Khơi thông nguồn vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam
(Tài chính) Ngày 23/12, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khơi thông nguồn vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” tại Hà Nội. Mục tiêu là nhằm đề xuất các cơ chế và chính sách khơi thông các nguồn động lực, đặc biệt là nguồn vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam năm 2015 và giai đoạn 2015-2020.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS., TS. Trần Thọ Đạt, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Tại Kỳ họp 8 Quốc hội khóa XIII vừa qua, trong Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, Chính phủ đã đánh giá kinh tế vĩ mô trong nước cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát cho dù tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, phục hồi chậm hơn dự báo. Dự báo đến năm 2014, tốc độ tăng GDP cả nước được ghi nhận là có nhiều chuyển biến hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, những khó khăn nội tại của nền kinh tế cho thấy sự phục hồi chưa thực sự vững chắc, vẫn còn tồn tại một số bất cập và hạn chế như: (i) tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. (ii) nhu cầu cho phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp; (iii) kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc; (iv) bội chi Ngân sách Nhà nước còn cao; nợ công tăng nhanh, tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng đầu năm; (v) nợ xấu còn cao, tiến độ xử lý còn chậm.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng phục hồi chậm và không vững chắc trên đây, theo Chính phủ là do “việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu”, trong đó có những khó khăn vướng mắc đối với chu chuyển vốn trong nền kinh tế hiện nay. Vì vậy, trong năm 2015 và trong giai đoạn 2015-2020, vấn đề khơi thông các nguồn động lực cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là nguồn lực về tài chính có vai trò hết sức cấp thiết.
Xuất phát từ những lý do trên, Lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã giao cho Viện Ngân hàng – Tài chính phối hợp với Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu khoa học phát triển kinh tế và quản lý kinh tế ở Việt Nam đến năm 2020” mã số KX.01/11-15 thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đồng tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khơi thông nguồn vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” với sự bảo trợ truyền thông của Tạp chí Ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chia sẻ tại hội thảo, các diễn giả đã trao đổi nhằm làm rõ một số vấn đề sau:
Thứ nhất, những ách tắc về nguồn lực cho tăng trưởng của Việt Nam hiện nay là gì? Các đề xuất và kiến nghị để phát huy và khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng trong năm 2015 và cho giai đoạn 2015-2020 như thế nào?
Thứ hai, nguồn vốn đầu tư công hiện nay đang có trở ngại gì trong điều kiện ràng buộc ngân sách và việc không thể giảm chi tiêu thường xuyên cũng như thách thức của giá dầu giảm lên cân đối ngân sách và tính bền vững của ngân sách…
Thứ ba, nguồn vốn FDI đang có những ách tắc, bất cập và xu hướng như thế nào trong bối cảnh hội nhập mới khi thời điểm thực hiện FTA, TPP... đang đến rất cận kề?
Thứ tư, nguồn vốn cho các doanh nghiệp (doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa...) từ hệ thống ngân hàng và các kênh dẫn vốn từ hệ thống ngân hàng, các kênh huy động vốn khác đang gặp trở ngại gì (ví dụ như vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, lãi suất có giảm nữa không, có tác dụng gì không, có thể rơi vào bẫy thanh khoản không?...)
Thứ năm, các luồng vốn đến các thị trường trong nền kinh tế: thị trường hàng hoá, thị trường bất động sản.
Thứ sáu, đề xuất các giải pháp và kiến nghị khơi thông nguồn vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam năm 2015 và cho cả giai đoạn 2015-2020.
Được biết, trước đó, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 140 bài viết, trong đó có 15 bài viết của Chủ nhiệm và Thư ký các đề tài khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước thuộc Chương trình KX01/11-15. Ban Biên tập đã chọn lọc 105 bài viết có chất lượng và biên tập thành 2 Tập do Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân xuất bản. Tập 1 bao gồm 32 bài viết tập trung làm rõ “Các vấn đề chung về tái cơ cấu nền kinh tế và nguồn động lực cho phát triển kinh tế của Việt Nam”.
Các bài viết của Tập 1 được phân nhóm thành 2 phần: Phần 1 gồm các bài viết về nguồn động lực cho phát triển kinh tế của Việt Nam; Phần 2 gồm các bài viết về tái cấu trúc nền kinh tế và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Tập 2 của Kỷ yếu bao gồm 73 bài viết tập trung vào nội dung “Những ách tắc về nguồn vốn và các giải pháp khơi thông nguồn vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới” được phân thành 3 phần: Phần 1 về khơi thông nguồn vốn tín dụng; Phần 2 về khơi thông nguồn vốn đầu tư công, vốn nước ngoài, vốn qua thị trường chứng khoán cho phát triển kinh tế Việt Nam; Phần 3 là các bài viết về quản trị ngân hàng và quản trị tài chính doanh nghiệp hướng đến khơi thông nguồn vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam.