Khôi phục niềm tin, thúc đẩy thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển bền vững

Hà Phương

Theo các chuyên gia, thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới khi nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo hiểm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tăng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ thì cần triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường.

Niềm tin vào bảo hiểm nhân thọ ngày càng tăng

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Trên thị trường có sự tham gia của 19 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ. Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã dần ngày càng trở nên quên thuộc với một bộ phận không nhỏ người dân.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong quý III/2024, doanh thu khai thác mới khối bảo hiểm nhân thọ đạt hơn 5.934 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (5.874 tỷ đồng).

Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường đạt 17.998 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường đạt 17.998 tỷ đồng.

Mức tăng của quý III còn khiêm tốn, nhưng đây được xem là tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính - bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.

Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường đạt 17.998 tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Bảo Việt Nhân thọ đạt 2.927 tỷ đồng, tiếp đến là Prudential đạt 2.785 tỷ đồng, Dai-ichi Life đạt 2.772 tỷ đồng, Manulife đạt 1.889 tỷ đồng và FWD đạt 1.120 tỷ đồng.

Dù quý III/2024 tăng trưởng dương, song cộng với mức giảm từ 2 quý trước đó nhưng tính chung doanh thu phí 3 quý đầu năm vẫn giảm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 106.504 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 56,4%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16,3%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 12,7%; sản phẩm bán kèm chiếm tỷ trọng 12,4%.

Các sản phẩm bảo hiểm còn lại (sản phẩm bảo hiểm trọn đời, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ, sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ, sản phẩm bảo hiểm hưu trí, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ) chiếm tỷ trọng 2,2%.

Tính đến cuối tháng 9/2024, số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 11.699.249 hợp đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (chiếm tỷ lệ 56,9%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (chiếm tỷ lệ 24,3%).

Trong 9 tháng qua, hơn 40 nghìn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho khách hàng, bao gồm quyền lợi đáo hạn bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm và các khoản chi khác.

Đánh giá về kết quả trên, ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, chỉ số tăng trưởng dương cho thấy niềm tin, sự lạc quan đã dần quay lại với thị trường bảo hiểm nhân thọ, dù còn nhiều khó khăn phía trước để giữ vững đà tăng này.

Cùng với đó, các DNBH đã liên tục triển khai các hoạt động hướng về khách hàng, như đơn giản hóa quy trình, giới thiệu các sản phẩm đa dạng phù hợp với các phân khúc khác nhau, nâng cao quyền lợi bảo vệ, chăm sóc khách hàng…

“Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và người tiêu dùng vẫn đang thận trọng trong chi tiêu, các DNBH nhân thọ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao trải nghiệm khách hàng ở mọi điểm chạm, hướng đến những kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới”, ông Ngô Trung Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh kết quả trên, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.

Làm rõ những tồn tại, thách thức trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Khoa Tài chính Ngân hàng và Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cho biết, việc đầu tư công nghệ của các DNBH còn thiếu đồng bộ, kém hiệu quả. Hiện tại, hệ thống công nghệ thông tin của các DNBH chưa cập nhật được từng hợp đồng bảo hiểm phát sinh, chưa phân loại được khách hàng, rủi ro bảo hiểm, chưa phân tích đánh giá được nguyên nhân, mức độ rủi ro tổn thất, còn nhiều lỗ hổng để trục lợi bảo hiểm.

Một thách thức khác là việc đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục bồi thường giảm phiền phức cho khách hàng chưa được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc trong thu thập hồ sơ chứng từ để giải quyết bồi thường cho nạn nhân khi những hồ sơ chứng từ này buộc phải lấy từ cơ quan có thẩm quyền như công an, bệnh viện...

Thúc đẩy thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển bền vững

Để giải quyết những khó khăn, thách thức trên, cũng như hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ theo Quyết định số 07/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, thời gian tới cần triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm để thị trường bảo hiểm nhân thọ vận hành theo chuẩn mực quốc tế.

Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ cần tăng cường năng lực tài chính, quản trị tài chính, từ đó tăng sức cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ cần tăng cường năng lực tài chính, quản trị tài chính, từ đó tăng sức cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Để các chủ thể tham gia thị trường bảo hiểm nhân thọ đảm bảo minh bạch, đúng quy định, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi gắn với tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các DNBH nói chung và các DNBH nhân thọ nói riêng.

Đồng thời, xử lý nghiêm khắc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trục lợi, không tuân thủ các yêu cầu tài chính của các DNBH nhân thọ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia bảo hiểm.

Hai là, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước thông qua đổi mới phương thức và nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với kinh doanh bảo hiểm; khuyến khích các DNBH nhân thọ mở rộng thị trường kinh doanh.

Ba là, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ cần tăng cường năng lực tài chính, quản trị tài chính, từ đó tăng sức cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và quy định pháp luật.

Đồng thời, các DNBH xây dựng đầy đủ hệ thống quản trị rủi ro, kịp thời phát hiện được các rủi ro phát sinh từ hoạt động nghiệp vụ, hoạt động tài chính và quản trị DN nhằm đo lường rủi ro, đánh giá rủi ro, kiểm soát và loại bỏ rủi ro, giám sát và đánh giá lại rủi ro của từng hoạt động và các rủi ro liên quan đến các hoạt động này.

Bốn là, khuyến khích DNBH phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới, lấy khách hàng làm trọng tâm, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nhiều hoạt động kinh tế và đời sống. Theo đó, các DNBH nhân thọ nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm dành cho người già; các sản phẩm bảo hiểm tích hợp các dịch vụ hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người tham gia bảo hiểm.

Năm là, các DNBH nhân thọ cần đẩy mạnh chuyển đổi số công tác quản lý, phát triển và sử dụng các nền tảng số để thúc đẩy phát triển và tối ưu hóa các sản phẩm bảo hiểm mới, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng.

 

Tính đến cuối tháng 9/2024, số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 11.699.249 hợp đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (chiếm tỷ lệ 56,9%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (chiếm tỷ lệ 24,3%).