Không ngừng tăng, chỉ số S&P 500 đã lập kỷ lục 64 phiên trong năm 2021
Chỉ số S&P 500 đã lập kỷ lục 64 phiên trong năm 2021 và tính từ đầu năm đến nay tăng khoảng 25%.
Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục vào ngày thứ Hai sau khi Quốc hội Mỹ chấp thuận gói chi tiêu hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,09% và đóng cửa vượt mức 4.700 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 0,3% và đóng cửa ở 36.432,2 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,07% lên 15.982,3 điểm. Cả ba chỉ số này như vậy đóng cửa ở mức cao kỷ lục.
Hạ viện Mỹ vào cuối ngày thứ Sáu tuần trước đã thông qua gói phát triển cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 1 nghìn tỷ USD, gói này hiện đã được gửi lên Tổng thống Joe Biden ký thông qua. Thượng viện Mỹ lần đầu thông qua gói hạ tầng vào tháng 8, gói sẽ giúp mang đến nguồn vốn mới cho giao thông, viễn thông và nhiều dự án hạ tầng khác.
Chuyên gia phân tích thuộc Citigroup, ông Anthony Pettinari, nhận định: “Nhà đầu tư đã chờ gói chi tiêu cơ sở hạ tầng suốt nhiều thập kỷ qua. Chúng tôi coi đây như động lực tăng trưởng quan trọng cho nhiều loại cổ phiếu”.
Cổ phiếu các công ty công nghiệp và hàng hóa nguyên liệu thô tăng điểm mạnh bởi nhóm doanh nghiệp ngành này nhiều khả năng sẽ hưởng lợi từ gói chi tiêu.
Cổ phiếu doanh nghiệp khai mỏ Freeport-McMoRan, công ty sản xuất vật liệu xây dựng Vulcan và sản xuất thép Nucor thuộc nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhớm S&P 500. Cổ phiếu các công ty xây dựng Caterpillar dẫn đầu mức tăng của các cổ phiếu thuộc chỉ số Dow Jones. Cổ phiếu công ty sản xuất thiết bị Deere tăng khoảng 1,6%.
Cổ phiếu Tesla giảm điểm sâu sau khi nhà sáng lập của Tesla, tỷ phú Elon Musk, trong cuộc khảo sát mới đây trên Twitter đã hỏi xem liệu ông có nên bán 10% cổ phiếu Tesla hay không.
Chỉ số S&P 500 đã lập kỷ lục 64 phiên trong năm 2021 và tính từ đầu năm đến nay tăng khoảng 25%.
Nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin về lạm phát dự kiến được công bố trong tuần tới. Trong những ngày tới, dự kiến sẽ có chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng được công bố.
Fed cũng đang xem xét đến số liệu lạm phát và việc làm để hướng đến mục tiêu bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Việc kinh tế toàn cầu hồi phục trở lại sau khoảng thời gian suy giảm mạnh vào năm ngoái đang diễn biến dần đến giai đoạn quan trọng khi mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế và các nhà điều hành doanh nghiệp chật vật với quá trình dịch chuyển từ việc mở cửa thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 sang khoảng thời gian có tốc độ tăng trưởng bình thường hơn.
Theo Wall Street Journal, ngân hàng trung ương tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới đang cố gắng tính đến cách điều chỉnh chính sách để giúp hạn chế lạm phát tuy nhiên không gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Họ đang phải chật vật điều chỉnh nền kinh tế khỏi các biện pháp kích thích chưa từng có tiền lệ bao gồm lãi suất thấp kỷ lục, các chương trình mua trái phiếu được triển khai nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế.
Việc tiêu dùng của người Mỹ tăng mạnh trong năm vừa qua, nhờ vào hàng nghìn tỷ USD kích cầu, đã gây ra nhiều ảnh hưởng lên chuỗi cung ứng khắp toàn cầu. Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng hiện đang ngày một tệ hơn và nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2022.
Kết quả, giá cả tăng cao và cuộc chạy đua giành nguồn cung hàng hóa nguyên liệu cũng như lao động đang gây ra nhiều áp lực lên các doanh nghiệp, đồng thời gây tổn hại đến nhiều nền kinh tế như Đức.
Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực cải tổ kinh tế nước này, cụ thể, Trung Quốc cố gắng hạn chế nợ của các hộ gia đình và nợ doanh nghiệp, đặc biệt cải tổ hệ thống nhà đất ở nước này, hạn chế ngành công nghệ phát triển quá nóng cũng như theo đuổi nhiều mục tiêu khí hậu – tất cả các tham vọng này sẽ có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và nhiều nơi khác.
Kết quả, quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu, dù vẫn mạnh nhưng đang ở giai đoạn quan trọng, khả năng sai lầm chính sách hoàn toàn có thể xảy ra.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics ở London, ông Neil Shearing, nhận xét: “Đây thực sự là giai đoạn khó của quá trình phục hồi kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách cần phải tính toán được điều gì vĩnh viễn và điều gì trong ngắn hạn”.
Nếu các ngân hàng trung ương hành động quá chậm chạp, lạm phát có thể sẽ tiếp tục tăng, giá cả tăng cao và mức lương cao ảnh hưởng lẫn nhau. Tuy nhiên nếu lãi suất được điều chỉnh tăng quá nhanh, điều này sẽ tác động đến quá trình phục hồi kinh tế và đồng thời khiến cho mọi chuyện khó khăn hơn bởi nợ tại nhiều nước hiện đã ở mức quá cao.
“Thực tế quá khó để dự đoán và không hề dễ đưa ra chính sách”, chủ tịch Fed Jerome Powell nói với phóng viên vào ngày thứ Tư sau khi công bố kế hoạch thu hẹp chương trình mua trái phiếu quy mô 120 tỷ USD/tháng.
“Lạm phát đã tăng cao hơn kỳ vọng, các điểm nghẽn tồn tại dai dẳng hơn. Có thể thấy chúng ta sẽ phải chuẩn bị cho khả năng lạm phát sẽ vẫn cao ngay cả sang năm sau”, ông nói thêm.