Không để gạo Việt dần vắng bóng trên thị trường tỷ dân
Năm 2017, Trung Quốc chiếm gần 40% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng đến năm 2022 con số này chỉ còn 13%. Để gạo Việt không dần vắng bóng trên thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chủ động hơn nữa, phối hợp với Đại sứ quán của hai nước tiếp tục tiếp nhận, xử lý nhanh và hiệu quả hồ sơ đã phê duyệt, giúp việc xuất khẩu thuận lợi hơn.
Thị phần giảm, đơn hàng khiêm tốn
Trung Quốc mỗi năm cần nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam sản xuất 43 - 44 triệu tấn lúa, tương đương 22 - 23 triệu tấn gạo.
Năm 2012, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam xuất khẩu, với kim ngạch 898 triệu USD, chiếm 27,5% tổng giá trị xuất khẩu gạo. Giai đoạn 2012 - 2016 duy trì tương đối ổn định; đến năm 2017, xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng đột biến, đạt 1,026 tỷ USD, chiếm gần 40% trong tổng giá trị xuất khẩu gạo của nước ta.
Từ năm 2018 - 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm nhiều, giai đoạn 2020 - 2021 có sự phục hồi nhất định song sang năm 2022 lại giảm 20% về lượng và giảm 17% về giá trị so với năm 2021, đạt gần 851.000 tấn, tương đương 432 triệu USD. Với kết quả này, gạo Việt chỉ chiếm gần 13% thị phần ở Trung Quốc. Trong tháng 1.2023, xuất khẩu sang thị trường này đạt 47.424 tấn, tương đương hơn 28 triệu USD; giảm 18% về lượng và giảm 6% về giá trị so với tháng 1.2022.
Một số doanh nghiệp cho biết xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đối mặt nhiều khó khăn từ cuối năm 2022. Theo Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE Phan Văn Có, để vào thị trường này doanh nghiệp phải bảo đảm đầy đủ thông tin theo quy định, quy chuẩn của phía Trung Quốc.
Lúc đầu doanh nghiệp có thể đáp ứng được, nhưng về lâu dài công tác xử lý hồ sơ vẫn còn chậm, phát sinh nhiều chi phí, giá hàng cao. Từ đầu năm nay Trung Quốc đã mở cửa, tuy nhiên lương thực của họ cũng khá tốt, các nước cạnh tranh thì có giá rẻ nên nước bạn ưu tiên nhập. Vì vậy đơn hàng của các doanh nghiệp Việt rất khiêm tốn.
Nắm vững thị trường, cập nhật thông tin
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, hiện Việt Nam mới có 22 doanh nghiệp được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc với hạn ngạch nhất định theo Nghị định thư về gạo và cám gạo ký năm 2016.
Thời gian qua, các điều kiện về an toàn thực phẩm của nước này thay đổi và phải đăng ký xuất khẩu theo Lệnh 248, 249 nên khó khăn cho doanh nghiệp. Để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải bảo đảm đầy đủ thông tin theo quy định, chứng minh đầy đủ thành phần hồ sơ liên quan đến công đoạn sản xuất ngoài đồng ruộng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm HACCP. Doanh nghiệp phải hoàn thiện các hồ sơ này, gửi cho Cục để Cục tiếp tục giới thiệu sang phía bạn.
Cục Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn các doanh nghiệp để đăng ký theo các bước, trên cơ sở đó nộp hồ sơ để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, phê duyệt. Đã có rất nhiều hồ sơ, nhiều sản phẩm của Việt Nam đang được phía bạn nỗ lực để phê duyệt. Cục đang phối hợp với Văn phòng SPS để thống kê, tổng kết các số liệu các doanh nghiệp có hồ sơ mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã gửi cho phía Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy phê duyệt các hồ sơ này. Theo thông lệ, từ 2 - 3 tháng/lần, tùy từng nhóm mặt hàng, Việt Nam sẽ gửi các danh sách này cho phía bạn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thời gian tới sẽ chủ động hơn nữa để phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để tiếp tục đầu mối tiếp nhận, xử lý nhanh chóng và hiệu quả các hồ sơ xuất khẩu.
Theo ông Phan Văn Có, muốn xuất khẩu nhiều sản phẩm sang Trung Quốc, nhất là gạo, doanh nghiệp Việt phải nắm bắt được thị trường, thường xuyên cập nhật thông tin. Đặc biệt, phải thống nhất về giá gạo, không để tình trạng 1 đơn hàng nhưng giá khác nhau, dẫn đến chất lượng không tương đồng, mất lòng tin và về lâu dài sẽ mất thị trường.
Bên cạnh đó, khi đàm phán, doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, minh bạch và theo đúng nhu cầu của đối tác. “Hy vọng khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ để gạo Việt dần trở lại trên thị trường đầy tiềm năng như Trung Quốc”, ông Có bày tỏ.