Kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023 cho biết, trong năm qua, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành, tăng cường các biện pháp quản lý nợ công; giám sát chặt chẽ nợ chính quyền địa phương, đảm bảo các chỉ số nợ trong phạm vi Quốc hội quyết định. Việc quản lý, kiểm soát tốt nợ công đã góp phần nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Kiểm soát tốt nợ công, nâng mức xếp hạng tín nhiệm
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, dự kiến, đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 43-44% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18-19% tổng thu NSNN; thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội
Kết quả trên góp phần nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Năm 2022, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, “triển vọng ổn định”; Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, “triển vọng ổn định”.
Thành quả trên cho thấy, sự chủ động trong quản lý, điều hành tài chính - ngân sách, kiểm soát chặt chẽ nợ công của Bộ Tài chính thông qua việc triển khai hiệu quả các giải pháp.
Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022 về Chiến lược nợ công đến năm 2030; Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 12/4/2022 về Chương trình quản lý nợ công giai đoạn 2022-2024 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.
Cùng với đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại năm 2022; đồng thời, báo cáo Quốc hội về tình hình nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023.
Bộ Tài chính cũng đã chủ động điều hành, tăng cường quản lý nợ công, nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh; giám sát chặt chẽ nợ chính quyền địa phương, đảm bảo các chỉ số nợ năm 2022 trong phạm vi Quốc hội quyết định.
Đặc biệt, trong năm qua, Bộ Tài chính tham mưu với cơ quan có thẩm quyền tiếp tục tái cơ cấu lại danh mục nợ theo hướng bền vững. Để đạt được mục tiêu này, trong năm qua, đã thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ với kỳ hạn từ 10 năm trở lên với lãi suất bình quân là 3,41%/năm. Nhờ đó, giúp duy trì kỳ hạn còn lại của danh mục nợ trái phiếu chính phủ dài hơn so giai đoạn trước, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các giải pháp quản lý nợ bền vững, Chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ hằng năm, quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ và vay về cho vay lại; tăng cường giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương.
Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia
Trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ công, nợ của chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Cụ thể, tiếp tục kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định và phấn đấu thấp hơn, qua đó giảm nợ công. Các khoản vay mới vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Bố trí thanh toán trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định; bám sát các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hàng năm. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững...