Không có vùng cấm, ngoại lệ trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cương quyết đẩy lùi tệ nạn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ Tài chính về việc triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Trong đó, cần xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của đơn vị, cương quyết đẩy lùi tệ nạn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.
Các đơn vị đề cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính giao Thủ trưởng các đơn vị tổ chức quán triệt, chỉ đạo công chức, viên chức, người lao động nắm vững, thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật, quy trình nghiệp vụ. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các đơn vị làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại… xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật.
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Thanh tra Bộ Tài chính triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường công tác nắm tình hình, đánh giá thực trạng, nhận diện, chỉ rõ những vấn đề nổi cộm, phức tạp về đối tượng, tuyến, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm (nhất là các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng) về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm kịp thời tham mưu đề xuất, xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra, điều tra xác minh. Tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
Các đơn vị tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh công tác phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, email, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, các lực lượng chức năng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng Nhân dân theo đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị làm tốt công tác nghiệp vụ, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các mặt hàng là dược phẩm, thực phẩm, dược liệu, xăng dầu, khoáng sản, đường cát, thuốc lá, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, chia sẻ thông tin, phối hợp lực lượng, cơ quan chức năng liên quan giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, nhất là các lô hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa…
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam; phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính giao Văn phòng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế thông tin cho cơ quan thông tấn báo chí phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Vụ Pháp chế Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Tổng cục Hải quan, Tổng cục thuế làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động Nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả; lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hóa bất hợp lý…