Không sử dụng kết quả kiểm tra của lô hàng trước cho các lô hàng sau
Cục Hải quan Đồng Nai vừa có công văn hướng dẫn doanh nghiệp về việc sử dụng kết quả kiểm tra chất lượng hàng bảo hộ lao động khi làm thủ tục hải quan.
Tại Cục Hải quan Đồng Nai có một số doanh nghiệp gặp vướng mắc về việc sử dụng kết quả kiểm tra chất lượng hàng bảo hộ lao động khi làm thủ tục hải quan. Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH Nagae nhập khẩu mặt hàng “găng tay bằng vải (mã HS 61169900)”. Công ty TNHH Nagae đề nghị được sử dụng kết quả kiểm tra chất lượng của lô hàng này để áp dụng cho những lô hàng sau cùng một chủng loại, cùng nhà cung cấp và cùng mã HS.
Theo Cục Hải quan Đồng Nai, căn cứ Thông tư số 37/2015/TT-BCT ngày 30-10-2015 của Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuộc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, mặt hàng “găng tay bằng vải” thuộc phụ lục I – danh mục sản phẩm dệt may phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuộc nhuộm azo ban hành kèm theo Thông tư nêu trên.
Theo quy định tại Thông tư 37 nêu trên và Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, mặt hàng “găng tay bằng vải” thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành. Do đó, để có cơ sở thông quan lô hàng, công ty cần cung cấp thông báo kết quả kiểm tra nhà nước cho lô hàng nhập khẩu đạt yêu cầu theo quy định trên cho chi cục Hải quan nơi làm thủ tục.
Cục Hải quan Đồng Nai cũng nhấn mạnh, thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành được cấp cho từng lô hàng mà không có quy định được sử dụng kết quả của lô hàng trước cho các lô hàng sau. Do đó, việc đề nghị cho phép sử dụng kết quả kiểm tra chất lượng của lô hàng này để áp dụng cho những lô hàng sau cùng một mặt hàng như đề nghị của công ty là không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Trong thời gian chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành làm cơ sở thông quan chính thức lô hàng, doanh nghiệp có thể đưa hàng về bảo quản theo quy định tại Thông tư 38 của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, theo quy định của Thông tư 37, có các trường hợp được áp dụng trong thực tế như kiểm tra giảm, kiểm tra hồ sơ và kiểm tra xác suất để rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành. Doanh nghiệp có thể tham khảo các quy định về áp dụng các hình thức kiểm tra nêu trên và liên hệ trực tiếp tổ chức được ủy quyền thực hiện kiểm tra nhà nước thuộc Bộ Công Thương để được giải quyết.