Khó khăn kinh tế thế giới có thể tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2023
Nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều đang suy yếu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Vậy, kinh tế Việt Nam sẽ ra sao để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% như Quốc hội đề ra?
Dự báo 1/3 kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong năm 2023
Khó khăn kinh tế thế giới tác động đến triển vọng toàn cầu. Khó khăn trên dự kiến sẽ ảnh hưởng lâu dài tới nền kinh tế Việt Nam, ít nhất trong nửa đầu năm 2023 và ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, Tổng cục Thống kê cho hay.
Năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,02%; trong đó các khu vực kinh tế đều đạt những kết quả đáng khích lệ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế với kết quả tăng trưởng ấn tượng của ngành thủy sản; ngành nông, lâm nghiệp phát triển ổn định.
Khu vực công nghiệp và xây dựng cũng đã có mức tăng trưởng tương đối cao. Khu vực dịch vụ cũng đã có sự phục hồi bắt đầu từ quý II và tăng trưởng đỉnh cao trong quý III kể từ khi Việt Nam kiểm soát và thực hiện chính sách sống chung với dịch COVID-19.
9 tháng đầu năm là một bức tranh tươi sáng cho kinh tế Việt Nam, thì 3 tháng cuối năm, bức tranh đang trở nên u ám do tác động của khu vực công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ lực có xu hướng tăng trưởng chậm thậm chí tăng trưởng âm như ngành sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất thiết bị điện, khai thác than, dệt may, da giầy… giảm tốc trong quý IV.
Tình trạng doanh nghiệp giải thể, người lao động buộc phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm đang phổ biến. Nguyên nhân của tình trạng này đến nhiều từ yếu tố bên ngoài và một phần yếu tố trong nước. Cụ thể:
Các yếu tố bên ngoài tác động đến là do nhu cầu tiêu dùng quốc tế đang suy yếu: Chính sách tiền tệ thắt chặt ở Mỹ và các nước châu Âu nhằm kiểm soát lạm phát khiến tiêu dùng bị sụt giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị cắt giảm đơn hàng hoặc đơn hàng lẻ tẻ nên buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Cùng với đó là do thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Bởi Trung Quốc đóng cửa các nhà máy, đóng cửa nền kinh tế do thực thi chính sách Zero COVID đã dẫn đến làn sóng đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu của thế giới.
Điều này tác động mạnh và trực tiếp tới Việt Nam bởi nhiều ngành hàng của Việt Nam bị phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như dệt may, hóa chất, sản xuất kim loại, sản xuất điện tử...
Mặt khác, do chi phí đầu vào tăng cao do các yếu tố phi kỹ thuật như cuộc chiến tranh Nga - Ucraina kéo dài từ đầu năm đã chia cắt cung - cầu thế giới đồng thời chia cắt các hướng tiếp cận thị trường quốc tế của Việt Nam.
Thách thức nào đang đợi kinh tế Việt Nam 2023?
Các yếu tố bên trong tác động đến như lãi suất trong nước tăng mạnh, đặc biệt lãi suất huy động thỏa thuận trên thị trường đang rất cao.
Lãi suất cao khiến tiêu dùng cuối cùng sẽ suy giảm, sản xuất trở nên khó khăn hơn do chi phí sản xuất tăng cao ảnh hưởng lớn đến kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp.
Vấn đề đầu tư công triển khai chậm so với kế hoạch: Vướng mắc ở nhiều khâu triển khai thực hiện khiến đầu tư công hiện đang bị tắc nghẽn, đặc biệt là vấn đề về thể chế, các quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai đầu tư công ở hầu khắp các địa phương và bộ, ngành. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch khôi phục kinh tế của Việt Nam.
Năng lực nội tại của khối doanh nghiệp chưa phục hồi từ đại dịch, cộng với những khó khăn về thị trường, đơn hàng, nguồn hàng khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, giãn giờ làm việc do thiếu hụt đơn hàng, sản xuất khó khăn, chi phí sản xuất ngày càng tăng cao.
Nhận định về năm 2023, Tổng cục Thống kê đánh giá, bên cạnh những dự báo khó khăn trong lĩnh vực sản xuất và xuất, nhập khẩu thì có thể tiêu dùng của hộ cư dân cũng sẽ chịu ảnh hưởng khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, việc làm giảm, lao động nghỉ việc sẽ tác động lớn tới thói quen chi tiêu dùng.
Cầu tiêu dùng giảm cũng sẽ tác động ngược tới cung trong nước và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Đó là một bài toán cần đặt ra trong năm tới.
TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế dự báo lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi. Xuất khẩu có thể giảm trong quý I-II/2023, nhưng sẽ phục hồi và tăng vào quý III.
Như vậy, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III nhờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đồng thời thị trường bất động sản phục hồi nhẹ từ quý IV/2023.