Hiệp định FTA Việt Nam – EU: Cơ hội mới và những khuyến nghị cho Việt Nam

TS. ĐOÀN HƯƠNG QUỲNH

(Taichinh) - 2015 được cho năm đánh dấu bước hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong các Hiệp định FTA song phương và đa phương Việt Nam tham gia đàm phán ký kết, Hiệp định FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là Hiệp định thế hệ mới với sự mở cửa toàn diện nhất, sâu rộng nhất và sẽ tác động mạnh nhất tới kinh tế Việt Nam.

 Hiệp định FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là Hiệp định thế hệ mới. Nguồn: internet
Hiệp định FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là Hiệp định thế hệ mới. Nguồn: internet

Tiềm năng từ thị trường lớn

Liên minh Châu Âu (EU) hiện có 28 nước thành viên với dân số hơn 500 triệu người, là thị trường tiêu thụ rộng lớn cho hàng Việt Nam. Đây là khối kinh tế lớn nhất thế giới với GDP đạt 18.000 tỷ USD, chiếm 22% tổng GDP toàn cầu. Tổng kim ngạch thương mại của EU xấp xỉ 4.000 tỷ USD, xuất khẩu dịch vụ của EU đứng đầu thế giới và đầu tư ra nước ngoài bằng gần 40% FDI toàn cầu.

Thị phần của EU trong tổng thương mại thế giới chiếm khoảng 24,7% xuất khẩu và 21,2% nhập khẩu. Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt gần 34 tỷ USD, và thặng dư thương mại cho Việt Nam lên gần 14 tỷ USD; Năm 2014 kim ngạch xuất khẩu tiếp tục gia tăng, đạt trên 34 tỷ USD.

EU là đối tác đầu tư FDI hàng đầu của Việt Nam với 23/28 nước thành viên EU có các dự án đầu tư vào Việt Nam. Tính đến hết năm 2014, các nước thành viên EU đầu tư vào Việt Nam hơn 1.800 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 32,8 tỷ USD, vốn thực hiện hơn 13 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp và xây dựng (chiếm 50,1% số dự án và 50,6% tổng vốn đầu tư), tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ (khoảng 40% số dự án và 42% tổng vốn đầu tư).

Theo đánh giá của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm), sau khi Hiệp định FTA Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 30-40% và xuất khẩu của EU vào Việt Nam sẽ tăng 20-25%. Đồng thời, Hiệp định này cũng sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh…

EVFTA - Hiệp định thế hệ mới

Trải qua 11 vòng đàm phán, Hiệp định EVFTA hiện đang trong giai đoạn về đích, dự kiến được ký kết và triển khai trong năm 2015. Hiệp định EVFTA được đánh giá là Hiệp định thế hệ mới, mở cửa thị trường toàn diện, chất lượng cao theo tiêu chuẩn WTO. Khung của Hiệp định này có sự khác biệt đáng kể so với các Hiệp định trước đây Việt Nam đã ký kết. Các FTA trước đây có tiêu chuẩn trung bình chủ yếu tập trung vào giảm thuế, mở cửa thị trường dịch vụ nhưng không vượt quá cam kết trong WTO. Với EVFTA, ngoài những vấn đề đã có trong các FTA đã ký còn có những vấn đề Việt Nam chưa từng cam kết như: Đầu tư (cả trong sản xuất và dịch vụ), chính sách cạnh tranh DNNN, mua sắm công, lao động, môi trường… Theo đó, Hiệp định hướng tới bảo đảm bình đẳng giữa mọi DN đặt DNNN vào cạnh tranh bình đẳng, Nhà nước không ưu đãi cho DNNN, không cấp vốn, xóa nợ, bảo lãnh cho DNNN, cấm bù chéo trong DNNN. DNNN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền khi kinh doanh lĩnh vực có cạnh tranh cũng phải điều chỉnh bởi cam kết này. Phạm vi điều chỉnh chính sách này áp dụng cho cả DNNN Trung ương và DNNN địa phương.

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA cũng đã đặt ra quy định về vấn đề mau sắm công buộc các bên tham gia cam kết thực hiện. Đối với vấn đề mua sắm công, tất cả các loại mua sắm công hoặc do cơ quan Nhà nước mua sắm đều phải đấu thầu. Ví dụ, đấu thầu trang thiết bị y tế thì phải có đấu thầu công khai và DN EU được quyền tham gia đấu thầu. Ngoài ra, các yêu cầu về thể chế và khiếu kiện rất nghiêm ngặt. Trong tất cả các vòng đàm phán, phía EU đòi hỏi khá cao về mở cửa thị trường, đặc biệt thị trường dịch vụ, thị trường mua sắm Chính phủ, trong khi quyền lợi của Việt Nam ở Hiệp định này chủ yếu nằm ở thương mại hàng hóa. Nếu như, các Hiệp định Việt Nam ký với ASEAN giảm 90% dòng thuế trong lộ trình 10 năm nhưng với Hiệp định EVFTA tiêu chuẩn tối thiểu 90/7 tức là 90% dòng thuế về 0% trong vòng 7 năm và hai bên sẵn sàng đi nhanh hơn mức ấy. EU cũng tuyên bố sẵn sàng mở cửa nhanh hơn tạo điều kiện tốt để Việt Nam thâm nhập vào EU.

Theo các Hiệp định FTA của ASEAN, Việt Nam phải giảm 90% dòng thuế trong lộ trình 10 năm nhưng Hiệp định FTA Việt Nam - EU lại có tiêu chuẩn tối thiểu 90/7 tức là 90% dòng thuế về 0% trong vòng 7 năm và hai bên sẵn sàng đi nhanh hơn mức ấy.

Vận hội và thách thức đối với Việt Nam

Một thị trường rộng lớn và khó tính như EU luôn mở ra những cơ hội và thách thức đối với các bên tham gia. Hiệp định EVFTA ngoài kỳ vọng cắt giảm các loại thuế quan vào EU, còn là cơ hội hạn chế khối quốc gia này áp dụng các hàng rào phi thuế quan đối với các sản phẩm của Việt Nam. Rào cản phi thuế quan lớn nhất ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU liên quan đến việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại của EU, chủ yếu là chống bán phá giá cũng như các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) và các rào cản kỹ thuật (TBT).

EU ít khả năng sẽ nhượng bộ các vấn đề thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng đối với Việt Nam và FTA có thể không có tác động quan trọng nào trong việc ngừng sử dụng các biện pháp chống bán phá giá và đối kháng của EU. Ngược lại, FTA có thể đặt ra những yêu cầu chặt chẽ hơn đối với Việt Nam trong vấn đề bán phá giá, trợ cấp và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại – trừ khi trong khuôn khổ đàm phán FTA, EU công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trước thời hạn của WTO. Tương tự, việc công nhận ngay lập tức quy chế nền kinh tế thị trường phải được coi là ưu tiên đàm phán của Việt Nam trong FTA với EU. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không đạt được sự công nhận này, Việt Nam nên đàm phán với EU về khung thời gian thích hợp cho việc công nhận này và phải đảm bảo thời hạn này tương ứng với thời hạn mà Trung Quốc sẽ được xem là nền kinh tế thị trường theo WTO.

Về các biện pháp SPS và TBT, có lẽ việc đàm phán để giảm các rào cản SPS và TBT sẽ không xảy ra. Thậm chí sau khi đưa ra chiến lược “châu Âu toàn cầu”, chính sách của EU vẫn không đổi: vẫn nhằm mục đích giải quyết các rào cản phi thuế nhưng phải có lợi cho các nhà xuất khẩu EU. Nhiều khả năng FTA giữa EU và Việt Nam sẽ đưa ra khung hỗ trợ kỹ thuật, thỏa luận và hợp tác hơn nữa về vấn đề SPS và TBT. Cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của đàm phán các điều khoản hợp tác toàn diện. Về vấn đề này, hiệp định EU đã ký kết với các nước ACP (các nước thuộc châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương - thuộc địa cũ của châu Âu) có thể là một chuẩn mực hữu ích trong mở rộng hợp tác về các vấn đề SPS và TBT mà Việt Nam mong muốn đạt được với EU. Trong các hiệp định này, hợp tác bao gồm cả đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, các biện pháp thúc đẩy chuyển giao tri thức và tăng cường các dịch vụ công. Việt Nam có thể xem xét yêu cầu EU các mức tương tự như những thỏa thuận các nước ACP đã đạt được và yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật từ EU trong quá trình đàm phán.

Cùng với việc đem lại lợi ích cho Việt Nam từ loại bỏ thuế quan khi Hiệp định có hiệu lực và tiếp cận thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ, Hiệp định EVFTA còn tác động lên các luồng vốn đầu tư vào Việt Nam. Việc cắt giảm thuế xuất khẩu sang EU sẽ tạo động lực chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam để hướng tới xuất khẩu sản phẩm cuối cùng sang EU. Điều này sẽ có tác động trực tiếp đối với DN nhỏ và vừa, đặc biệt đối với những người sản xuất sản phẩm trung gian và các thành phần được bao gồm trong sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và thị trường nước ngoài khác. Tuy nhiên, EU có một số mặt hàng nhạy cảm như đường và sản phẩm có đường, gạo, thủy sản nên đang tìm mọi cách để hạn chế khả năng tiếp cận của Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề hàng rào kỹ thuật, hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm của EU rất chặt chẽ, EU đề cao tiêu chuẩn hàng hóa liên quan đến sức khỏe đời sống của con người. Những yêu cầu về vệ sinh, kiểm dịch; đóng gói, bao bì; khả năng truy soát nguồn gốc và thủ tục hải quan nghiêm ngặt, các tiêu chuẩn do EU áp đặt thường nằm trong số các tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới và khó đạt được nhất với chi phí cao nhất là thách thức đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy điểm nổi bật trong quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung lẫn nhau, rất ít lĩnh vực mà hai bên cạnh tranh đối đầu. Vì vậy, cả Việt Nam và EU đều tin tưởng hiệp định thương mại tự do song phương sẽ mang lại lợi ích lớn nhưng cũng không ít thách thức cho cả hai bên. Riêng với Việt Nam, thuận lợi và thách thức đặt ra sẽ là:

Thứ nhất, Hiệp định EVFTA sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà ta có thế mạnh, góp phần tạo việc làm, hỗ trợ tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thứ hai, Hiệp định EVFTA sẽ giúp ta thực hiện chủ trương đa dạng hóa quan hệ kinh tế - thương mại, đặc biệt là đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực cụ thể.

Thứ ba, Hiệp định EVFTA sẽ thiết lập cơ chế ưu đãi ổn định cho hàng xuất khẩu của Việt Nam mà không phụ thuộc vào Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU. Hiện nay, EU vẫn định kỳ xem xét và có thể rút lại ưu đãi GSP theo các tiêu chí riêng của EU mà ta không can thiệp được. Hiệp định EVFTA cũng sẽ giúp đẩy nhanh việc EU công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ, giúp hàng xuất khẩu của ta không phải chịu sự phân biệt đối xử trong các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp của EU.

Thứ tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng của EU, nước ta có cơ hội trở thành địa bàn thu hút mạnh đầu tư của EU và là điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại - đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Tác động này sẽ được cộng hưởng mạnh mẽ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành.

Cũng với các thời cơ trên, thách thức mới đặt ra đối với nước ta là: Một là, gia tăng chi phí xuất phát từ việc thực hiện các nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ theo FTA; Hai là, các biện pháp có khả năng hạn chế sự tiếp cận các loại thuốc chữa bệnh với giá phải chăng cho người dân vẫn tồn tại. Tại Việt Nam, 21,45% dân số có thu nhập dưới 1,25 USD/ngày và việc tăng giá thuốc chữa bệnh sẽ là vấn đề; Ba là, liên quan đến tác động mạnh mẽ của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với ngành nông nghiệp của Việt Nam. Tác động lan tỏa của đổi mới từ đầu tư nghiên cứu nông nghiệp có nhiều khả năng bị nắm giữ bởi các nhóm lợi ích thay cho thúc đẩy phát triển và phổ biến công nghệ trong hệ thống phân bổ sự sáng tạo. Bốn là, liên quan đến tiếp cận tri thức, “sự cân bằng về quyền tác giả” đã được thay đổi theo hướng có lợi cho chủ thể quyền và bất lợi cho người sử dụng.

Một số khuyến nghị

Để tận dụng tốt thời cơ, hạn chế được các thách thức khi Hiệp định EVFTA ký kết, đi vào thực thi, Việt Nam còn rất nhiều việc cần thay đổi để thích ứng. Cụ thể:

Thứ nhất, cần phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo các chuẩn mực quốc tế. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hệ thống luật pháp; Hoàn thiện và đồng bộ hóa các thị trường trong nước; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho các hoạt động này theo hướng thị trường, phù hợp với các cam kết quốc tế và Hiệp định EVFTA.

Thứ hai, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thiện tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại các khu vực kinh tế trọng điểm trong cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, ngân hàng; Tập trung nguồn lực, cơ chế chính sách nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ…

Thứ ba, Việt Nam cần phải định hướng xây dựng ngành kinh tế mũi nhọn nhằm tận dụng cơ hội của FTA với EU.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trsi tuệ mà Việt Nam đã cam kết trong hiệp định.

Thứ năm, Chính phủ cần hỗ trợ DN bằng các giải pháp sau: Xây dựng hệ thống kế toán quản trị cho các DN Việt Nam và khuyến khích các DN áp dụng; tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện hỗ trợ hợp lý nhằm gia tăng vai trò của các DN; Bồi dưỡng khả năng kinh doanh quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các DN, đặc biệt là các DNVVN Việt Nam.

Cộng đồng DN Việt Nam nói chung và các DN tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu nói riêng nếu hướng đến thị trường châu Âu, cần phải trang bị cho mình một lượng kiến thức căn bản về quản trị, quản lý và thị trường mà trước mắt là các quy định tại Hiệp định EVFTA. Đồng thời, thực hiện, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động sản xuất kinh doanh; phải dần hình thành thói quen sử dụng tư vấn pháp lý và chuyên gia tư vấn để hiều rõ luật chơi của FTA.

Tài liệu tham khảo:

1. Đánh giá tác động của các Hiệp định FTA đối với kinh tế Việt Nam – Dự án hỗ trợ Đa biên;

2. Diễn biến các vòng đàm phán Hiệp định EVFTA -Trung tâm hội nhập WTO;

3. Hiệp định EVFTA: Dự báo tác động tới nền kinh tế Việt Nam - Dự án MUTRAP;

4. Tình hính xuất, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam từ các năm 2010 – 2014 (Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan)...