Kho bạc Nhà nước tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, hình thành Kho bạc điện tử
Xác định công nghệ thông tin là khâu đột phá để thúc đẩy cải cách, thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng và triển khai kiến trúc tổng thể về hệ thống công nghệ thông tin của Kho bạc Nhà nước, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tài chính - ngân sách và hình thành Kho bạc điện tử.
Phát triển đồng bộ, đáp ứng mục tiêu hiện đại hoá
Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã xây dựng và triển khai kiến trúc tổng thể về hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của KBNN, trong đó, hệ thống TABMIS đóng vai trò là trung tâm, kết nối, trao đổi dữ liệu và cung cấp thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời cho các cấp chính quyền và cơ quan tài chính trong quá trình quản lý điều hành.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng CNTT (hệ thống máy chủ, máy trạm, trung tâm dữ liệu...) đã được KBNN đầu tư và phát triển đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu hiện đại hoá CNTT.
Hệ thống an toàn CNTT của KBNN được xây dựng theo chuẩn thông lệ quốc tế. Chính sách an toàn bảo mật thông tin cũng đã được đẩy mạnh xây dựng, triển khai. Qua đó, phần nào hạn chế tối đa các nguy cơ gây mất an toàn thông tin, giúp cho các hệ thống ứng dụng CNTT của KBNN hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả. Thành công nổi bật trong ứng dụng CNTT vào công tác quản lý của KBNN chính là nỗ lực triển khai hạ tầng CNTT của KBNN theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây, vừa đảm bảo hạ tầng CNTT hoạt động ổn định, đồng thời sử dụng linh hoạt, hiệu quả hạ tầng mạng, máy chủ, lưu trữ.
Thời gian qua, KBNN liên tục hoàn thiện các ứng dụng CNTT khác theo mô hình tập trung có kết nối với hệ thống TABMIS nhằm đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tài chính - ngân sách và hình thành Kho bạc điện tử. Cụ thể, từ năm 2018, KBNN đã triển khai dịch vụ công trực tuyến của KBNN và từng bước mở rộng phạm vi trên toàn quốc.
Trong năm 2019, KBNN đã triển khai tới 100% các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước giao dịch tại KBNN cấp tỉnh, KBNN quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Các đơn vị giao dịch với KBNN huyện, thuộc kế hoạch 2020 cũng đã triển khai dịch vụ công trực tuyến đến nhiều đơn vị sử dụng ngân sách.
Tính đến hết tháng 3/2020, 100% số đơn vị đã thực hiện giao dịch với KBNN cấp tỉnh, quận, thị xã, tương đương trên 28.000 đơn vị tham gia dịch vụ công trực tuyến. Dự kiến đến hết 31/12/2020, 100% số đơn vị giao dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc. Thông số này thể nỗ lực rất lớn của cả hệ thống KBNN nhằm hỗ trợ tối đa cho thu nộp ngân sách.
Qua đó, hệ thống KBNN đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm như: Hệ thống thông tin tích hợp ngân sách và kho bạc TABMIS với 15.000 người sử dụng và trên 8.000 người sử dụng đồng thời; hệ thống dịch vụ công phục vụ trên 55.000 đơn vị sử dụng ngân sách tính đến cuối năm 2019…
98% giao dịch thu ngân sách bằng hình thức điện tử
Cùng với TABMIS và dịch vụ công trực tuyến, KBNN đã triển khai hệ thống thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại và thanh toán liên ngân hàng với Ngân hàng nhà nước Việt Nam. KBNN đã triển khai hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu ngân sách điện tử với các ngân hàng thương mại theo mô hình tài khoản và kỹ thuật tập trung. Đây là một bước tiến lớn trong công tác quản lý ngân quỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế; giảm thời gian thực hiện 1 giao dịch thu nộp NSNN và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN.
Cùng với đó, KBNN đã triển khai thêm các ứng dụng để phục vụ đầy đủ các chức năng của KBNN như: Thanh toán điện tử Liên kho bạc; ứng dụng Tổng kế toán nhà nước; ứng dụng dự báo luồng tiền trong KBNN; ứng dụng Quản lý trái phiếu Chính phủ phát hành tại KBNN trung ương... Theo thống kê, hiện nay đã có 98% giao dịch thu NSNN được thực hiện bằng hình thức điện tử liên thông ngân hàng - kho bạc - thuế - hải quan, chỉ còn khoảng 2% số lượng giao dịch thu NSNN thực hiện thủ công chủ yếu liên quan đến thu phạt, lệ phí hành chính ở địa phương.
Hiện nay KBNN đang nghiên cứu mô hình, thông lệ tốt về xây dựng hệ thống thông qua việc tham gia các hội nghị quốc tế; xây dựng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, đến năm 2030, toàn bộ các hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ của KBNN được thực hiện trong môi trường số và trên nền tảng các ứng dụng CNTT hiện đại, có sự kết nối, liên thông với các bộ, ngành, địa phương để hướng tới hình thành kho bạc số.