Khởi sắc đơn hàng Dệt may cuối năm 2024
Ngành Dệt may Việt Nam dần hồi phục với kỳ vọng đơn hàng ổn định cho cuối năm 2024, tuy nhiên vẫn chịu áp lực lớn do thiếu nhân lực, yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu và sự cạnh tranh khốc liệt với các nước xuất khẩu dệt may khác.
Ổn định đơn hàng đến cuối năm
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế 6 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu của hàng dệt may có sự tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 16,5 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu theo tháng cũng đã tăng trưởng trở lại trong tháng 6/2024, đạt 3,16 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ, nhờ sự tăng trưởng 2% tại thị trường Mỹ trong khi các thị trường khác vẫn còn yếu.
Hình 1: Giá trị xuất khẩu dệt may tăng trở lại trong tháng 6/2024 (triệu USD)
Giá trị nhập khẩu của mặt hàng vải đạt 7,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm tăng 12,7% so với cùng kỳ, trong khi giá trị xuất khẩu vải tháng 6 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Giá bán của các loại sợi cũng đã tăng trưởng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, mức tăng đột biến của chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 6/2024 lên 54,7 điểm cũng báo hiệu cho hoạt động sản xuất lạc quan trong nửa cuối năm 2024.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), những tín hiệu tích cực từ giá bán các loại sợi và giá trị vải nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian qua là chỉ báo sớm cho đơn hàng tăng theo. Do đó, ngành Dệt may được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2024.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, xuất khẩu dệt may đang quay lại đà phục hồi, các doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đến hết quý III và cuối năm 2024. Ngành Dệt may Việt Nam có sự khởi sắc là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên.
Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Vitas để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng hoá thị trường và khách hàng.
“Đơn hàng bắt đầu ổn định, có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 10 và 11/2024. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn về cuối năm với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024”, ông Giang thông tin thêm.
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, hầu hết doanh nghiệp ngành May đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024 – mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.
Ông Hiếu dự báo, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng từ 8-10% so với năm 2023. Riêng với Tập đoàn, tín hiệu tích cực hơn từ thị trường, đặc biệt là ngành sợi, 6 tháng cuối năm kết quả sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn kỳ vọng.
Kỳ vọng càng lớn, áp lực càng cao
Lạc quan về số lượng đơn hàng ổn dịnh, nhưng Chủ tịch Vitas cũng lo ngại về không ít thách thức đang “bủa vây” ngành Dệt may trong thời gian tới. Ông Giang cho rằng, doanh nghiệp sản xuất cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mới do khách hàng có thay đổi yêu cầu, thường đặt đơn hàng nhỏ, số lượng ít, đơn giá thấp, thời gian giao hàng ngắn.
Người tiêu dùng có xu hướng mua hàng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, nhu cầu sản phẩm đa dạng hơn. Trong khi đó, ở các thị trường như EU, Mỹ, yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững từ nguyên liệu, lao động, thiết bị đến năng lượng, vận chuyển đều được luật hoá và triển khai đồng bộ.
“Doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện với thách thức tiêu chuẩn “kép” của các nước nhập khẩu. Các nước này luôn tìm ra một kẽ hở để đưa ra tiêu chuẩn và doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ”, ông Giang chia sẻ
Bên cạnh đó, ngành Dệt may Việt Nam cũng chịu áp lực ngày càng lớn về lực lượng lao động. Cụ thể, đến hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành đang thiếu khoảng 500.000 lao động; trong đó, tập trung vào lao động có tay nghề, lao động cấp trung, quản lý, thiết kế sản phẩm.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động dịch chuyển, nghỉ việc và hưởng chế độ một lần ở các đơn vị trong ngành dệt may, nơi giảm ít là 6%, nơi giảm nhiều từ 18-20%.
“Một dây chuyền sản xuất đã ổn định, muốn tuyển công nhân mới phải đào tạo tối thiểu 6 tháng đến 1 năm mới làm được việc. Tuy nhiên, luật lao động quy định người lao động vào làm việc 1 tuần phải ký hợp đồng lao động, nếu không ký là vi phạm luật”, ông Giang cho biết thêm.
Ngoài ra, ngành Dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá từ các nước đối thủ khi dự báo đồng tiền của Bangladesh, Indonesia và Mexico đều mất giá cao so với VND.
Hình 2: Sản phẩm chính của các doanh nghiệp dệt may
Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, Việt Nam sẽ có lợi thế ở mặt hàng có giá trị cao như đồ thể thao, Áo ngực, Áo khoác ngoài và phức tạp như: Găng tay, quần áo nỉ, đồ thể thao đan len hoặc móc, trong khi mất dần lợi thế ở mặt hàng áo khoác, áo len, áo phông. Và mặt hàng giá trị cao thì thường sản lượng sẽ thấp, thời gian vận chuyển nhanh và đòi hỏi tay nghề cao.
Theo đó, các mặt hàng đồ thể thao của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG), CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH), CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM), CTCP Dệt may Huế (UPCoM: HDM) và Tổng Công ty Việt Thắng (HOSE: TVT) được kỳ vọng ít cạnh tranh với Bangladesh trong ngắn hạn.