Không in tiền lẻ mới cho dịp Tết
Chủ trương không đưa tiền mệnh giá nhỏ mới (từ 5.000 đồng trở xuống) vào lưu thông tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước triển khai trong năm thứ 4 liên tiếp.
Thông tin nêu trên được Phó thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ với báo chí sáng 12/1. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đưa các loại tiền mệnh giá nhỏ (5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng, 500 đồng) đã sử dụng vào lưu thông dịp Tết năm nay.
Trước đó, từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ (từ 5.000 đồng trở xuống) vào lưu thông. Theo tính toán của cơ quan này, việc không phát hành tiền mới in vào dịp tết, đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 1.500 tỷ đồng, gồm chi phí in, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, phân loại, kiểm đếm...
Cụ thể, năm 2013, khi lần đầu thực hiện không in mới tiền 500 đồng, Ngân hàng Nhà nước đã tiết kiệm được 95 tỷ đồng chi phí in ấn, vận chuyển, kiểm đếm. Năm 2014, không in mới tiền 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng tiết kiệm được 314 tỷ đồng. Năm 2015 và 2016, không đưa tiền 5.000 đồng trở xuống mới vào lưu thông, cơ quan này cũng tiết kiệm được thêm gần 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các mệnh giá khác, Ngân hàng Nhà nước vẫn đưa ra một lượng tiền mới nhất định và đảm bảo đủ số lượng để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Ngoài đáp ứng các nhu cầu thanh toán tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các nhà băng đảm bảo thông suốt hệ thống liên ngân hàng trong dịp trước và sau Tết. Để đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý yêu cầu kéo dài thời gian hoạt động của hệ thống thanh toán liên ngân hàng cuối mỗi ngày thêm một giờ làm việc trong các ngày từ 1/2 đến 5/2.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải xây dựng phục vụ nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.