Không chủ quan trong công tác thu ngân sách để đảm bảo thu đúng, thu đủ

Gia Hân

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 5, triển khai chương trình công tác tháng 6.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì Hội nghị giao ban.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì Hội nghị giao ban.

Thu ngân sách nhà nước đạt tiến độ

Phát biểu tại điểm cầu Tổng cục Thuế, ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách tháng 5 do cơ quan thuế quản lý bằng 8,3% dự toán; luỹ kế 5 tháng đạt 52,4% dự toán. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, mặc dù có số thu đạt nhưng qua theo dõi diễn biến tốc độ thu từ tháng 1 đến tháng 5 thì có dấu hiệu giảm. Điều này phản ánh những khó khăn nhất định từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành, trong tháng 5 loại trừ các yếu tố thuế phí thì số thu ngân sách do ngành Thuế quản lý chỉ bằng 97% so với cùng kỳ. Đối với số thu từ khu vực ngoài quốc doanh, mặc dù có tăng trưởng thu (tăng 19,9%) nhưng so với số thu chung 5 tháng thì thấp hơn nhiều, nếu trừ đi tác động từ chính sách thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, so với năm 2023 thì mức thu còn thấp hơn. Như vậy, ngoài yếu tố giá, lạm phát, tỷ giá… số liệu thu ngoài quốc doanh là hết sức khó khăn. Về sắc thuế, có thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ bằng 98,2% số với cùng kỳ do nhiều mặt hàng liên quan đến sản xuất, kinh doanh trong nước giảm như thuốc lá, bữa rượu…

Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành thông tin thêm, trong 5 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã đẩy mạnh hoạt động liên quan đến thu của hộ cá nhân thông qua bản đồ số, thương mại điện tử, qua đó đã đẩy số thu tăng lên so với năm 2023.

 

Tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 898,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2023. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 5 ước đạt 140 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 5 tháng đạt 656,7 nghìn tỷ đồng, bằng 31% dự toán, tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2023. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.

Tại điểm cầu Tổng cục Hải quan, ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 65 tỷ USD. Đây là tháng đầu tiên kể từ thời điểm tháng 5/2022 có nhập siêu 455 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 303 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, cán cân thương mại 5 tháng xuất siêu 8,6 tỷ USD. Từ tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 và 5 tháng, số thu ngân sách của ngành Hải quan trong tháng 5/2024 đạt 38.990 tỷ đồng.

Như vậy, việc tăng số thu là do kim ngạch xuất nhập khẩu của tháng 5, đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu tăng 9,1% và trong kim ngạch nhập khẩu tăng này thì kim ngạch của các mặt hàng chịu thuế tăng, dẫn đến số thu tăng. Tổng thu 5 tháng của ngành Hải quan đạt 165.000 nghìn tỷ đồng, đạt 44,2% dự toán.

“Việc tăng này là theo chu kỳ hàng năm. Theo đó, tháng 4, tháng 5 thường là kim ngạch xuất nhập khẩu tăng dẫn tới số thu tăng, sau đó đến tháng 6 và 7 thì bắt đầu chững lại, tháng 8 và 9 thì giảm, sau đó sẽ tăng lại vào quý IV. Ngành Hải quan sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến kim ngạch xuất nhập khẩu để báo cáo lãnh đạo Bộ”, ông Lưu Mạnh Tưởng thông tin.

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong tháng 5, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu và vận chuyển trái phép vàng và ngoại tệ qua biên giới. Theo đó, Tổng cục đã chỉ đạo các cục hải quan địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là với các lô hàng vận chuyển qua cửa khẩu đường bộ và đường hàng không có nghi vấn liên quan đến vận chuyển vàng và ngoại tệ trái phép. Riêng tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy vẫn diễn ra rất phức tạp. Trong tháng, cơ quan hải quan đã phối hợp với các cơ quan biên phòng, cảnh sát biển thực hiện bắt giữ 20 vụ/30 đối tượng, thu giữ lượng lớn tang vật ma tuý các loại.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Thông tin về thị trường chứng khoán tại Hội nghị, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tình hình thị trường chứng khoán tháng 5 duy trì hoạt động ổn định. Mặc dù trong tháng các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tiếp nhiều phiên nhưng giá trị giao dịch bình quân hàng ngày vẫn duy trì trên 1 tỷ USD/ngày, có những phiên giao dịch cao nhất khoảng hơn 2 triệu lệnh.

Chủ động thanh tra, kiểm tra công tác thu chi ngân sách nhà nước theo kế hoạch

Phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực, đồng thời đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trong Bộ Tài chính.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đối với công tác xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện văn bản pháp luật, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị cần chủ động hơn nữa, đảm bảo đúng thời hạn, công khai, đúng quy định theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.  

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Đáng chú ý, đối với nhiệm vụ thu chi ngân sách, đến nay, tổng thu ngân sách đã đạt trên 50% dự toán, song, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh các đơn vị "không được chủ quan" trong thực hiện công tác thu ngân sách. Thứ trưởng giao Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra phải chủ động triển khai công tác thanh tra, kiểm tra công tác thu chi ngân sách nhà nước theo kế hoạch. 

Đối với thị trường tài chính, chứng khoán, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề nghị các đơn vị tiếp tục theo dõi giám sát chặt chẽ thị trường, có những cách làm sáng tạo nhằm đảm bảo ổn định, minh bạch và giữ vững kỷ cương kỷ luật của thị trường.

Ngoài ra, tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng, Thứ trưởng Lê Tấn Cận cũng đã có những chỉ đạo cụ thể về các lĩnh vực phụ trách đối với các đơn vị như: Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Cục Quản lý giá, Cục Quản lý công sản, Vụ Pháp chế...

 

Đánh giá cao sự chủ động của công tác truyền thông trong suốt thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, công tác truyền thông là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và hết sức quan trọng. Do đó, các đơn vị truyền thông của Ngành phải tăng cường phối hợp với các đơn vị để tiếp tục làm tốt hơn nữa, phải thực sự coi đây là nhiệm vụ quan trọng, là công việc cần thiết để phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chính trị của Ngành.