Không có thời gian để dòng vốn đi vào đầu cơ sau nới room?


Thời gian còn lại của năm 2022 rất ngắn, hạn mức (room) tín dụng được nới thêm sẽ được các ngân hàng giải ngân cho hồ sơ vay vốn đang xếp hàng chờ, nguy cơ dòng vốn tín dụng đưa vào những lĩnh vực rủi ro khó có thể xảy ra.

Tính đến nay đã có 6 ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với mức giảm từ 1 tới 3,5 điểm%.
Tính đến nay đã có 6 ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với mức giảm từ 1 tới 3,5 điểm%.

Ngày 5/12 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định điều chỉnh tăng trưởng tín dụng năm 2022 thêm 1,5% đến 2% cho toàn hệ thống tín dụng. Theo tính toán sẽ có thêm khoảng 240.000 tỷ đồng được đưa thêm vào thị trường vốn.

Dòng vốn đã có địa chỉ

Tín dụng đã được nới thêm nhưng liệu có gì đảm bảo là dòng vốn này sẽ được chảy vào đúng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, không phải các lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay chứng khoán? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định: Không có thời gian để dòng vốn đi vào các kênh đầu cơ. TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nhận định dòng vốn lần này sẽ đi vào sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản tương đối nhanh do hồ sơ đã chờ sẵn. Hồ sơ đang chờ giải ngân đã được ngân hàng rà soát rất kỹ thời gian qua và hồ sơ phải đảm bảo tính pháp lý, đáp ứng nhu cầu thực.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, trong đợt nới room vừa rồi, NHNN không phân bổ chỉ tiêu cào bằng mà chỉ ưu tiên các tổ chức tín dụng đáp ứng 3 yếu tố: Thứ nhất, phải đủ nguồn lực vốn. Thứ hai, phải giữ ổn định được lãi suất để cho vay ra với lãi suất hợp lý. Thứ ba, tập trung cho vay các đối tượng trực tiếp sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên.

“Do đó, lo ngại dòng vốn vào lĩnh vực đầu cơ rất khó xảy ra. Trong phiên họp nội bộ với các thành viên tổ chức ngày 7/12, các ngân hàng thương mại cũng xác định rõ phải tập trung tín dụng vào sản xuất theo định hướng của Chính phủ và NHNN”, ông Hùng cho hay.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng mặc dù có thêm dư địa tín dụng, song bản thân doanh nghiệp và ngân hàng cũng phải rất thận trọng trong giải ngân cuối năm. “Khi ngân hàng được cấp thêm tăng trưởng tín dụng cũng phải rà soát, đánh giá xem xét khả năng tình hình của mình bao gồm nguồn vốn, chất lượng tín dụng, nợ xấu, tài sản… để đảm bảo an toàn của mình và của cả hệ thống”, lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng nói.

Nhận định về “dòng chảy” room tín dụng được nới thêm, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng việc nới room tín dụng ở thời điểm này có thể hiểu rằng sẽ chủ yếu phục vụ nguồn vốn lưu động cuối năm cho các doanh nghiệp chứ không phải để phục vụ các dự án đầu tư hay bất động sản.

Tạo đà cho kinh tế vận hành thuận lợi năm 2023

Theo các chuyên gia, việc cơ quan quản lý cấp thêm hạn mức tín dụng ở thời điểm này là rất chậm, nhưng nguồn vốn được bơm ra ở thời điểm này sẽ giúp tạo đà cho nền kinh tế được vận hành thuận lợi năm 2023, vì nếu không khi hạn mức tín dụng được mở ra vào năm 2023, khi đó sẽ rất khó khởi động lại cỗ máy đã "đứng bánh" trong suốt một thời gian dài.

Ông Trần Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và thiết bị Bilico cho hay, những năm trước doanh nghiệp cũng khó về vốn nhưng không cấp bách như năm nay. Do vậy việc nới room tín dụng lúc này đúng nghĩa là "bơm oxy" cho doanh nghiệp.

"Chính sách nới room tín dụng để các ngân hàng giải ngân cho chúng tôi sẽ giải quyết được khoảng 15 - 20% dòng tiền cần trong thời gian cuối năm”, ông Bình nói.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng chia sẻ nguồn vốn tín dụng còn giúp họ chi trả nhiều nhu cầu khác như lương thưởng cuối năm, hay ứng trước tiền nguyên liệu để kịp cho những đơn hàng xuất khẩu đầu năm tới.

Mặc khác, NHNN định hướng và khuyến khích những ngân hàng thương mại giảm được lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là "điểm cộng" khi giao, nới room tín dụng. Đồng thời, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng vừa cho biết đợt nới room vừa qua có trường hợp không được xem xét do áp lãi suất huy động ở mức cao.

Động thái này của cơ quan quản lý được các doanh nghiệp kỳ vọng, định hướng giảm lãi suất cho vay sẽ bắt đầu lan rộng sang năm 2023.

Thực tế, tính đến nay đã có 6 ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với mức giảm từ 1 tới 3,5 điểm%.

“Rõ ràng, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng cao như hiện nay, việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều thành viên tham gia chương trình hỗ trợ trên được kỳ vọng có thể phần nào giúp lan tỏa, điều hướng thị trường cũng như “hạ nhiệt” mặt bằng lãi suất chung”, giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội kỳ vọng.

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn