Không giảm trần lãi suất huy động

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Trong những ngày gần đây Vietcombank đã hạ lãi suất đầu vào. Điều này đã khiến nhiều người suy nghĩ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng giảm trần lãi suất huy động như đã từng làm. Liệu trần lãi suất huy động có tiếp tục giảm trong những ngày tới?

NHNN không chủ trương hạ thêm lãi suất huy động. Nguồn: internet
NHNN không chủ trương hạ thêm lãi suất huy động. Nguồn: internet

Theo biểu lãi suất của Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm nhẹ 0,2 điểm phần trăm, về 5,1 %/năm, còn kỳ hạn 3 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm về 5,6%. Mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng của Vietcombank hiện đang thấp nhất thị trường. Ở một số ngân hàng lớn khác như BIDV, ACB cũng dao động dưới 5,5% ở kỳ hạn này.

Trong 2 năm trước, mỗi khi Vietcombank hạ lãi suất, một số ngân hàng lớn cũng hạ theo, và NHNN sau đó cũng thường giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn. Hiện tại, nhiều báo cáo của các công ty chứng khoán đều thiên về hướng nhà đầu tư đang kỳ vọng trần lãi suất sẽ tiếp tục hạ, vốn sẽ có lợi cho dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán.

Một lãnh đạo NHNN cho biết đó không phải là thông lệ. Chỉ khi nào các ngân hàng muốn giải ngân vốn, bằng cách giảm lãi suất đầu ra, thì đành hạ giá vốn đầu vào, nên hạ lãi suất. Còn NHNN nhận thấy thanh khoản của các ngân hàng tốt, các ngân hàng có thể cân đối được dòng tiền, và nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất, thì cơ quan này mới giảm trần lãi suất, với mục tiêu cuối cùng là hạ lãi vay cho doanh nghiệp.

Ông này cho rằng, trong năm nay, lãi suất trần cho các khoản gửi kỳ hạn 6 tháng trở xuống đã là rất thấp, chỉ 6%/năm. Vì vậy, trong thời gian tới NHNN không chủ trương hạ thêm lãi suất huy động. Vì giảm như vậy sẽ gây khó cho các ngân hàng nhỏ trong việc huy động tiền gửi.

Theo vị này, nguồn vốn huy động của Vietcombank trên thị trường 1 (huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế) rất dồi dào, thường hệ số sử dụng vốn (vốn vay trên vốn huy động thị trường 1) dưới 80%, vì vậy việc ngân hàng này huy động với giá rẻ hơn một số ngân hàng khác là không lạ. Và chỉ một thời gian ngắn thôi, khi tín dụng ấm hơn, khả năng các ngân hàng, trong đó có Vietcombank sẽ lại đưa lãi suất huy động lên. Vì việc hạ lãi suất sẽ ảnh hưởng đến nguồn tiền vào ngân hàng.

Tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ cũng cho rằng việc khó cho vay khiến các ngân hàng phải hạ lãi suất để giảm chi phí huy động vốn. Tuy vậy, bản thân ngân hàng chỉ sống được khi huy động tăng, nên sẽ không thể duy trì lãi suất thấp hơn các ngân hàng khác trong thời gian dài được, trừ phi NHNN hạ luôn trần lãi suất. Vì vậy, trong trường hợp cả thị trường vẫn giữ lãi suất như cũ, ngân hàng ông không nghĩ đến chuyện hạ lãi suất huy động thêm.

Ông này cho rằng, việc hạ lãi suất phải xem xét kỹ lưỡng, vì một khi khách hàng đã rút tiền để gửi vào ngân hàng khác sẽ khó mà đưa họ quay trở lại. Cho dù có những thời điểm ngân hàng ông phải cho vay lãi suất thấp, ảnh hưởng đến lợi nhuận, nhưng không vì thế mà ngân hàng mạnh tay hạ lãi suất.

"Giữ được khách hàng gửi tiền rất khó, nhưng kiếm được người cho vay cũng khó không kém", vị này nói.

Theo ông, hiện tại có một số ngân hàng có nguồn vốn dồi dào, nhờ vào tiền gửi liên ngân hàng của các ngân hàng khác, đã mạnh dạn hạ lãi suất cho vay, giành giật khách hàng với ngân hàng nhỏ, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống. “Họ không lo ngại rủi ro, chấp nhận lấy các khoản vay ngắn hạn, để cho vay dài hạn, thì ngân hàng nhỏ chắc chắn không thể cạnh tranh nổi”, vị này nói.

Trong năm nay, NHNN đã hạ trần lãi suất huy động một lần, vào ngày 18-3, từ mức 7%/năm xuống còn 6%. Trong khi đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng bày tỏ nguyện vọng muốn bỏ luôn mức trần này.

Lãi suất cho vay cũng đã đồng loạt hạ xuống trong các tháng sau đó. Theo vị lãnh đạo NHNN nói trên, dư nợ cho vay có lãi suất dưới 10% hiện đã chiếm đến 40% tổng dư nợ. Chiếm nhiều nhất trong các khoản vay có lãi suất thấp là các lĩnh vực được ưu tiên như doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn, công nghệ cao, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ.

Đa phần các ngân hàng đang cho vay kỳ hạn ngắn với lãi suất từ 8-10%/năm, còn kỳ hạn dài khoảng từ 10-13%/năm, giảm nhẹ so với đầu năm.