Kịch bản nào cho cổ phiếu ngành Ngân hàng nửa cuối năm 2023?
Là một trong các trụ cột chính đóng góp lớn nhất và vốn hóa của VN-Index, cổ phiếu Ngân hàng được dự báo có nhiều khả quan khi dòng tiền lớn bắt đầu gia nhập lại thị trường chứng khoán.
Tăng mạnh nhờ sự hỗ trợ của các chính sách
Tính đến ngày 31/7/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.222,90 điểm, tăng 9,2% so với cuối tháng trước và tăng 21,4% so với cuối năm 2022.
Sự tích cực của thị trường cũng được nhìn thấy ở các cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, tính đến hết tháng 7, có 21/27 mã ngân hàng ghi nhận tăng trưởng trên 10%. Trong đó, có 5 cổ phiếu tăng mạnh hơn so với VN-Index.
Nhiều mã ngân hàng tăng mạnh trong 7 tháng qua như: PGB tăng hơn 77%, NAB tăng 44%, VBB tăng 50%, STB tăng 23%, VPB tăng 20%, BID tăng 19%, VCB tăng 11%...
Hầu hết giá cổ phiếu ngân hàng có sự bứt tốc vào giai đoạn tháng 5 khi dòng tiền lớn bắt đầu gia nhập thị trường. Ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô và vi mô buộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế.
Chính sách tiền tệ nới lỏng đang dần “ngấm” vào thị trường, lãi suất huy động giảm mạnh. “Tiền rẻ” thực sự thể hiện trên liên ngân hàng khi lãi suất qua đêm nằm sâu dưới 0,5%/năm. Thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan, không chỉ điểm số tăng mà giá trị giao dịch được cải thiện mạnh mẽ. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Tại chương trình “Tiêu điểm chứng khoán cuối tuần: Chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm 2023”, do Công ty chứng khoán MB (MBS) tổ chức mới đây, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng MBS cho rằng, các động thái giảm lãi suất điều hành tạo dư địa cho việc hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn, qua đó cải thiện nhu cầu tín dụng.
Ngoài ra, hành động trên của Ngân hàng Nhà nước cũng giúp cho biên lợi nhuận thuần của các ngân hàng có khả năng cải thiện trong nửa cuối năm. Nhìn chung, ngành Ngân hàng trong năm 2023 có thể có sự phân hóa, khi các nhà băng có bộ đệm dự phòng, chất lượng tài sản tốt sẽ có được lợi thế vững chắc hơn trước những khó khăn của nền kinh tế trong năm nay.
“Ngân hàng và Chứng khoán là một trong những ngành được hưởng lợi từ việc hạ lãi suất. Nhà đầu tư chỉ cần chờ những nhịp chỉnh tốt để mua những cổ phiếu đầu ngành thuộc những lĩnh vực này thì sẽ được hưởng quả ngọt”, ông Hoàng Công Tuấn đánh giá.
Bên cạnh đó, quyết định “nới room” cho một số ngân hàng thương mại cũng là chất xúc tác lớn cho đà tăng kết quả kinh doanh của ngân hàng, đồng thời phản ánh vào giá cổ phiếu của ngân hàng đó. Có thể kể đến như BID, tăng mạnh 8,9% so với tháng 6/2023 khi có thông tin được nới room lên 14%.
Xu hướng tăng theo chỉ số chung
Theo TS. Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Đầu tư kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu, Dragon Capital Việt Nam, đối với triển vọng đối với ngành Ngân hàng, hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index, vẫn tích cực với mức dự phóng tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) khoảng 10% cho năm 2023.
“Khó có giai đoạn nào có thể mua cổ phiếu ngân hàng, nhất là ngân hàng tư nhân, với định giá thấp như lúc này. Cổ phiếu TCB, MBB, ACB đang giao dịch xung quanh giá trị sổ sách, cổ phiếu VPB thì giao dịch thấp hơn 40% so với giá bán cổ phần cho đối tác chiến lược. Hiện có nhiều lựa chọn đầu tư hấp dẫn đối với cổ phiếu ngân hàng”, ông Tuấn chia sẻ.
Xét về mức định giá thì mức P/B trung bình của ngành Ngân hàng đang ở mức 1,6 lần, tương đối thấp so với mức trung vị trong 5 năm nay và chỉ cao hơn mức đáy thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 và giai đoạn căng thẳng cuối năm 2022.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư từng có góc nhìn thận trọng về nhóm cổ phiếu ngân hàng trước những khó khăn liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và rủi ro nợ xấu. Nhưng khi các vấn đề này dần được tháo gỡ bằng những quyết sách của Ngân hàng Nhà nước như Thông tư số 02/2022/TT-NHNN và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN về tái cơ cấu nợ xấu, khơi dòng chảy cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin dần trở lại và cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn với mức định giá thấp.
Bà Phạm Liên Hà - Giám đốc Nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính, HSC cho rằng, cơ hội lớn nhất đối với ngành Ngân hàng nửa cuối năm nay là lãi suất. Lãi suất huy động giảm sẽ giúp giảm chi phí vốn của ngân hàng. Đồng thời, xu hướng giảm lãi suất tiếp diễn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nửa cuối năm 2023 cũng như năm 2024.
Theo ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Khối Phân tích, công ty tư vấn tài chính và quản lý gia sản FIDT, triển vọng thị trường chứng khoán vào những tháng cuối năm tương đối khả quan, đặc biệt khi những chính sách, động thái hỗ trợ nền kinh tế đem lại những hiệu quả ban đầu nhất định...
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam thường gắn liền với ngành Ngân hàng – một trong các “trụ cột” chính đóng góp lớn nhất vào vốn hóa của VN-Index. Do đó, triển vọng ngành Ngân hàng cũng sẽ lạc quan, khi thị trường được dự báo sẽ khởi sắc.