Khoảng trống nhân lực 4.0
Để chuẩn bị lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0, một trong những yêu cầu đặt ra là cần có chiến lược đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động. Muốn vậy, không chỉ các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mà chính các doanh nghiệp cũng phải nhập cuộc mạnh mẽ.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Samsung Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), nhóm nghiên cứu của VCCI đã thực hiện một nghiên cứu về "Thực trạng tham gia của doanh nghiệp tại Việt Nam trong nâng cao năng lực cho người lao động phục vụ công nghiệp 4.0 và hàm ý cho hợp tác công tư".
Nhiều rào cản, thiếu chủ động
Hiện có đến gần một nửa số doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị gì về lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0 và 39,4% số doanh nghiệp mới dừng lại ở giai đoạn xây dựng kế hoạch. Chỉ có 11,8% số doanh nghiệp khảo sát đã có kế hoạch về lực lượng lao động nhưng chưa triển khai và 6% số doanh nghiệp đã có kế hoạch và đang triển khai có kết quả. Thực tế từ cuộc khảo sát này cho thấy, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chậm trễ trong việc chuẩn bị lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0.
Có gần 80% số doanh nghiệp đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động. Doanh nghiệp dành nhiều sự quan tâm nhất trong đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao thêm một số kỹ năng mà người lao động đã sẵn có, tiếp đó là đào tạo cho lao động chưa có kỹ năng. Doanh nghiệp coi trọng hơn vai trò của các cơ sở đào tạo bên ngoài trong việc đào tạo các kỹ năng mới, kỹ năng liên quan đến công nghiệp 4.0, còn những việc đào tạo cho lao động chưa có kỹ năng hay nâng cao kỹ năng thì doanh nghiệp có xu hướng tự làm nhiều hơn.
Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng lao động bên ngoài vẫn còn hạn chế, nhưng hai phần ba doanh nghiệp từng thực hiện hợp tác trong đào tạo đánh giá kết quả tương đối khả quan. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, vẫn chú trọng nhiều hơn vào sự liên kết với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoặc cùng chuỗi cung ứng để cùng đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động, vì hơn ai hết, họ là người hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng của người lao động trong doanh nghiệp cũng như trong chuỗi cung ứng.
Mô hình hợp tác theo các dự án hỗ trợ của nhà nước cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Bởi họ cho rằng, Nhà nước có vai trò quan trọng trong thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo thông qua định hướng phát triển các kỹ năng nghề theo chiến lược phát triển kinh tế, hoặc hỗ trợ về mặt tài chính.
Hiện nay, trong hợp tác với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp chủ yếu liên kết hoặc đặt hàng cơ sở đào tạo để đào tạo chính quy hoặc nâng cao năng lực. Doanh nghiệp vẫn chưa tham gia sâu hơn trong quá trình đào tạo, từ khâu tham gia xây dựng chương trình, cử cán bộ chuyên gia tham gia giảng dạy, đến khâu đánh giá kết quả đầu ra của đào tạo. Bởi vậy, đây cũng là những hình thức mà các doanh nghiệp mong muốn sẽ được tham gia nhiều hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, yếu tố bên ngoài ngăn cản doanh nghiệp tham gia liên kết đào tạo là thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Một số yếu tố khác có thể kể đến như thiếu cơ chế hợp tác lâu dài với các cơ sở đào tạo, sự chồng chéo của nhiều cơ quan quản lý hay thiếu sự tin tưởng vào năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo.
Về yếu tố bên trong, hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết là do công nghệ sản xuất của họ đơn giản nên chưa cần nâng cao trình độ kỹ năng lao động, tiếp đến là liên quan đến chi phí đầu tư. Thiếu chuyên gia/nhân lực có khả năng tham gia vào quá trình đào tạo hoặc thiếu máy móc, công nghệ đáp ứng yêu cầu đào tạo là trở ngại của khoảng một phần ba doanh nghiệp.
Ðào tạo thích ứng với thị trường
Muốn thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo, nhà nước cần xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề đáp ứng công nghiệp 4.0 và thiết kế, đổi mới chương trình đào tạo kỹ năng nghề tích hợp nội dung công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, cũng cần xác định những ngành chiến lược ưu tiên để có kế hoạch đầu tư, đào tạo nghề gắn liền việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Điều quan trọng không kém, Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê nhu cầu lao động trong các ngành, làm cơ sở dự báo về xu hướng phát triển của thị trường lao động và kỹ năng cần đào tạo.
Xét tổng thể lực lượng lao động, kỹ năng được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất chính là kỹ năng xã hội và kỹ năng cá nhân, tiếp đến là kỹ năng tư duy và công nghệ, cuối cùng là kỹ năng kỹ thuật số và lập trình.
Về phía các cơ sở đào tạo, việc cần nhất là nâng cao năng lực đào tạo, đi kèm với đó là gắn kết đào tạo lao động với nhu cầu thị trường theo hướng công nghiệp 4.0 để bảo đảm học viên sau đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Các cơ sở đào tạo nên có cam kết rõ ràng về chuẩn đầu ra và cùng với doanh nghiệp thống nhất quy chế đánh giá học viên.
Cuối cùng, về phần mình, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược và phân bổ nguồn lực cho đào tạo lao động, chủ động phối hợp cơ sở đào tạo trong cập nhật các tiêu chuẩn nghề nghiệp mới, cập nhật công nghệ mới, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Các doanh nghiệp cần mạnh dạn thử nghiệm phương thức đào tạo mới, ứng dụng công nghệ trong nâng cao năng lực lao động như: dạy học trực tuyến, dạy học qua phần mềm, qua các nền tảng đa phương tiện để thích ứng bối cảnh mới.