Kho bạc Nhà nước nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
Hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ khách hàng, trong thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức thực hiện, đẩy mạnh cải cách trên nhiều lĩnh vực.
Trong năm 2020, KBNN đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP quy định 11 TTHC thuộc lĩnh vực KBNN. So với trước đây, quy định tại Nghị định đã cắt giảm nhiều thành phần hồ sơ; đơn giản các mẫu tờ khai; giảm thời hạn giải quyết của tất cả TTHC; đồng thời, bổ sung thêm quy định việc gửi, nhận và trả kết quả kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN.
Trên cơ sở đó, KBNN đã rà soát, trình Bộ Tài chính sửa đổi các thông tư hướng dẫn và hoàn thiện các quy trình nội bộ của KBNN. Quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo đúng quy định, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc đánh giá tác động của chính sách đối với lợi ích của người dân, tổ chức và việc tham gia của người dân, tổ chức đối với quá trình xây dựng các văn bản.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý cao, đầy đủ và đồng bộ cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của KBNN và tạo nhiều thuận lợi cho người dân, tổ chức.
Cụ thể, đối với thủ tục thuộc lĩnh vực thu NSNN, đã mở rộng không gian, thời gian nộp NSNN, đa dạng hình thức và địa điểm thu nộp NSNN, giảm thời gian nộp tiền cho người nộp thuế từ 30 phút xuống còn 5 phút/giao dịch. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế; tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực trong công tác tổ chức thu NSNN; góp phần tập trung nhanh, đầy đủ nguồn thu cho NSNN và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Đối với thủ tục kiểm soát chi NSNN, quy trình, thủ tục được đơn giản hóa; thời gian kiểm soát được rút ngắn từ 07 ngày xuống còn 03 ngày làm việc đối với các khoản chi đầu tư, 01 ngày làm việc đối với các khoản chi "thanh toán trước, kiểm soát sau", trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong chu trình chi NSNN được phân định rõ ràng; áp dụng kiểm soát chi theo rủi ro, kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi; cơ chế kiểm soát cam kết chi từng bước được hoàn thiện, tiệm cận với thông lệ quốc tế, góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán.
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số của Chính phủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, ngay từ năm 2018, KBNN đã chủ động triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Theo đó, KBNN là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành Tài chính hoàn thành việc thực hiện DVCTT toàn trình đối với tất cả các TTHC thuộc lĩnh vực KBNN; 100% các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT của KBNN; số lượng giao dịch chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng qua DVCTT đạt trên 99%; trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 chứng từ chi NSNN qua DVCTT của KBNN.
Song song với đó, KBNN cũng thực hiện cung cấp 11/11 TTHC thuộc lĩnh vực KBNN lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Qua đó góp phần rút ngắn thời gian giải ngân, tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình nộp hồ sơ thanh toán, công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết hồ sơ TTHC và từng bước hướng tới kiểm soát chi điện tử.
Ngoài ra, KBNN đã nghiên cứu, phát triển nhiều tiện ích mới để phục vụ khách hàng như: Cung cấp tính năng tra cứu số dư tài khoản và trạng thái hồ sơ kiểm soát chi qua ứng dụng trên thiết bị di động; xây dựng và triển khai cổng dữ liệu nhận lệnh hoàn phí, lệ phí, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia; thí điểm công nghệ ký số từ xa (Remote-signing) trên DVCTT tại các đơn vị sử dụng ngân sách…
Phát huy những kết quả đã đạt được cũng như để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, KBNN cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC và các quy trình nội bộ; tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.
Bên cạnh đó, KBNN cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ theo Kiến trúc tổng thể hệ thống công nghệ thông tin của KBNN.