Khơi thông các điểm nghẽn để tăng trưởng kinh tế

Theo Tô Hà/nhandan.vn

Nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến nhưng rủi ro phía trước vẫn ở mức rất cao. Giải phóng các nguồn lực và mở rộng các động lực tăng trưởng trong nước là cách tiếp cận mới để củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: IPC
Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: IPC

Trở lại với trạng thái bình thường mới, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tiến trình phục hồi bền vững và thích ứng hiệu quả với dịch COVID-19 của nền kinh tế Việt Nam.

Dự báo ở kịch bản thận trọng nhất, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt hơn 7%-7,5%, lạm phát kiểm soát ở mức dưới 4%, dù độ mở kinh tế lớn với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu gấp hai lần GDP và chịu tác động không nhỏ từ yếu tố đình đốn và lạm phát tăng cao của nhiều nền kinh tế lớn thế giới.

Cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách đất đai

Tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 vừa diễn ra, các đại biểu, chuyên gia nhìn nhận: Ngược dòng với xu hướng chung của thế giới, kinh tế Việt Nam đang phục hồi rất tích cực và lấy lại đà tăng trưởng cao. Trong bối cảnh đó, giải phóng các nguồn lực và mở rộng các động lực tăng trưởng trong nước là cách tiếp cận mới để củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, việc hoàn thiện chính sách về đất đai với những cải cách đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai thời gian tới sẽ mang lại tác động tích cực, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống của người dân.

Các nội dung cơ bản được đề cập trong sửa đổi Luật Đất đai lần này là giá đất do Nhà nước quy định phải phù hợp với giá thị trường; cải cách hệ thống thuế sử dụng đất phù hợp với mức thu nhập của người lao động, người dân, đồng thời sử dụng công cụ thuế để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ đất đai, có đất nhưng không đưa đất vào sử dụng để đất hoang hóa.

Đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững, GS, TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường lưu ý đến vấn đề tạo vốn từ đất như thế nào.

Một trong những vấn đề quan tâm nhất hiện nay là quá trình tiếp cận đất đai của doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư, do đó, cần đưa định nghĩa giá thị trường theo tiêu chuẩn luật quốc tế vào Luật Đất đai (sửa đổi); chú trọng thuế chuyển nhượng bất động sản để tính toán theo hướng giảm thuế suất để giá đất thực được ghi nhận trên hợp đồng chuyển quyền; cải cách hệ thống thuế sử dụng đất hay thuế bất động sản hoặc tài sản…

Từ thực tiễn hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư và doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa nhấn mạnh đến yêu cầu đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Trong đó, cần cắt giảm một số thủ tục còn phiền hà như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, lao động… nhằm bảo đảm yêu cầu hoạt động liên tục và khả năng thích ứng của doanh nghiệp.

Đại diện VCCI phân tích: Bên cạnh nhóm chính sách hỗ trợ về giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, người lao động như giảm phí, thuế, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tiền thuê nhà…, nhóm giải pháp tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, điều hành và quản lý nhà nước cũng chính là những giải pháp căn bản nhất, hiệu quả nhất để giảm chi phí cho doanh nghiệp, trở thành động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Đưa vốn vào nền kinh tế thực

Trong các phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, nhiều đại biểu đến từ các hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế tiếp tục nêu những kiến nghị về tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng nhằm hỗ trợ thanh khoản cho cộng đồng sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đề xuất đẩy mạnh gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% cho các đối tượng ưu tiên với quy mô 40 nghìn tỷ đồng.

Thông tin về gói hỗ trợ này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, dự kiến năm 2022 sẽ phân bổ 16.000 tỷ đồng, năm 2023 phân bổ 24.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả giải ngân hiện mới chỉ đạt gần 4.100 tỷ đồng với khoảng 550 khách hàng. Có nhiều nguyên nhân khiến gói hỗ trợ được triển khai chậm, như: Doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực; khách hàng là hộ gia đình không có đăng ký kinh doanh; chưa có tiêu chí thống nhất để đánh giá phương án kinh doanh cụ thể cũng như khả năng phục hồi của doanh nghiệp...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhận diện được những khó khăn trong triển khai thực hiện và đã đề nghị các bộ, ngành liên quan cùng thống nhất triển khai theo phương án khách hàng tự xác định ngành nghề kinh doanh của mình xem có thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất hay không. Về phía ngân hàng thương mại sẽ đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp.

Liên quan đến hạn mức tín dụng, ông Phạm Thanh Hà cho biết, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, cao hơn các năm 2020-2021 (lần lượt là 12,17% và 13,61%).

Đến nay, tăng trưởng tín dụng đã đạt hơn 10%, tốc độ tăng nhanh so cùng kỳ nhiều năm nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công đều chậm, gây áp lực lớn cho tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng đã ở mức rất cao, khoảng 100%, nghĩa là đã sử dụng hết vốn huy động để cho vay.

Trong bối cảnh đó, nếu tăng trưởng tín dụng thêm vài phần trăm sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống, mặt bằng lãi suất lập tức sẽ dâng lên. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia kinh tế. TS. Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tăng trưởng tín dụng 14% là hợp lý cả về ngắn hạn, dài hạn. Nếu nới lỏng hơn, áp lực lên lãi suất, tỷ giá rất lớn, tạo nguy cơ chảy máu vốn.

Ông Thành khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, tập trung dòng vốn vào nền kinh tế thực, vào sản xuất, kinh doanh, hạn chế vốn rót vào lĩnh vực rủi ro.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong giải pháp khơi thông các kênh dẫn vốn khác cho nền kinh tế, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư công…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhận diện được những khó khăn trong triển khai thực hiện và đã đề nghị các bộ, ngành liên quan cùng thống nhất triển khai theo phương án khách hàng tự xác định ngành nghề kinh doanh của mình xem có thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất hay không. Về phía ngân hàng thương mại sẽ đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp.