Xuất khẩu gạo năm 2022 sẽ chạm ngưỡng 7 triệu tấn, lập lại kỳ tích năm 2012?


Sau 10 tháng, xuất khẩu gạo đạt gần 6,1 triệu tấn. Đặc biệt, tháng 10, xuất khẩu gạo đạt 713.546 tấn - đây là tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo. Bình quân xuất khẩu 600 ngàn tấn/tháng, cộng với đà tăng tốc giao hàng của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm, liệu kỳ tích năm 2012 có lập lại?

Xuất khẩu gạo năm 2012 đạt 7,72 triệu tấn, là năm ngành gạo Việt Nam có những bứt phá mạnh mẽ và đạt khối lượng xuất khẩu cao kỷ lục.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh nhưng vẫn đảm bảo tiêu dùng trong nước

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 10/2022 đạt 713.546 tấn, trị giá 341,064 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9/2022.

Luỹ kế 10 tháng đầu năm xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,085 triệu tấn, trị giá 2,945 triệu USD, tăng 17,4% về lượng và 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 484 USD/tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù xuất khẩu gạo tăng mạnh nhưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất 3 vụ lúa/năm, và khu vực này đang chuẩn bị thu hoạch lúa vụ Thu Đông 2022, có những địa phương khác đang xuống giống lúa Đông Xuân thì Việt Nam hoàn toàn đảm bảo đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước, và đây cũng không phải là lần đầu tiên xuất khẩu gạo Việt Nam chạm ngưỡng 7 triệu tấn.

Theo lý giải của các thương nhân ở Đồng bằng sông Cửu Long, khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 10 tăng kỷ lục là do có nhiều tàu hàng nước ngoài vào lấy hàng đi châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh ... nên các doanh nghiệp lập tờ khai hải quan trong tháng 10 rất nhiều, nhưng thực tế tàu nằm đến tháng 11 vẫn chưa nhận hàng xong nên lượng gạo xuất khẩu thể hiện trên giấy tăng mạnh.

Thị trường Philippines chiếm hơn 45% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước

Tháng 10/2022, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 268.787 tấn, trị giá 122,907 triệu USD, giảm 2,39% về lượng và giảm 10,37% về kim ngạch so với tháng 10/2021.

Luỹ kế 10 tháng năm 2022 xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 2,739 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 45,02%, trị giá 1,266 tỷ USD, tăng 30,84% về khối lượng và tăng 18,39% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Theo dữ liệu mới nhất của Cục Công nghiệp Thực vật (BPI) Philippines, tính đến cuối tháng 10, tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này đạt 3,234 triệu tấn, cao hơn gần một triệu tấn so với mức 2,242 triệu tấn trong cùng kỳ 10 tháng năm ngoái. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay nhưng phù hợp với kỳ vọng trước đó của thị trường.

Theo ước tính mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Philippines, quốc gia mua gạo lớn thứ hai thế giới, dự kiến ​​sẽ nhập khẩu tổng khối lượng 3,4 triệu tấn gạo trong năm nay.

Dữ liệu của BPI cũng cho thấy tổng lượng gạo nhập khẩu cho đến ngày 3/11 đạt 3,242 triệu tấn, trong đó, có 2,701 triệu tấn gạo đến từ Việt Nam. Ngoài Việt Nam thì Philippines cũng nhập khẩu gạo từ Pakistan, Trung Quốc và Ấn Độ.

Bất ngờ đến từ thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10/2022 đạt 131.609 tấn, trị giá 63.306.470 tấn, tăng 66,68% về lượng và tăng 75,04% về kim ngạch so với tháng 10 năm ngoái.

Luỹ kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 757.575 tấn, chiếm tỷ lệ 12,45%, trị giá 382.676.125 USD, giảm 18,01% về lượng và giảm 16,78% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ riêng 2 thị trường Philippines và Trung Quốc đã chiếm đến 57,47% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước, vì vậy, khi một trong hai nước này có động thái tăng mua sẽ lập tức tác động mạnh mẽ lên thị trường lúa gạo nội địa.

Mặc dù tỷ giá giữa VNĐ và đồng USD có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khuyến khích các nhà xuất khẩu đẩy mạnh bán hàng nhưng theo các thương nhân miền Tây, giá gạo hiện tại rất khó ký hợp đồng mới vì vậy, phần lớn doanh nghiệp sau khi trả nợ hợp đồng cũ xong thì không ký thêm hợp đồng mới và chờ diễn biến thị trường.

Ngày 7/11, gạo 5% tấm loại đóng bao 50 kg/bao đối với gạo Ấn Độ giao dịch ở mức 385 USD/tấn (FOB), gạo 5% tấn Thái Lan giá 405 USD/tấn (FOB), gạo 5% tấm của Việt Nam giá 425 USD/tấn (FOB),

Đối với gạo OM 5451 giá 450 USD/tấn (FOB), gạo DT8 giá 480 USD/tấn (FOB).

Bất ngờ hiện nay đến từ gạo nếp, bởi trên thị trường loại gạo này đang rất hút hàng do các thương nhân Trung Quốc tăng mua để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho các dịp lễ tết cuối năm ở nước này. Giá gạo nếp 10% tấm của Thái Lan giá 625 USD/tấn (FOB), của Việt Nam là 560 USD/tấn (FOB).

Giá gạo Việt Nam tiếp tục tăng trong ngắn hạn

Theo Reuters, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng qua do nhu cầu thấp hơn và đồng rupee giảm, trong khi giá gạo ở Thái Lan tăng nhẹ.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 370- 375 USD/ tấn, giảm từ mức 375- 384 USD/ tấn của tuần trước, trong bối cảnh đồng rupee lao dốc, giúp tăng lợi nhuận của thương nhân từ việc bán ra nước ngoài.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh cho biết, nhu cầu từ người mua châu Phi đang giảm dần trong bối cảnh nguồn cung từ vụ mùa mới tăng lên. Tuy nhiên, lượng mưa lớn ở Ấn Độ đã làm hư hại lúa ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Andhra Pradesh vào đầu tháng này.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được báo ở mức 405- 410 USD/ tấn, so với mức 405 USD/ tấn của tuần trước. Đồng baht của Thái Lan đã được giao dịch gần mức thấp nhất kể từ năm 2006 so với đồng USD, bởi những lo ngại dai dẳng về tăng trưởng toàn cầu và suy thoái.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo nước này sẽ xuất khẩu từ 7 đến 8 triệu tấn gạo trong năm nay, do đồng baht suy yếu làm tăng khả năng cạnh tranh so với Ấn Độ và Việt Nam.

Hiệp hội này cũng cho biết Iraq sẽ quay trở lại mua gạo Thái Lan với số lượng lớn lần đầu tiên sau 7 năm với hơn 1 triệu tấn được mua trong 2 năm, trong khi đó, từ ngày 15 đến 17/11, tại Phuket (Thái Lan) sẽ diễn ra hội nghị Lúa gạo Thế giới lần thứ 14. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan thương mại nước ngoài của Thái Lan giới thiệu về tiềm năng của nước này như một nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.

Đối với gạo 5% tấm của Việt Nam giá không đổi so với tuần trước, vẫn ở mức 425 - 430 USD/tấn, cặp mạn tàu. Dữ liệu giao hàng sơ bộ cho thấy có 15.300 tấn gạo sẽ được bốc ở cảng TPHCM trong khoảng thời gian từ ngày 1 – 11/11, với phần lớn gạo được chuyển đến Philippines và Papua New Guinea. Hiện nay nguồn cung trong nước vẫn đang ở mức thấp và các thương nhân dự đoán giá có thể cao hơn một chút trong ngắn hạn.

Theo Nguyễn Huyền/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn