Kho bạc Nhà nước Ninh Bình viết tiếp truyền thống 30 năm xây dựng và trưởng thành
Trải qua 30 năm (01/4/1992 - 01/4/2022) xây dựng và trưởng thành, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Ninh Bình đã có những bước phát triển nhanh, vững chắc và toàn diện. Có được kết quả này chính là nhờ sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức KBNN Ninh Bình đã đồng lòng, chung sức, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Những dấu ấn nổi bật
Trong những năm qua, được sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Tài chính, KBNN Trung ương, sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao của các thế hệ cán bộ, công chức, KBNN Ninh Bình đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Ninh Bình.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, điều hành, ngân quỹ quốc gia, trong những năm qua, KBNN Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu trên địa bàn tổ chức các điểm thu phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin... nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Nhờ đó, KBNN Ninh Bình luôn đảm bảo tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên, hàng năm, số thu NSNN trên địa bàn Tỉnh đều vượt chỉ tiêu dự toán giao, số thu NSNN trên địa bàn Tỉnh năm 2021 là 20.956 tỷ đồng, bằng 524 lần so với năm 1992.
Song song với nhiệm vụ tập trung nguồn thu, KBNN Ninh Bình cũng đã thực kiểm soát chi NSNN chặt chẽ, an toàn. Cục thể, tổng số chi NSNN qua Kho bạc từ năm 1992-2021 là 224.855 tỷ đồng. Số chi NSNN trên địa bàn Tỉnh tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 1992-2021, năm 2021 là 23.285 tỷ đồng, tăng gấp 270 lần so với năm 1992. Qua kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN, KBNN Ninh Bình đã phát hiện, yêu cầu các đơn vị hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ, thủ tục theo quy định cho 19.554 khoản chi; từ chối thanh toán 1.787 khoản chi với số tiền là 24,9 tỷ đồng.
Đến nay, 100% các đơn vị giao dịch tại KBNN Ninh Bình đã tham gia dịch vụ công trực tuyến, số chứng từ thực hiện thanh toán qua dịch vụ công đạt trên 90% tổng số giao dịch với kho bạc. Nhờ triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, các chứng từ, thủ tục thanh toán được nhanh gọn, góp phần giúp cho hoạt động của đơn vị được minh bạch, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Với chặng đường hơn 30 năm xây dựng và phát triển, KBNN Ninh Bình đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng. KBNN Ninh Bình luôn là tập thể đoàn kết, hoàn thành thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị được giao góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của của địa phương.
Ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của các thế hệ cán bộ, công chức, KBNN Ninh Bình đã được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: 02 Huân chương Lao động hạng II, 10 Huân chương Lao động hạng III, 15 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 236 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính...
Đồng bộ các giải pháp quản lý, điều hành ngân quỹ quốc gia an toàn, hiệu quả
Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, viết tiếp truyền thống 30 năm xây dựng và trưởng thành, KBNN Ninh Bình đã, đang triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; thực hiện tốt vai trò tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền trong việc quản lý, điều hành NSNN trên địa bàn, đặc biệt luôn là cầu nối trong việc phối hợp công tác điều hành ngân sách trên địa bàn và cầu nối phối hợp giữa KBNN Trung ương với các cơ quan địa phương; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu trên địa bàn tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN; thực hiện kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, đáp ứng kịp thời các yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năng động của Tỉnh.
Thứ hai, bám sát chương trình công tác năm 2022 của ngành Tài chính và hệ thống KBNN để triển khai có hiệu quả kế hoạch công tác năm 2022 của KBNN Ninh Bình. Trong đó, quan tâm thực hiện tốt công tác cải cách, hiện đại hóa; nâng cao tinh thần trách nhiệm, phong cách giao tiếp, ứng xử của công chức trong thực thi công vụ; chủ động báo cáo, phản ánh về KBNN các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, những bất cập về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, chương trình ứng dụng để kịp thời sửa đổi, hoàn thiện.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác luân phiên, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 30/8/2021 của Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính và Quyết định số 2028/QĐ-BTC ngày 21/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đặc biệt là đối với công chức trong diện quy hoạch nhằm đào tạo, bồi dưỡng lực lượng kế cận.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và quản lý nội bộ, đặc biệt là hoạt động nghiệp vụ tiềm ẩn rủi ro cao. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19; tăng cường việc kiểm tra, giám sát trên Dịch vụ công trực tuyến, kiểm tra đột xuất các đơn vị trực thuộc để kịp thời chấn chỉnh tồn tại, sai sót góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Thứ năm, thường xuyên chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó cần đẩy mạnh việc xây dựng hình ảnh, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyền hướng tới nhiều đối tượng; giữ vững đoàn kết nội bộ, xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh.