Khởi công xây dựng đường dây 500 kV từ Vũng Áng đến Pleiku

Theo Xuân Tuyến/baochinhphu.vn

Sáng 18/12, tại Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phát lệnh khởi công xây dựng thêm 740 km đường dây truyền tải điện 500 kV. Đây là công trình có vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu thực hiện lễ khởi công dự án.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu thực hiện lễ khởi công dự án.

Tham dự sự kiện có lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và các địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên, cán bộ công nhân viên ngành điện lực, cùng đại diện người dân địa phương.

Các dự án đường dây 500 kV: NĐ Quảng Trạch-Vũng Áng và sân phân phối 500 kV TTĐL Quảng Trạch, Quảng Trạch-Dốc Sỏi và Dốc Sỏi-Pleiku 2 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) thay mặt EVNNPT quản lý dự án.

Đây là các công trình điện cấp bách trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với mục tiêu tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500 kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới khi hệ thống điện miền Nam không bảo đảm cân đối cung-cầu nội vùng; tối ưu hóa sản xuất-truyền tải điện trong vận hành hệ thống điện quốc gia.

Với tổng chiều dài 740 km, đi qua địa bàn 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai, các dự án này có tổng mức đầu tư trên 11.940 tỷ đồng.

Khi hoàn thành, các công trình này sẽ nâng cao năng lực truyền tải hệ thống 500 kV Bắc-Nam để truyền tải công suất của các nhà máy điện (chủ yếu nhà máy nhiệt điện than) bù đắp cho trường hợp thiếu hụt điện năng cục bộ của từng miền. Đồng thời, sẽ góp phần quan trọng bảo đảm cấp điện và an ninh năng lượng cho miền Nam trong những năm tới.

Phát biểu ngay trước khi phát lệnh khởi công trình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là cấp uỷ, chính quyền và nhân dân 9 tỉnh có dự án đi qua đã tích cực vào cuộc để thực hiện các công việc hỗ trợ cho dự án được khởi công ngày hôm nay.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực của EVN, của các đơn vị tham gia thực hiện dự án (EVNNPT, CPMB, các tổ chức tư vấn, thiết kế, giám sát, các nhà thầu) đã nỗ lực triển khai các bước của dự án.

Góp phần cung ứng đủ điện cho miền Nam

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng dành phần lớn thời gian để nói về nhu cầu và các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt trong những năm tới.

Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng nhu cầu điện bình quân 10%/năm. Hiện tại nước ta có tổng công suất nguồn điện khoảng 48.000 MW nguồn điện. Đến 2025, dự kiến nhu cầu sẽ là 90.000 MW, gấp đôi hiện nay. Đến năm 2030 nhu cầu khoảng 130.000 MW.

Do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, yêu cầu ngành điện phải tập trung đầu tư phát triển các nguồn điện, đồng thời đầu tư nâng cấp, hiện đại hoá mạng lưới truyền tải.

Mặt khác, hiện tại cung cầu điện tại mỗi vùng miền đang có sự mất cân đối. Năm 2018, miền Nam tiêu thụ 90 tỷ kW/h điện, chiếm 47% tổng điện năng tiêu thụ. Trong khi đó, nguồn cung trong khu vực chỉ đạt dưới 35%. Miền Trung và miền Bắc tiêu thụ 53%, nhưng nguồn cung chiếm hơn 60% điện năng cả nước.

“Xu hướng thiếu điện ở phía nam sẽ gia tăng trong những năm tới do công tác đầu tư nguồn điện tại khu vực này đang gặp khó khăn, trong khi các tuyến đường dây 500 kV hiện nay đã đầy tải, có thời điểm quá tải. Do đó, việc đầu tư thêm đường dây truyền tải điện 500 kV mạch 3 từ Vũng Áng đến Pleiku 2 là hết sức cấp bách”, Phó Thủ tướng nói.

Khi hoàn thành, công trình này sẽ góp phần điều hoà, bảo đảm đủ điện cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân các vùng miền, đặc biệt là khu vực phía nam. Đồng thời, góp phần tối ưu hoá sản xuất và truyền tải điện trong vận hành mạng lưới điện quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn năng lượng; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.

“Các công trình đường dây 500 kV này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân trong khu vực và cả nước”, Phó Thủ tướng nói.

Tranh thủ thời gian, thi công khẩn trương

Các dự án đường dây truyền tải điện mạch 3 từ Vũng Áng đến Pleiku và dự án Sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch là dự án có quy mô lớn, phức tạp, đi qua khu vực có địa hình khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra mưa lũ.

Vì vậy, để thực hiện dự án an toàn, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu ra nhiều nhiệm vụ đối với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan để hoàn thành công trình đúng thời hạn.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng, NN&PNTN, TN&MT thực hiện công tác quản lý, đầu tư xây dựng dự án theo thẩm quyền và chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện đầy đủ các phần việc liên quan đến đầu tư xây dựng dự án theo quy định của pháp luật, kịp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án.

“Chủ đầu tư cùng các nhà thầu thực hiện nghiêm công tác quản lý, giám sát, huy động nhân lực, thiết bị, công nghệ, vốn, tranh thủ tối đa thời gian để thực hiện dự án, bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình thực hiện dự án”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời cũng đề nghị chính quyền các cấp của 9 tỉnh của đường dây đi qua tiếp tục tập trung phối hợp cùng chủ đầu tư và các nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân, bảo đảm các yêu cầu về an ninh trật tự, bảo đảm cuộc sống ổn định của người dân sau bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư.

“Tôi mong bà con các vùng có dự án đi qua tiếp tục đồng thuận, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho dự án được thực hiện đúng tiến độ, đạt chất lượng cao nhất”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư hoàn thành các dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này đúng tiến độ, đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần phát triển mọi mặt đời kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.