Nền kinh tế phục hồi tác động tích cực đến thu ngân sách nhà nước

Trần Huyền

Theo Bộ Tài chính, lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 898,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2023. Nền kinh tế phục hồi cùng với những hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đã tác động tích cực đến thu ngân sách.

Theo Bộ Tài chính, lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt 898,4 nghìn tỷ đồng. Ảnh: internet
Theo Bộ Tài chính, lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt 898,4 nghìn tỷ đồng. Ảnh: internet

Thu ngân sách tăng gần 15% so với cùng kỳ

Thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu NSNN thực hiện tháng 5/2024 ước đạt 150,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán, bằng 80,8% mức thu bình quân tháng của 4 tháng đầu năm (186,9 nghìn tỷ đồng/tháng).

Trong số thu trên, thu nội địa tháng 5/2024 ước đạt 118,4 nghìn tỷ đồng, bằng 8,2% dự toán; thu từ dầu thô ước đạt 5 nghìn tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán; thu xuất nhập khẩu ước đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 37,9 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1% dự toán.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, thu NSNN ước đạt 898,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 14,8% (so cùng kỳ năm 2023). Trong đó, thu nội địa ước đạt 757,5 nghìn tỷ đồng, bằng 52,4% dự toán, tăng 16,8%; thu từ dầu thô ước đạt 24,7 nghìn tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán, giảm 5,5%; thu cân đối từ xuất nhập khẩu ước đạt gần 116,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57% dự toán, tăng 7,8%.

Số thu nội địa đạt khá so dự toán và tăng so cùng kỳ, phản ánh tác động nền kinh tế phục hồi khi tăng trưởng quý I đạt 5,66%, cùng kỳ năm 2023 đạt 3,41%. Bên cạnh đó, kết quả này còn thể hiện việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí tác động tích cực đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp và số thu nộp NSNN khi thu từ 3 khu vực kinh tế ước đạt 54,1% dự toán, tăng 12,7% so cùng kỳ.

Số thu đạt khá còn nhờ thu tiền sử dụng đất tiếp tục được cải thiện, mặc dù mới đạt khoảng 32,9% dự toán, nhưng tăng 91,2% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, đã phát sinh một số khoản thu đột biến như: chênh lệch thu, chi Ngân hàng Nhà nước; cơ quan thuế đã tăng cường công tác thu, chống thất thu, quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, ước tính đến hết tháng 5 đã xử lý, thu hồi được 37,1 nghìn tỷ đồng nợ đọng thuế.

Ngoài ra, số thu tăng mạnh so cùng kỳ còn do năm 2023 thực hiện chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ, làm giảm thu trong thời gian được gia hạn trong 5 tháng đầu năm khoảng 38 nghìn tỷ đồng. Năm 2024 không phát sinh số thuế được gia hạn (không tính yếu tố gia hạn này, thu nội địa 5 tháng tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023). 

Theo Bộ Tài chính, về số thu trên địa bàn, ước tính có 23/63 địa phương thực hiện thu nội địa 5 tháng đạt trên 50% dự toán; 52/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ. 

Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được cơ quan thuế, hải quan chú trọng triển khai nhằm chống thất thu ngân sách. Tính đến ngày 15/5/2024, cơ quan thuế đã thực hiện 11,4 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 231,3 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; qua đó kiến nghị xử lý tài chính khoảng 11,6 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng (đã nộp vào NSNN khoảng 2 nghìn tỷ đồng), giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 8,1 nghìn tỷ đồng. 

Ước tính trong 5 tháng đầu năm 2024, cơ quan hải quan đã thực hiện 681 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý thu vào NSNN 275,2 tỷ đồng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 6,3 nghìn vụ vi phạm với giá trị hàng hóa 8,4 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào NSNN 284,8 tỷ đồng. 

Nhiều chính sách hỗ trợ tiếp tục được triển khai

Để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong tháng 5/2024, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội báo cáo về kết quả thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội. Trong đó, kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024. Chính sách này dự kiến tác động làm giảm thu NSNN thêm khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, trên cơ sở đó đang tiếp thu, hoàn thiện trình Chính phủ xem xét ban hành các Nghị định về gia hạn thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024 với quy mô dự kiến khoảng 84 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2024 với quy mô dự kiến khoảng 8,56 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. 

Cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng số tiền đã miễn, giảm ước tính đến hết tháng 5 khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, ngành Tài chính đã tăng cường quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, rà soát các nguồn thu, chống thất thu, nhất là hoạt động kinh doanh bất động sản, rà soát giá tính thuế sát giá thị trường; hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng, nhà hàng, khách sạn, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế GTGT đảm bảo hoàn thuế đúng quy định của pháp luật.

Công tác chuyển đổi số, cũng được ngành Tài chính đẩy mạnh triển khai. Đặc biệt là hiện đại công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử. Đến nay, toàn bộ 15.935 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, 18.705 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã triển khai phát hành hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế tiếp tục phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh chuẩn hóa mã định danh công dân làm mã số thuế, tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...