Kiểm soát lạm phát dưới 4%: Nhiệm vụ không dễ dàng

Theo daibieunhandan.vn

Vượt qua nhiều yếu tố tác động đến giá cả, lạm phát năm 2016 vẫn nằm trong giới hạn 5% Quốc hội (QH) đặt ra. Điểm tích cực này được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô những năm tới. Tuy vậy, nhiều yếu tố cho thấy việc kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 4% trong năm 2017 như mục tiêu QH đã đặt ra không dễ dàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Hy vọng trong dài hạn

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2016 và dự báo 2017 diễn ra sáng ngày 29/12, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương, TS. Lê Quốc Phương cho biết, năm 2016, Chính phủ đã hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% theo yêu cầu của QH. Đây là tin vui trong một năm giá cả thị trường có nhiều biến động. Kết quả này tiếp nối chủ trương kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý (từ năm 2012 đến nay, lạm phát luôn được duy trì ở mức 1 con số).

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố hôm 28/12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 là 4,74%, bình quân mỗi tháng tăng khoảng 0,4%; lạm phát cơ bản tăng 1,87% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản bình quân năm 2016 tăng 1,83% so với bình quân năm 2015. Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Ngô Trí Long cho rằng, để đạt được kết quả này không đơn giản.

Bởi lẽ, năm qua, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Ở trong nước, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, ô nhiễm môi trường gây sức ép lên thị trường giá cả. Riêng về giá xăng, từ đầu năm đến nay đã 13 lần tăng giá. Mức tăng gần nhất và cao nhất là vào ngày 20/12 vừa qua ở mức 1.000 đồng/lít. Là đầu vào cho nhiều ngành sản xuất, kinh doanh nên biến động giá xăng dầu luôn khiến giá cả hàng hóa tăng theo.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính Nguyễn Bá Minh, năm qua, các nhà điều hành đã vượt qua mọi khó khăn và thách thức để tạo dựng những nhân tố và nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Chính nền tảng ban đầu này cho hy vọng về chặng đường tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Mục tiêu đầy thách thức

Tại Hội thảo, các chuyên gia nhận định, năm tới, giá cả trong nước tiếp tục biến động và gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn với giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới. Trong khi đó, kinh tế thế giới năm tới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, giá nguyên liệu, hàng hóa thế giới hiện đã tăng mạnh so với đầu năm 2016 do cầu từ Trung Quốc đột ngột tăng mạnh trong nửa sau của năm 2016.

Trong nước, tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện khá nhờ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, theo lộ trình giá các mặt hàng như điện, nước, học phí, viện phí dự kiến sẽ được tiếp tục điều chỉnh vào năm sau, từ đó sẽ trở thành “lực đẩy” lên CPI. Ngoài ra, tiêu dùng cá nhân sẽ được thúc đẩy nhờ lạm phát trong năm qua được kiểm soát, niềm tin của người tiêu dùng hồi phục và tiền lương cơ bản tăng.

Cũng không loại trừ những biến động mang tính thời điểm về cung cầu của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm do yếu tố về thiên tai, môi trường và thời tiết bất lợi; nhu cầu mua sắm, tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và đặc thù thường tăng cao trong dịp lễ, Tết. Những yếu tố này có thể đưa CPI tăng trở lại vào năm 2017 và lạm phát được dự báo cũng sẽ quay lại.

Như vậy có thể thấy việc kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 4% trong năm 2017 như mục tiêu QH đã đặt ra là đầy thách thức. Theo dự đoán của ông Nguyễn Ngọc Tuyến, thuộc Học viện Tài chính, nếu dịch vụ y tế và giáo dục chỉ điều chỉnh tăng như mức tăng của năm 2016 thì CPI sẽ tăng trong khoảng 5%; còn nếu giá dịch vụ y tế và giáo dục giữ như năm 2016 (không điều chỉnh tăng) thì CPI sẽ vào khoảng 3%.

Ðể thực hiện được mục tiêu lạm phát trong năm tới, một trong nhiều giải pháp được ông Ngô Trí Long khuyến nghị là cần tiếp tục quản lý, điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá (xăng dầu, điện, dịch vụ sự nghiệp công...) theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Trường hợp phải điều chỉnh giá (nhất là dịch vụ y tế ngoài bảo hiểm y tế và dịch vụ giáo dục), các bộ, ngành, địa phương phải đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp để hạn chế tác động đến mặt bằng giá cả thị trường chung. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành, giữ ổn định lạm phát cơ bản dưới 2%; bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ.