Siết tín dụng doanh nghiệp “sân sau”

Theo Xuân Anh/saigondautu.vn

(Taichinh) - Sau hơn 4 năm Luật Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 có hiệu lực, nhưng nhiều ngân hàng vẫn còn tình trạng có tỷ lệ sở hữu của cổ đông vượt quy định. Mới đây, NHNN ban hành Thông tư 06/2015/TT-NHNN với những chế tài mạnh mẽ đối với những cổ đông chưa tuân thủ tỷ lệ sở hữu. Đây được xem là biện pháp mạnh tay để dứt điểm tình trạng nhiều cổ đông đang chi phối ngân hàng và sử dụng làm “sân sau” để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp của mình.

Từ thời điểm Thông tư 06 có hiệu lực vào ngày 15/7/2015, TCTD không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới cho cổ đông, nhóm cổ đông liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn. Nguồn: internet
Từ thời điểm Thông tư 06 có hiệu lực vào ngày 15/7/2015, TCTD không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới cho cổ đông, nhóm cổ đông liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn. Nguồn: internet

Đã có luật vẫn vi phạm

Nội dung của Thông tư 06 yêu cầu các TCTD phải phối hợp với cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2015.

Từ thời điểm Thông tư 06 có hiệu lực vào ngày 15/7/2015, TCTD không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới cho cổ đông, nhóm cổ đông liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn.

Đến hết năm 2015, nếu các trường hợp không khắc phục được, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp xử lý như không chấp thuận nhân sự liên quan dự kiến bầu vào cơ cấu nhân sự cao cấp của TCTD đó; không cho phép nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn.

Trước đó, tại Điều 55 Luật các TCTD 2010 quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần (bao gồm cả phần vốn ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần cổ đông) cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của TCTD, cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của TCTD, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của TCTD.

Luật các TCTD 2010 có hiệu lực từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn có nhiều NH có cổ đông vượt tỷ lệ quy định. Theo thống kê của NHNN công bố hồi tháng 6-2014, trong hệ thống có 5/33 NHTMCP có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ; 5/33 NHTMCP có cổ đông tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 15% vốn điều lệ; 8/33 NHTMCP có nhóm cổ đông là những người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 20% vốn điều lệ.

Những trường hợp cụ thể tỷ lệ sở hữu vượt giới hạn được biết hiện nay như Tập đoàn Điện lực (EVN) sở hữu hơn 16% vốn ABBank, Tập đoàn Dầu khí (PVN) nắm 52% vốn PVcomBank và sở hữu 20% ở OceanBank, CTCP Tập đoàn Masan nắm 19,5% vốn Techcombank, ông Trầm Bê và gia đình sở hữu hơn 20% tại SouthernBank, bà Thái Hương nắm giữ 7% vốn tại Ngân hàng Bắc Á, Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Công ty TNHH VNT mỗi tổ chức cũng sở hữu 20% OceanBank (cũ). Và kể từ thời điểm đó đến nay dường như việc sở hữu vượt quá tỷ lệ quy định này vẫn chưa được khắc phục.

Chế tài mạnh

Những quy định về việc giới hạn tỷ lệ sở hữu của cổ đông đối với TCTD nhằm hạn chế những “ông chủ” ngân hàng sử dụng ngân hàng như một kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp: “sân sau” của mình.

Lĩnh vực ngân hàng hấp dẫn không phải là lợi nhuận mà là nơi cung cấp vốn cho doanh nghiệp của cổ đông lớn. Do vậy, trước khủng hoảng năm 2007, Việt Nam đã có một cuộc đua thành lập, đầu tư vào ngân hàng rất mạnh mẽ. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính.

Cuối năm 2014, NHNN đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN, đưa ra các quy định hạn chế cấp tín dụng tại các trường hợp cổ đông lớn, cổ đông sáng lập của TCTD, các công ty con, công ty liên kết của TCTD hoặc doanh nghiệp TCTD nắm quyền kiểm soát. Ngoài ra, Thông tư 36 cũng quy định TCTD không được sở hữu cổ phần tại 2 TCTD khác và sở hữu quá 5% vốn tại TCTD khác.

Thông tư 36 được kỳ vọng là “liều thuốc” để trị căn bệnh sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, Thông tư 36 lại không đưa ra các chế tài cụ thể để xử lý các trường hợp vi phạm. Do đó việc xử lý vi phạm không dễ dàng và thường thiếu minh bạch, thiếu triệt để.

Thông tư 06 NHNN mới ban hành đầu tháng 6/2015 đã đưa ra được những chế tài rõ ràng cho các trường hợp vi phạm. Điều này được xem là một biện pháp mạnh của NHNN trong quyết tâm xử lý các vi phạm hiện hành.

Còn nhớ năm 2013, Thanh tra NHNN xác định những công ty liên quan đến gia đình ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank, đã vay tổng cộng 7.000 tỷ đồng, vượt quá quy định của Luật các TCTD (công ty liên quan không vay quá 25% vốn điều lệ của một ngân hàng). Dù các khoản nợ này chưa phải là nợ xấu, nhưng những doanh nghiệp liên quan đến ông Thành vẫn phải giảm tỷ trọng nợ tại Sacombank.

Ngân hàng Phương Tây (cũ) cũng từng cho các công ty liên quan đến thành viên HĐQT vay hơn 60% vốn điều lệ của NH này. Gần đây là trường hợp Tập đoàn Đại Dương có khoản vay hơn 30% tổng nợ vay dài và ngắn hạn tại Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank cũ). Khi đó tập đoàn này là cổ đông lớn sở hữu 20% vốn tại Ngân hàng Đại Dương và có chung một Chủ tịch HĐQT.

Đẩy nhanh quá trình sáp nhập

Dễ dàng nhận thấy tình trạng sở hữu chéo, cho vay doanh nghiệp “sân sau” là một trong những nguyên nhân chính làm cho nợ xấu tăng cao và hoạt động ngân hàng gặp rủi ro.

Thông thường những khoản vay này không được kiểm soát chặt, thẩm định đúng quy trình nên rủi ro cao. Nguồn vốn được đầu tư vào những hoạt động có tính rủi ro cao như lĩnh vực bất động sản, kinh doanh vàng, chứng khoán… Nhiều ý kiến cho rằng nguồn lực của nền kinh tế đang bị phân phối một cách méo mó và tiền gửi của người dân chịu nhiều rủi ro.

Trong khi đó, thông tư xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn cho phép để giải quyết vấn đề cơ cấu sở hữu không rõ ràng. Do vậy Thông tư 06 sẽ đẩy nhanh quá trình sáp nhập của nhiều ngân hàng nhỏ với cơ cấu sở hữu vi phạm quy định.

Tuy nhiên, một chuyên gia trong giới tài chính lại cho rằng, những cổ đông có tỷ lệ sở hữu vượt quá tỷ lệ quy định vẫn có hàng trăm ngàn cách để “lách”. Không quá khó khăn để chuyển nhượng cho một tổ chức hay một cá nhân nào đó là “người nhà” đứng tên. Ông chủ thật sự của ngân hàng có thể điều khiển từ xa việc cấp vốn cũng không quá khó khăn. Do đó, việc hạn chế cấp tín dụng cho doanh nghiệp “sân sau” cũng chưa chắc đã mang đến hiệu quả.

Thông tư 06 được xem là một bước đi mạnh mẽ của NHNN trong năm cuối cùng của việc thực hiện chiến lược tái cấu trúc ngân hàng. Thông tư này được kỳ vọng sẽ buộc các cổ đông phải tuân thủ tỷ lệ sở hữu theo quy định, từ đó hạn chế việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp sân sau.

Tuy nhiên, để Thông tư này đạt được mục đích như kỳ vọng, đòi hỏi NHNN phải có các giải pháp hiệu quả trong việc thực thi, vì trên thực tế việc “lách” quy định không phải là điều quá khó khăn.