Cục Hải quan Lào Cai:

Không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

Thùy Linh

Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, ông Phạm Quốc Hưng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai cho biết, việc tăng cường công tác kiểm soát hải quan, thu thập thông tin, nắm sát tình hình địa bàn, nâng cao trách nhiệm, kỉ luật công vụ của công chức hải quan khi thực hiện quy trình, thủ tục hải quan luôn được Cục chú trọng để góp phần đấu tranh phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại trên địa bàn, từ đó chống thất thu cho ngân sách nhà nước.

Phóng viên: Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới luôn được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chú trọng. Xin ông cho biết kết quả thực hiện công tác này của Cục Hải quan Lào Cai từ đầu năm đến nay?

Không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới - Ảnh 1
Ông Phạm Quốc Hưng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai

Ông Phạm Quốc Hưng: Cục Hải quan Lào Cai luôn xác định công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, thường xuyên và liên tục.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Cục Hải quan Lào Cai đã chỉ đạo triển khai, quán triệt kịp thời các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình công tác đến các xhi cục Hải quan cửa khẩu, Đội kiểm soát hải quan. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị căn cứ chức năng, tình hình thực tế địa bàn quản lý xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp, triển khai nghiên túc, có hiệu quả; gắn liền trách nhiệm của cá nhân với địa bàn, kết quả công tác.

Cục Hải quan Lào Cai tăng cường kiểm soát hải quan, thu thập thông tin, nắm sát tình hình địa bàn, nâng cao trách nhiệm, kỉ luật công vụ của công chức hải quan khi thi hành, thực hiện quy trình, thủ tục hải quan; chủ động thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng trên tuyến biên giới, nội địa, chính quyền địa phương.

Song song với đó, Cục luôn chú trọng tăng cường giáo dục, tuyên truyền đến doanh nghiệp, người dân về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, tuyệt đối không tiếp tay, bao che cho hoạt động vi phạm.

Trong giai đoạn từ đầu năm cho đến nay, Cục Hải quan Lào Cai đã phát hiện và xử lý 162 vụ việc, trong đó: vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (gian lận thuế, giá, thủ tục hải quan...) là 138 vụ việc với số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 5,4 tỷ đồng; vi phạm về kiểm soát Hải quan là 21 vụ việc/9 đối tượng với trị giá tang vật thu giữ ước tính 1,15 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 6 đối tượng với số tiền xử phạt là 17,1 triệu đồng.

Đặc biệt, trong đó đã xử lý chuyển khởi tố 1 vụ việc với 2 đối tượng vận chuyển trái phép hàng cấm, thu giữ hơn 20 kg pháo nổ; 1 vụ việc có dấu hiệu hình sự khác, đang trong quá trình tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc. Cục Hải quan Lào Cai cũng phối hợp với các đơn vị ngoài ngành xử lý 3 vụ việc với tang vật thu giữ gồm: ma túy (heroine), thực phẩm kém chất lượng.

Hoạt động giao thương hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Hoạt động giao thương hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Phóng viên: Thời gian qua, một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng về chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hoá, hành lý... để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Xin ông cho biết đâu là khó khăn, vướng mắc đối với việc quản lý hàng hóa xuyên biên giới tại địa bàn tỉnh?

Ông Phạm Quốc Hưng: Với Cục Hải quan Lào Cai, việc các đối tượng lợi dụng không gian thương mại điện tử xuyên biên giới để tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là một trong các phương thức, thủ đoạn mới so với các phương thức buôn lậu truyển thống, đặc biệt sẽ có chiếu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi hơn.

Khó khăn trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tình hình hiện nay do hoạt động thương mại điện tử sử dụng công nghệ cao, hoạt động trên không gian mạng thông qua các website, ứng dụng trên các thiết bị di động có tính ẩn danh cao, sử dụng tài khoản ảo, sim rác, hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài.

Hay như việc thông qua các công ty chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm dưới hình thức quà biếu, quà tặng... để gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong đấu tranh, xử lý. Đồng thời, các sàn thương mại điện tử chưa chặt chẽ ở khâu kiểm soát, xác minh hàng hóa, tạo kẽ hở đưa hàng giả, hàng nhái vào bán trên sàn.

Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu sử dụng việc liên lạc, trao đổi, thỏa thuận thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, do đó gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh làm rõ vi phạm. Khi cơ quan hải quan phát hiện vi phạm thì những đối tượng này lại thông đồng với nhau dưới các hình thức “gửi nhầm hàng”, “từ bỏ” nhằm trốn tránh trách nhiệm. Các vụ vi phạm liên quan đến giao dịch thương mại điện tử thường liên quan đến yếu tố nước ngoài.

Do vậy, nhiều nội dung cần xác minh làm phụ thuộc vào “sự thiện chí” hợp tác của cơ quan hải quan nước bạn. Thực tế, nhiều vụ việc yêu cầu cơ quan hải quan nước bạn cung cấp thông tin nhưng không nhận được kết quả trả lời hoặc kết quả trả lời chung chung, không đúng yêu cầu. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh và xử lý vi phạm liên quan đến giao dịch thương mại điện tử.

Ngoài ra, để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy, thuận lợi trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng, Nhà nước đã quy định nhiều hình thức xác lập giao dịch giữa các bên với nhau. Lợi dụng điều này, các đối tượng vi phạm đã làm giả nhiều hồ sơ, chứng từ, tài liệu để thực hiện các vi phạm. Do các bên thỏa thuận với nhau thông qua hình thức giao dịch điện tử nên gây khó khăn cho công tác giám định, đánh giá chứng cứ trước khi đưa ra quyết định xử lý.

Một khó khăn khác đó là hiện nay chưa có các quy định riêng về chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử. Vì vậy, hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được thực hiện tùy theo phương thức vận chuyển, từ đó dẫn đến việc gặp phải các vướng mắc về hồ sơ hải quan, xác định trị giá hải quan… đặc biệt là các vướng mắc về cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.

Phóng viên: Thời gian tới Cục Hải quan Lào Cai sẽ có những giải pháp nào để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Hưng: Thời gian tới, Cục Hải quan Lào Cai sẽ tiếp tục quán triệt tới các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lào Cai, Tổng cục Hải quan và Ban Chỉ đạo 389 các cấp về chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai.

Cùng với đó, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình về công tác quản lý biên mậu của nước bạn; áp dụng có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan như: tăng cường điều tra, nghiên cứu nắm tình hình; sưu tra; xây dựng cơ sở bí mật, vận động quần chúng tham gia phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Cục Hải quan Lào Cai sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và chính quyền địa phương biên giới trong trao đổi, cung cấp thông tin và tổ chức đấu tranh nhằm ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ tăng cường theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ của công chức hải quan.

Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!