Quản lý, kiểm soát nợ công an toàn, bền vững
Nhờ công tác quản lý nợ công được triển khai hiệu quả, các chỉ tiêu an toàn nợ công đến cuối năm 2022 tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa, đóng góp vào việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Các chỉ tiêu an toàn nợ công nằm trong giới hạn cho phép
Theo Bộ Tài chính, các chỉ tiêu an toàn nợ công đến cuối năm 2022 tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa, tạo dư địa dự phòng để có thể chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô.
Theo đó, trên cơ sở ước thực hiện vay, trả nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, dự kiến ước nợ công năm 2022 ở mức 43-44% GDP; Nợ Chính phủ là 40-41% GDP; Nợ nước ngoài của quốc gia là 40-41% GDP; Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 18-19% trên thu ngân sách nhà nước; Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia là 6-7% trên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2022 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra. Dư nợ trong nước tăng lên, chiếm 70% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 13,78 năm tính đến ngày 14/9/2022); nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi dài hạn, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Ngoài ra, nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% GDP năm 2022.
Bộ Tài chính cho biết, chủ nợ đối với danh mục nợ của Chính phủ đa dạng. Đối với nợ trong nước, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ đã được phát triển theo hướng đa dạng, tăng cường vai trò của các nhà đầu tư dài hạn, giảm dần tỷ trọng nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thương mại. Đối với nợ nước ngoài, chủ nợ chủ yếu là các đối tác phát triển song phương và đa phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á.
Về cơ cấu đồng tiền vay, dư nợ vay bằng tiền VNĐ chiếm phần lớn danh mục nợ Chính phủ, dự kiến đạt trên 70% đến hết năm 2022, nợ bằng ngoại tệ chủ yếu là đồng USD, EUR, JPY, phù hợp với định hướng nguồn vốn trong nước là quyết định, vốn nước ngoài là quan trọng.
Kỳ hạn phát hành bình quân của danh mục nợ tiếp tục duy trì tương đối dài, lãi suất hợp lý, phù hợp với diễn biến thị trường. Việc tái cơ cấu danh mục trái phiếu Chính phủ thông qua kéo dài kỳ hạn phát hành và duy trì thời gian đáo hạn bình quân (ATM) ở mức hợp lý giúp giảm rủi ro tái cấp vốn (đảo nợ) của ngân sách theo đúng chủ trương của Đảng và Quốc hội.
Toàn bộ trái phiếu Chính phủ phát hành từ đầu năm 2022 đến nay có kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân duy trì ở mức cao, đến ngày 14/9/2022 là 13,78 năm (cao hơn 0,73 năm so với cùng kỳ năm 2021), ATM danh mục trái phiếu Chính phủ là 9,13 năm, giảm 0,14 năm so với cuối năm 2021 (9,27 năm).
Thời gian vừa qua, lãi suất trong nước tuy có tăng nhưng mặt bằng chung vẫn thấp so với giai đoạn trước. Nguồn vay trong nước chủ yếu là lãi suất cố định bằng VNĐ. Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ được điều hành thận trọng, đảm bảo phối hợp hài hòa với điều hành chính sách tiền tệ. Do biến động lãi suất trên thị trường tài chính - tiền tệ trong và ngoài nước, lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ trong nước từ cuối tháng 2/2022 đến nay có xu hướng tăng nhanh, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ.
Nguồn vốn vay ODA với lãi suất thấp tiếp tục được duy trì, tỷ trọng vốn vay ưu đãi tăng nhưng không nhiều, theo đó lãi suất bình quân gia quyền danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ khoảng 1,4%/năm, thời gian đáo hạn bình quân khoảng 9,14 năm.
Hiệu quả quản lý nợ công giúp nâng hạng tín nhiệm quốc gia
Công tác quản lý, sử dụng nợ công tiếp tục được tăng cường, ngày càng hiệu quả hơn. Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là cơ sở quan trọng để tiếp tục cải cách công tác quản lý nợ công bền vững, hiệu quả.
Theo đó, Bộ Tài chính đã thực hiện đúng mục tiêu quản lý nợ theo Chiến lược đề ra, triển khai các biện pháp huy động vốn với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý, điều chỉnh cơ cấu và khối lượng vay phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn cũng như điều kiện thị trường.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trong nước thông qua đa dạng hóa các sản phẩm và mở rộng cơ sở nhà đầu tư dài hạn; chú trọng xây dựng đồng bộ hệ thống công cụ quản lý nợ công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay về cho vay lại, không cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; thúc đẩy, hỗ trợ công tác giải ngân, đảm bảo trả nợ đúng hạn.
Bộ Tài chính cũng đã quán triệt nghiêm việc tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn vay và nợ công. Thời gian qua, việc huy động vốn để đáp ứng nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước đã đạt kết quả tích cực, từng bước sát với nhu cầu thực tế, giảm thiểu rủi ro. Đối với huy động trái phiếu Chính phủ trong nước, kỳ hạn, lãi suất đã diễn biến thuận lợi hơn giai đoạn trước. Các nguồn lực có chi phí thấp được sử dụng linh hoạt, cơ sở nhà đầu tư được đa dạng hóa để giảm thiểu phụ thuộc vào ngân hàng thương mại.
Đối với huy động vốn ODA, ưu đãi nước ngoài, trong bối cảnh vốn ODA giảm, điều kiện vay tiến sát thị trường, các chương trình, dự án được sàng lọc kỹ và phải hoàn thành thủ tục đầu tư mới đàm phán ký kết đảm bảo lợi ích quốc gia.
Cùng với quản lý chặt chẽ nợ công, Bộ Tài chính đã triển khai có hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia thể hiện qua việc hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam liên tục được các tổ chức nâng hạng. Ngày 26/5/2022, tổ chức S&P nâng từ mức BB lên mức BB+, triển vọng Ổn định; ngày 6/9/2022, tổ chức Moody’s nâng từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định...
Hiệu quả kiểm soát nợ công an toàn, bền vững trong khi vẫn điều hành chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế được các tổ chức xếp hạng ghi nhận là một trong những yếu tố chính đóng góp vào quyết định nâng hạng. So với mục tiêu đạt mức xếp hạng Đầu tư đề ra tại Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030, Việt Nam còn cách một bậc đối với thang điểm của S&P và hai bậc đối với thang điểm của Moody’s.
Việc nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức có ý nghĩa hết sức tích cực, góp phần nâng cao uy tín quốc gia cũng như tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ nền kinh tế, có tác động giảm chi phí vay của Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, thu hút thêm các nguồn vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.