Kiểm soát tốt cơ chế bắt buộc mua bảo hiểm xây dựng

Theo kinhtevadubao.vn

Có thể thấy, việc thay đổi từ khuyến khích sang bắt buộc mua bảo hiểm trong xây dựng là cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh ngành xây dựng đang chiếm đến 30% tổng số vụ tai nạn lao động hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, mọi rủi ro trong xây dựng sẽ phải được bảo hiểm. Đó là hướng đi cần thiết, nhưng nó chỉ phát huy hiệu quả thực sự khi Nhà nước có cơ chế kiểm soát tốt việc mua bảo hiểm của các doanh nghiệp.

4 trường hợp công trình phải mua bảo hiểm

Dự thảo nêu rõ chủ đầu tư (hoặc nhà thầu trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng) phải mua bảo hiểm đối với các công trình sau: (i) Công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định hàng năm; (ii) công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng quy định tại Phụ lục II Nghị định 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ; (iii) Công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ; (iv) Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Theo đó, thời hạn bảo hiểm công trình là khoảng thời gian cụ thể, gồm có ngày bắt đầu, ngày kết thúc và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Thời hạn bảo hiểm tối thiểu được tính từ lúc khởi công công trình hoặc từ khi hạng mục bảo hiểm đầu tiên có tên trong hợp đồng bảo hiểm được dỡ xuống công trường (tùy theo ngày nào đến trước) đến ngày công trình xây dựng kết thúc, bàn giao hoặc đưa vào sử dụng (tùy theo ngày nào đến trước).

Về trách nhiệm mua bảo hiểm của nhà thầu tư vấn, Dự thảo quy định, nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên; rủi ro được bảo hiểm đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn là mọi rủi ro trong quá trình khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, không bao gồm các rủi ro loại trừ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Dự thảo không đưa ra mức phí mua bảo hiểm cụ thể mà chỉ quy định nguyên tắc “mức phí bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá trị, tính chất, đặc điểm, quy mô, thời hạn bảo hiểm của công trình”. Mức phí bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp xác định theo tỉ lệ phần trăm của giá trị hợp đồng tư vấn. Các mức cụ thể sẽ do Bộ Tài chính ban hành sau.

Đối với bảo hiểm của nhà thầu thi công xây dựng đối với người lao động thi công trên công trường: Trường hợp người lao động bị thương tích thì mức bồi thường cụ thể cho từng loại tổn thương cơ thể được xác định căn cứ Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Trường hợp người lao động bị tử vong, số tiền bảo hiểm là 100 triệu đồng/người/vụ.

Cần quan tâm tới hậu kiểm

Đánh giá sự cần thiết phải bắt buộc mua bảo hiểm xây dựng, tại Hội thảo “Xây dựng Nghị định quy định về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng”, ngày 04/06/2015, một số đại diện từ phía các doanh nghiệp cho rằng, việc ban hành Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thị trường như hiện nay.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả đó là cơ chế kiểm tra giám sát việc mua bảo hiểm của doanh nghiệp như thế nào. Bởi, trên thực tế việc quy định mua bảo hiểm trong xây dựng đã được quy định tại Luật Xây dựng năm 2003, nhưng do mới là khuyến khích các doanh nghiệp mua bảo hiểm nên hiệu quả chưa cao.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đa số các chủ đầu tư dự án đã yêu cầu đơn vị thi công, nhà thầu mua đầy đủ các loại bảo hiểm theo đúng luật định, nhưng trên thực tế, các nhà thầu thi công xây dựng thường không mua bảo hiểm. Nếu có, đối với công trình lớn, là mua bảo hiểm máy móc thiết bị sử dụng và trách nhiệm bên thứ ba (và cũng chỉ mua tượng trưng). Việc nhà thầu thi công xây dựng mua đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định thường chỉ tiến hành với những dự án lớn, đặc biệt các dự án liên quan đến đầu tư nước ngoài (FDI, ODA). Nhiều trường hợp khi sự cố xảy ra do biện pháp thi công, nhà thầu thi công xây dựng rất khó khăn về năng lực tài chính để khắc phục.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết: “Việc quy định bắt buộc các chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình là hợp lý. Bởi lẽ, một số công trình lớn nên mua bảo hiểm để tránh rủi ro khi có sự cố xảy ra, nếu không thì một số đơn vị không đủ tài chính để đền bù, sau đó bỏ trốn thì khách hàng bị thiệt hại lớn”.

Có thể thấy, việc thay đổi từ khuyến khích sang bắt buộc mua bảo hiểm trong xây dựng là cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh ngành xây dựng đang chiếm đến 30% tổng số vụ tai nạn lao động hiện nay. Tuy nhiên, để quy định thực sự hiệu quả, thiết nghĩ Nhà nước cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, cũng như chế tài xử phạt nghiêm hơn trước để đảm bảo các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng thực hiện tốt việc mua bảo hiểm.