Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh giải ngân khoảng 900 tỷ mỗi tuần
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai 1.643 dự án đầu tư công với tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2020 là 42.139 tỷ đồng, việc giải ngân hết số vốn này sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Kế hoạch vốn giải ngân cần thực hiện từ nay đến 31/1/2021 là 18.843 tỷ đồng, do đó mỗi tuần phải giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 trên 1 ngàn tỷ đồng.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công
Theo Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 9/2020 các đơn vị, địa phương đã thực hiện giải ngân số vốn 23,2 ngàn tỷ đồng trên tổng kế hoạch vốn 42,1 ngàn tỷ đồng dành cho 4.839 dự án, đạt tỷ lệ 55,3%.
Trước đó, đến hết ngày 31/7, Thành phố đã giải ngân 20.059,960 tỷ đồng, đạt 47,6% tổng kế hoạch vốn đã giao (42.139,316 tỷ đồng), cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ. Nếu tính luôn khối lượng hoàn thành chưa quyết toán và số vốn đã chi cho các dự án nhưng chưa hoàn trả tạm ứng là 1.470,199 tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân đạt 51,1% kế hoạch vốn đã giao.
Trung bình hiện nay Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh giải ngân khoảng 500 tỷ mỗi tuần, tuần cao nhất khoảng 600 tỷ đồng. Để thực hiện hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công trong năm 2020, từ nay tới cuối năm, kế hoạch vốn giải ngân cần thực hiện đến 31/1/2021 là 18.843 tỷ đồng, do đó mỗi tuần Kho bạc phải giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 trên 1 ngàn tỷ đồng.
Để thực hiện được khối lượng công việc lớn, Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, các quận, huyện, sở, ngành cần đôn đốc nhà thầu đẩy mạnh thi công để có khối lượng nghiệm thu để thanh toán. Đối với dự án mới cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc. Ngoài ra còn biện pháp mạnh là nếu đến ngày 30/9 dự án không giải ngân được thì tiến hành điều chỉnh vốn sang các dự án khác.
Thống kê TP. Hồ Chí Minh hiện nay có 126 dự án chậm thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là do bồi thường giải phóng mặt bằng của các đơn vị chủ đầu tư trên địa bàn thành phố còn chậm, kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn. Đồng thời, công tác triển khai thực hiện và giải ngân vốn ODA vay lại của các dự án còn vướng về mặt thủ tục; trong đó, khó khăn lớn nhất chủ yếu đến từ Dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) với kế hoạch vốn ODA vay lại được giao là 9.946 tỷ đồng (chiếm gần 30% tổng kế hoạch vốn của cả Thành phố).
Theo Giám đốc KBNN TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Hải, kể từ sau hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do đơn vị chủ trì tổ chức vào cuối tháng 8/2020 đến nay kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
6 giải pháp TP. Hồ Chí Minh phấn đấu cả năm 2020 giải ngân đạt trên 95%
Phát biểu tại cuộc họp bàn về giải ngân đầu tư công vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Thứ nhất, thực hiện nghiêm Kết luận số 7 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 84 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19. Dự kiến đầu tháng 9, TP. Hồ Chí Minh sẽ ban hành Chương trình hành động thực hiện trong 3 tháng cuối năm 2020 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế nhằm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư trong việc giải ngân, trường hợp tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu đề ra thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 và không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan. Duy trì thường xuyên họp giao ban công tác giải ngân đầu tư công 2 tuần/lần. Rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án và điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
Thứ ba, hưởng ứng đợt 3 phong trào thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp, TP. Hồ Chí Minh đã giao các các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý hồ sơ công việc so với quy trình cơ quan, đơn vị đang triển khai hiện nay, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện dự án, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng khâu thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ thi công dự án. Phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân. Từ đó, lựa chọn một số dự án trọng điểm giải ngân thấp để thảo luận, giải quyết trong Tổ công tác liên ngành về đầu tư của TP. Hồ Chí Minh .
Thứ năm, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất. Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 27 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh . Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng xong hệ số điều chỉnh giá đất của 187 dự án tại 24 quận, huyện để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Dự kiến đầu tháng 9 sẽ ban hành để triển khai thực hiện.
Thứ sáu, định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án của các chủ đầu tư và công khai danh sách các cơ quan, đơn vị chậm giải ngân.