Kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Theo Việt Anh/baodauthau.vn

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) kế thừa những quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004, song Luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới đáng chú ý.

Nhiều giao dịch ngoài lãnh thổ Việt Nam tiềm ẩn yếu tố hạn chế cạnh tranh sẽ được xử lý khi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) ra đời. Ảnh: Bùi Đức Thâu
Nhiều giao dịch ngoài lãnh thổ Việt Nam tiềm ẩn yếu tố hạn chế cạnh tranh sẽ được xử lý khi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) ra đời. Ảnh: Bùi Đức Thâu

Việc sửa đổi này nhằm khuyến khích cạnh tranh, đồng thời giải quyết những vấn đề xã hội, khắc phục khiếm khuyết của thị trường dựa trên những nguyên tắc tuân thủ đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể trên thị trường cạnh tranh.

Kết hợp chặt chẽ tư duy kinh tế và tư duy pháp lý

Tại Hội thảo phổ biến Luật Cạnh tranh (sửa đổi) vừa diễn ra, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) thuộc Bộ Công Thương cho biết, Luật đã đổi mới cách tiếp cận các hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa tư duy pháp lý và tư duy kinh tế. Sự kết hợp này sẽ đi vào bản chất của vấn đề so với cách tiếp cận “cứng” của Luật cũ.

Thông tin tại Hội thảo, bà Trần Phương Lan, Phòng Giám sát và Quản lý cạnh tranh thuộc Cục CT&BVNTD cho hay, luật này có nhiều điểm mới nổi bật. Đó là: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; sửa đổi, bổ sung hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước; hoàn thiện quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và bổ sung quy định về chính sách khoan hồng; hoàn thiện các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế; hoàn thiện quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh...

Trong đó, đáng chú ý là Luật khẳng định quyền điều tra, xử lý với bất kỳ hành vi nào cho dù xảy ra ở đâu mà tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường của Việt Nam. Bà Lan chia sẻ, khi Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại Big C tại Việt Nam, giao dịch này đã khiến các đơn vị cung cấp sản phẩm đầu vào cho hệ thống Big C rất quan ngại. Cơ quan cạnh tranh cũng nhận thấy, đây là thương vụ tiềm ẩn vấn đề về cạnh tranh, nhưng do giao dịch ngoài lãnh thổ Việt Nam nên với quy định của pháp luật lúc đó thì cơ quan cạnh tranh không thể vào cuộc xử lý.

Một số vấn đề khác cũng gây nhức nhối thời gian qua liên quan đến việc "bắt tay" nâng cước phí vận tải biển, hay việc thỏa thuận để nâng giá thuốc tân dược một cách bất hợp lý...

Theo bà Lan, do Luật Cạnh tranh 2004 chưa có các quy định để xử lý các vụ việc có dấu hiệu tương tự được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nên các cơ quan chức năng không thể vào cuộc điều tra được. “Tất cả những hiện tượng, hành vi tương tự như thế này sẽ được xử lý tại Luật mới và sẽ tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN”, bà Lan cho biết. 

Cần sớm có hướng dẫn Luật

Bày tỏ băn khoăn về việc phạt tiền đối với hành vi vi phạm cạnh tranh, bà Phạm Phương Thảo thuộc Đại học Luật Hà Nội đặt câu hỏi: Theo quy định của Luật mới mức phạt tiền tối đa với DN vi phạm là 10% tổng doanh thu của DN vi phạm trong năm tài chính trước đó, mức phạt này thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất được quy định tại Bộ luật Hình sự. Nếu cơ quan cạnh tranh điều tra phát hiện hành vi vi phạm và đưa ra mức phạt tiền vượt mức phạt tiền trong Bộ luật Hình sự (khoảng 1 tỷ đồng), trường hợp này xử lý như thế nào?

Về vấn đề này, ông Tân thừa nhận, đây cũng là băn khoăn lớn mà cơ quan soạn thảo đặt ra trong quá trình xây dựng Luật. Theo ông Tân, để đảm bảo quá trình thực thi Luật hiệu quả, tới đây, nghị định hướng dẫn Luật sẽ có hướng dẫn, nhưng về lâu dài, để đảm bảo tính hài hòa trong xử lý vi phạm, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định về mức phạt tiền của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là sức lan tỏa tinh thần tự giác của DN. Tất cả DN phải cạnh tranh một cách lành mạnh, không có những thỏa thuận có tính chất bóp nghẽn thị trường, làm sai lệch, kìm hãm đối thủ.

Tại Hội thảo, nhiều DN, luật sư, chuyên gia kinh tế bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành hướng dẫn đảm bảo quá trình thực thi một cách hiệu quả, tránh việc Luật có hiệu lực nhưng chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn.

Thông tin từ đại diện Bộ Công Thương cho hay, ngay sau khi Luật mới được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phân công các cơ quan xây dựng văn bản hướng dẫn Luật. Bộ Công Thương sẽ tập trung xây dựng 3 nghị định: Nghị định thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Nghị định quy định hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm cạnh tranh. Đến nay, Bộ đã thành lập Tổ soạn thảo xây dựng các nghị định, đồng thời tổ chức các chuỗi sự kiện nhằm tuyên truyền phổ biến Luật vào cuộc sống.