Không chỉ là thị trường
(Taichinh) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chứng kiến lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) - hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam chính thức ký kết trong năm 2015.
Có thể hiểu tại sao người đứng đầu Chính phủ dành sự quan tâm đến Hiệp định này. Ngay từ năm 2014, nhiều ý kiến đã thống nhất nhận định rằng, với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do dự kiến được ký kết hoặc kết thúc đàm phán, năm 2015 sẽ đánh dấu bước hội nhập sâu rộng chưa từng có của Việt Nam.
Ngày 5/5, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết VKFTA, hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam chính thức ký kết trong năm 2015. Tiếp sau Hiệp định với Hàn Quốc, Việt Nam sẽ ký kết FTA với Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, FTA với EU. Cùng với đó, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng dự kiến kết thúc đàm phán trong năm nay, trong khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành vào cuối 2015…
Đương nhiên, Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi ích khi ký kết FTA với Hàn Quốc. Chẳng hạn, nhìn ngay cũng thấy những cơ hội cho những nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới… trước cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của đối tác. Điều này rõ ràng là hết sức đáng mừng trong bối cảnh đầu ra cho nhiều mặt hàng nông sản đang là bài toán không dễ giải, một vấn đề thời sự cấp bách.
Tất nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, sẽ không chỉ có những thuận lợi, Hiệp định cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Song chính những thách thức này cũng ẩn chứa cơ hội.
Cụ thể, như phân tích của Bộ Công Thương, việc cắt giảm thuế quan theo VKFTA sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, sẽ phải không ngừng kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ mới có thể đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong môi trường kinh tế vận hành theo thông lệ quốc tế…
Nói cách khác, VKFTA, cũng như các FTA khác, không chỉ giải quyết vấn đề thị trường, mà còn tạo động lực và áp lực để thúc đẩy cải cách nền kinh tế, bởi sân chơi toàn cầu sẽ buộc chúng ta phải thay đổi. Không ít ý kiến chuyên gia đã chỉ ra rằng, đối với Việt Nam, nhu cầu thúc đẩy các cam kết cải cách trong nước khi tham gia các FTA còn quan trọng hơn vấn đề thị trường.
Tại một cuộc tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức đầu năm nay, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội đã nhấn mạnh rằng, chính sức ép cải cách sẽ là cơ hội lớn nhất của Việt Nam. Và việc tận dụng cơ hội cải cách là yếu tố quyết định để Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội khác.
Thực tế thì trong thế giới ngày nay, không một quốc gia nào có thể đặt mình ra khỏi cuộc chơi toàn cầu, dù muốn hay không. VKFTA được ký hôm nay chính là một bước đi cụ thể của Việt Nam thực hiện chiến lược chủ động hội nhập, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt một chương trình cải cách rộng lớn. Được nhiều chuyên gia đánh giá là “khởi đầu một làn sóng đổi mới lần hai”, điểm nổi bật của chương trình này là lấy các chuẩn mực, thước đo quốc tế để thúc ép cải cách, thay vì so sánh với chính mình trước đây.
Nói như TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, là không nhấn mạnh cái khác biệt của Việt Nam theo tư duy “Việt Nam ta khác” nữa.
Dù rằng vẫn còn đó những ý kiến về việc liệu Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng tới đâu cho bước tiến hội nhập sắp tới, nhưng biết đến khi nào chúng ta mới chuẩn bị xong xuôi và liệu khi ấy có quá muộn trong một thế giới đang ngày càng vận động nhanh hơn? Chủ động đặt mình vào cuộc chơi toàn cầu với sức ép cạnh tranh, rõ ràng đó là cách tốt nhất để chúng ta tự trưởng thành.
Sự chủ động ấy là cơ sở của sự tự tin. Một nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra rằng, nhìn chung, doanh nghiệp trong nước ủng hộ mạnh mẽ việc gia nhập TPP – hiệp định thương mại tự do “đình đám” nhất mà Việt Nam đang đàm phán, với hơn 66% doanh nghiệp khẳng định ủng hộ, chỉ có 1,5% thể hiện ý kiến phản đối.
Còn về phía Nhà nước, theo thống kê, mặc dù hạn chế về nguồn lực, Việt Nam là một trong các nước có mức độ thực hiện biện pháp ưu tiên xây dựng AEC cao nhất với tỷ lệ 90% (ngang với Singapore) so với mức bình quân 82,1% của ASEAN.
Tại lễ ký kết, đại diện phía Hàn Quốc đã nhắc tới câu tục ngữ “Vượt núi Thái Sơn thấy đồng bằng” và cho rằng, trải dài trước mắt hai đối tác đang là đồng bằng rộng lớn, hay chính là bước nhảy vọt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế.
Sự so sánh ấy hẳn càng đúng đối với Việt Nam, khi nhiều núi Thái Sơn khác sẽ được chúng ta chinh phục trong năm 2015 nhiều dấu ấn này.