao thực hiện các chức năng của một cơ quan kho bạc hiện đại, bao gồm: quản lý nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển. Việc Kho bạc Nhà nước tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ trên đã góp phần nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của hệ thống quản lý tài chính công, tạo dựng thêm niềm tin của người dân vào những đồng tiền thuế được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Với quan điểm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính luôn nhận được sự đồng lòng, góp sức của các thế hệ công chức Kho bạc Nhà nước; từ đó, được triển khai thành công, mang lại hiệu quả to lớn. Từ năm 2007 đến nay, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh với việc thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020. Qua đó, các quy trình, thủ tục thu, chi ngân sách nhà nước được đơn giản hóa, rút gọn, giảm thiểu chi phí thực hiện, song vẫn đáp ứng mục tiêu tập trung nhanh các khoản thu và kiểm soát chặt chẽ, chi trả kịp thời cho các nhu cầu chi tiêu của ngân sách.
Công tác quản lý ngân quỹ chuyển đổi từ phân tán sang tập trung và cải cách theo thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng thanh khoản của Kho bạc Nhà nước cũng như hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước. Công tác huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ cũng được hiện đại hóa, ngày càng công khai, minh bạch và trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho ngân sách; đồng thời, được gắn kết chặt chẽ với công tác quản lý ngân sách và quản lý nợ, đảm bảo đạt được các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công an toàn, bền vững theo chủ trương của Bộ Chính trị.
Trong lĩnh vực kế toán nhà nước, công tác kế toán đã được cải cách căn bản theo hướng chuyển từ mô hình phân tán sang mô hình tập trung. Đặc biệt, việc triển khai thành công hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) đã đánh dấu bước phát triển đột phá về nghiệp vụ kế toán cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, quản trị của Kho bạc Nhà nước. Hệ thống TABMIS đã giúp gắn kết các khâu của chu trình quản lý ngân sách, nâng cao chất lượng và tính kịp thời của thông tin, báo cáo, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành tài chính – ngân sách của các cấp lãnh đạo, các Bộ, ngành, địa phương.
Trong quá trình phát triển, tổ chức bộ máy của Kho bạc Nhà nước được sắp xếp, kiện toàn để phù hợp với các chức năng, nhiệm vụ được giao cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong từng thời kỳ. Công tác cán bộ được chú trọng triển khai, nhưng có thể nói sự thấu hiểu và đồng tình, ủng hộ của công chức, viên chức, người lao động Kho bạc Nhà nước mới là yếu tố chính quyết định sự thành công của công tác kiện toàn, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã cắt giảm được 251 phòng thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, cắt giảm 58 Kho bạc Nhà nước cấp huyện và tương đương; giảm gần 2.000 cấp tổ thuộc Kho bạc Nhà nước cấp huyện; cắt giảm được hơn 620 vị trí lãnh đạo cấp phòng và tương đương; cắt giảm hơn 2.600 công chức lãnh đạo cấp tổ (đội). Với quyết tâm cao trong chỉ đạo, quán triệt và sự thống nhất, đồng thuận trong tổ chức thực hiện, nên sau khi sắp xếp, các hoạt động tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước vẫn diễn ra thông suốt, đảm bảo an toàn tiền và tài sản của Nhà nước, ổn định tư tưởng công chức, viên chức, người lao động khi sáp nhập tổ chức.
Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm; song có một điều bất biến giúp hệ thống Kho bạc Nhà nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó chính là nét son truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng của các thế hệ công chức, viên chức, người lao động Kho bạc Nhà nước. Mỗi thế hệ đi trước lại truyền lửa cho các thế hệ kế tiếp để tiếp tục gìn giữ, phát huy truyền thống đó, tạo nên một văn hóa kho bạc rất riêng – cần, kiệm, liêm, chính, chủ động sáng tạo, đoàn kết và đổi mới.
Nhiệm vụ đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước trong thời gian tới còn nhiều thử thách. Với mục tiêu Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân sẽ tiếp tục phấn đấu lao động, sáng tạo để đưa đất nước đi lên. Trước bối cảnh đó, để phát huy được vai trò quan trọng mà nhân dân, Đảng và Nhà nước đã giao, Kho bạc Nhà nước cần tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhằm góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 và tinh gọn tổ chức bộ máy theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nhiệm vụ đó đòi hỏi toàn thể công chức, viên chức, người lao động Kho bạc Nhà nước cần tiếp tục tiếp nối truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng; giữ vững lòng tin vào các chủ trương cải cách, hiện đại hóa và chủ động nghiên cứu, lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao để xây dựng Kho bạc số hoạt động hiệu lực, hiệu quả với các phương hướng chủ yếu sau:
Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý quỹ ngân sách nhà nước thông qua việc gắn kết chặt chẽ các khâu phân bổ, thực hiện, quyết toán ngân sách nhà nước trên cơ sở liên thông dữ liệu điện tử; hoàn thiện khung kiểm soát chi ngân sách nhà nước và điện tử hóa các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước.
Hai là, huy động vốn cho ngân sách nhà nước phù hợp với mục tiêu của các chiến lược, kế hoạch, chương trình quản lý nợ công và kế hoạch vay nợ của Chính phủ, đảm bảo việc huy động hiệu quả và với chi phí tối ưu, góp phần cơ cấu lại nợ công an toàn, bền vững. Quản lý ngân quỹ nhà nước chủ động theo nguyên tắc thị trường, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch tại Kho bạc Nhà nước; sử dụng hiệu quả nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi.
Ba là, cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin tài chính nhà nước, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và người dân, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý tài chính nhà nước.
Bốn là, xây dựng và hoàn thiện nền tảng Kho bạc số, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ của Kho bạc Nhà nước; phát triển Kho bạc số dựa trên công nghệ kỹ thuật số; đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.
Năm là, hiện đại hóa tổ chức bộ máy Kho bạc Nhà nước theo mô hình kho bạc khu vực, hướng tới mô hình kho bạc 02 cấp, đảm bảo hệ thống Kho bạc Nhà nước hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu cải cách.
Bài viết đăng lại từ Kỷ yếu 30 năm Kho bạc Nhà nước Việt Nam (1990-2020): Tiếp nối truyền thống - Phát triển bền vững - Hướng tới tương lai