Kho bạc Nhà nước Ninh Bình: 30 năm xây dựng và trưởng thành

PV.

Trải qua 30 năm (01/4/1992 -1/4/2022) xây dựng và trưởng thành, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Ninh Bình đã có những bước phát triển nhanh, vững chắc và toàn diện. Có được kết quả này chính là nhờ sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức KBNN Ninh Bình đã đồng lòng, chung sức, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 30 năm (01/4/1992 -1/4/2022) xây dựng và trưởng thành của KBNN Ninh Bình.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 30 năm (01/4/1992 -1/4/2022) xây dựng và trưởng thành của KBNN Ninh Bình.

Những dấu ấn nổi bật

Trong những năm qua, được sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Tài chính, KBNN Trung ương, sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao của các thế hệ cán bộ, công chức, KBNN Ninh Bình đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Ninh Bình, cũng như sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Năm 2021, đơn vị đã thực hiện thu NSNN trên địa bàn là 20.956 tỷ đồng, bằng 524 lần so với năm 1992. Số chi NSNN năm 2021 là 23.285 tỷ đồng, gấp 270 lần so với năm 1992. Số đơn vị giao dịch, số tài khoản hoạt động và doanh số hoạt động ngày càng tăng. Đến năm 2021, số tài khoản hoạt động là 10.049 tài khoản của 1.317 đơn vị, gấp 6,5 lần; doanh số hoạt động là 181.837 tỷ đồng, gấp 118 lần so với năm 1992 .

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, trong từng giai đoạn, KBNN Ninh Bình còn tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao như: Phát hành công trái xây dựng Tổ quốc, trái phiếu chính phủ; quản lý, cấp phát và cho vay Chương trình 327, Chương trình 773, Chương trình 5 triệu ha rừng; cho vay giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120 của Chính phủ; thanh toán, chi trả trực tiếp cho các đối tượng hưởng tiền bảo hiểm xã hội... 

Đặc biệt, KBNN Ninh Bình chú trọng việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ, thực sự trở thành công cụ quan trọng để triển khai các đề án hiện đại hoá hoạt động KBNN, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu quản lý của Ngành. Đến nay, toàn bộ hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc đã được tin học hoá trên nền tảng công nghệ hiện đại, nối mạng nội bộ và mạng diện rộng tới các cấp, các ngành, các đơn vị và từng bước được nâng cấp, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo chiến lược phát triển của Ngành, cơ bản hình thành Kho bạc điện tử.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm (01/4/1992 -1/4/2022) xây dựng và trưởng thành, Tổng Giám đốc KBNN Trần Quân đánh giá cao kết quả đạt được của KBNN Ninh Bình trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành. KBNN Ninh Bình đã có những bước phát triển nhanh, vững chắc và toàn diện. Các thế hệ lãnh đạo, công chức KBNN Ninh Bình luôn trân trọng, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu được vun đắp trong nhiều năm qua, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đồng lòng, sáng tạo, hăng hái thi đua lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, luôn đi đầu trong việc tham gia triển khai các đề án, chính sách lớn của ngành Tài chính và hệ thống KBNN, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình và đất nước. 

Đồng bộ các giải pháp quản lý, điều hành ngân quỹ quốc gia an toàn, hiệu quả

Tổng Giám đốc KBNN Trần Quân nhấn mạnh, trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và cải cách nền Tài chính quốc gia, trách nhiệm của hệ thống KBNN nói chung, KBNN Ninh Bình nói riêng trong năm 2022 và những năm sắp tới sẽ ngày càng nặng nề. Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của tỉnh Ninh Bình và hệ thống KBNN, KBNN Ninh Bình cần tiếp tục cải cách, hiện đại hóa mạnh mẽ để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ các đơn vị sử dụng NSNN. Đặc biệt là, đề cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, bảo đảm an toàn tuyệt đối tiền, tài sản của Nhà nước giao quản lý; coi trọng và làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng nội bộ đoàn kết, vững mạnh; quan tâm bồi dưỡng, phát triển đội ngũ lãnh đạo, công chức đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Với quyết tâm nỗ lực vượt khó, đồng lòng, chung sức, KBNN Ninh Bình đã, đang triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; thực hiện tốt vai trò tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền trong việc quản lý, điều hành NSNN trên địa bàn, đặc biệt luôn là cầu nối trong việc phối hợp công tác điều hành ngân sách trên địa bàn và cầu nối phối hợp giữa KBNN Trung ương với các cơ quan địa phương; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu trên địa bàn tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN; thực hiện kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, đáp ứng kịp thời các yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năng động của Tỉnh.

Thứ hai, bám sát chương trình công tác năm 2022 của ngành Tài chính và hệ thống KBNN để triển khai có hiệu quả kế hoạch công tác năm 2022 của KBNN Ninh Bình. Trong đó, quan tâm thực hiện tốt công tác cải cách, hiện đại hóa; nâng cao tinh thần trách nhiệm, phong cách giao tiếp, ứng xử của công chức trong thực thi công vụ; chủ động báo cáo, phản ánh về KBNN các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, những bất cập về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, chương trình ứng dụng để kịp thời sửa đổi, hoàn thiện.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác luân phiên, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 30/8/2021 của Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính và Quyết định 2028/QĐ-BTC ngày 21/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đặc biệt là đối với công chức trong diện quy hoạch nhằm đào tạo, bồi dưỡng lực lượng kế cận. Chất lượng nguồn nhân lực của KBNN Ninh Bình đã có nhiều thay đổi so với những giai đoạn trước, trình độ đại học trở lên chiếm 93,7%, chuyên viên chính, chuyên viên và tương đương chiếm 79,6%. 

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và quản lý nội bộ, đặc biệt là hoạt động nghiệp vụ tiềm ẩn rủi ro cao. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát, đề nghị KBNN Ninh Bình tăng cường việc kiểm tra, giám sát trên Dịch vụ công trực tuyến, kiểm tra đột xuất các đơn vị trực thuộc để kịp thời chấn chỉnh tồn tại, sai sót góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Thứ năm, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; trong đó cần đẩy mạnh việc xây dựng hình ảnh, phối hợp với các sở ban ngành của địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyền hướng tới nhiều đối tượng; giữ vững đoàn kết nội bộ, xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh.