Không phải cổ phần hóa là cái gì cũng bán!

Theo Lê Mỹ/enternews.vn

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần rà soát danh mục các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà Nhà nước dự kiến sẽ cổ phần hóa đến năm 2025 trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việc Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không thực hiện cổ phần hóa Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cũng là một điều đáng bàn.

Từ chuyện TP. Hồ Chí Minh...

Saigontourist hiện đang quản lý 4 khách sạn: Bến Thành- Rex Hotel, Cửu Long- Majestic Hotel, Hoàn Cầu- Continental Hotel và Khách sạn Kim Đô có giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật cần được bảo tồn và có vị trí tại trung tâm thành phố, cần được đảm bảo về mặt an ninh - quốc phòng.

Bên cạnh đó, các DNNN của TP. Hồ Chí Minh thuộc diện cổ phần hóa đang có 29 khoản vốn góp liên doanh bằng quyền sử dụng đất với các tổ chức nước ngoài để thành lập các công ty liên doanh, và các khu đất công ty liên doanh đang sử dụng cũng có vị trí quan trọng mang tính đảm bảo an ninh – quốc phòng trước mắt và lâu dài.

TP. Hồ Chí Minh cho rằng Nhà nước cần thiết phải quản lý 4 khách sạn của Saigontourist và phần vốn góp tại các liên doanh nói trên.

Cần rà soát, đánh giá

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, đề xuất nói trên của TP. Hồ Chí Minh là cần thiết bởi quá trình định giá đất của các tài sản thuộc các DNNN phải cổ phần hóa hiện tại, dường như chưa được đánh giá đầy đủ về yếu tố vị trí trọng yếu và liên quan đến an ninh-quốc phòng trong tầm nhìn dài hạn.

Tuy nhiên, để đảm bảo cho kiến nghị trên có cơ sở cụ thể, TP. Hồ Chí Minh cần lập Tổ công tác liên ngành đánh giá đầy đủ về yếu tố vị trí của các dự án khách sạn và các dự án thuộc liên doanh.

Ngoài ra, ông Hiển cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần lập đề án chi tiết về triển khai lập Công ty 100% vốn nhà nước thuộc TP. Hồ Chí Minh để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Saigontourist và các khoản góp vốn liên doanh nêu trên, nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh và quản lý vốn Nhà nước trong tương lai.

“Từ kiến nghị nói trên của TP. Hồ Chí Minh, rất cần xác định rõ rằng: Thứ nhất, không phải cái gì của Nhà nước cũng bán. Thứ hai, khẩn thiết cần một sự rà soát trên toàn danh mục mà Nhà nước dự kiến sẽ cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ trong thời gian từ nay đến 2025, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành”, TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.